Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 23

Phước của Dân Chúa

Thi-thiên 144

"Đáng ngợi khen Đức Giê-hô-va thay, là Vầng Đá tôi! Ngài là sự nhân từ tôi, đồn lũy tôi, nơi ẩn náu cao của tôi và là Đấng giải cứu tôi" (câu 1a,2a).

Câu hỏi suy ngẫm: Đa-vít ca ngợi Chúa về điều gì (câu 1-4)? Chúa đã giải cứu Đa-vít thế nào (câu 5-11)? Nhìn lại quá khứ bạn ca ngợi Chúa thế nào? Ước vọng tương lai của bạn là gì? Bạn trình dâng ước vọng đó lên Chúa chưa?

Các Thi-thiên 144-150 là những bài hát ca ngợi Chúa. Chúng ta hãy đọc các Thi-thiên này với tinh thần ca ngợi và tôn thờ Chúa như các tác giả.

Khác hẳn Thi-thiên 143, Thi-thiên 144 là một bài hát vui mừng ca ngợi Chúa vì ơn thương xót và sự giải cứu của Ngài. Thi-thiên 144 đem chúng ta ra khỏi không khí u buồn của các Thi-thiên "khổ nạn" (140-43). Ước mong đây cũng là kinh nghiệm của chúng ta, những người tin theo Chúa. Sau những ngày đau buồn, chúng ta được Chúa giải cứu và được kinh nghiệm niềm vui thật trong Chúa.

Có lẽ Thi-thiên 144 được sáng tác trong cùng một trường hợp với Thi-thiên 18, là bài hát ca ngợi Chúa sau khi được giải thoát khỏi tay kẻ thù (xin đọc lời tựa của Thi-thiên 18 để thấy rõ hơn). Vì vậy một vài ý trong Thi-thiên này tương đương với Thi-thiên 18. Ba phần chính của Thi-thiên này là:

Câu 1-4: Ca ngợi Chúa về những điều Chúa đã làm trong quá khứ. Vua Đa-vít gọi Chúa là vầng đá, sự nhân từ, đồn lũy, nơi ẩn náu cao, Đấng giải cứu, cái khiên, nơi tội nhân nương náu. Tất cả từ này nói rõ ràng những điều Chúa đã làm cho ông: che chở, thương xót, bảo vệ... Đây cũng là những điều Chúa làm cho chúng ta, vì thế, chúng ta cần tạ ơn Chúa và ca ngợi Ngài mỗi ngày.

Trong câu 1 Đa-vít nói "Ngài dạy tay tôi đánh giặc, tập ngón tay tôi tranh đấu" vì ông là một vị vua, một tướng lãnh, đã được chính Chúa huấn luyện và hướng dẫn. Câu này cho thấy tác giả nhờ sức Chúa chứ không nương cậy vào sức người. Đọc lại câu chuyện Đa-vít thắng người khổng lồ Gô-li-át trong I Sa-mu-ên 17, chúng ta sẽ thấy rõ điều này. Mỗi ngày trong cuộc chiến chống lại bản ngã, trần gian và ma quỷ, chúng ta cũng phải nương nhờ sức Chúa như vậy.

Câu 3: nhắc lại ý của Thi-thiên 8:4, nói lên sự chăm sóc của Chúa đối với con người bé nhỏ và hữu hạn.

Câu 5-11: Xin Chúa can thiệp và giải cứu khỏi kẻ thù hiện tại. Trong quá khứ, kẻ thù của Đa-vít là Sau-lơ, và người con phản loạn (Áp-sa-lôm) còn bây giờ kẻ thù của ông là "kẻ ngoại bang" (câu 7, 11). Có lẽ lúc đó Do Thái đang đánh nhau với những nước chung quanh. Điều này cho thấy dù kẻ thù là ai: từ bên trong con người chúng ta hay từ bên ngoài, Chúa vẫn có thể giải cứu chúng ta.

Câu 12-15: Ước vọng tương lai. Vua Đa-vít đưa ra ba hình ảnh: hạnh phúc gia đình (con cái lớn mạnh), đời sống vật chất hưng thịnh (canh nông và chăn nuôi) và hòa bình, và ông cho biết dân tộc nào có Chúa làm Chủ sẽ nhận được những điều đó (câu 15).

Đọc Thi-thiên 144, chúng ta hãy ca ngợi Chúa về những điều Chúa đã làm cho chúng ta trong quá khứ, tiếp tục nương cậy Chúa để đương đầu với những khó khăn trong hiện tại, và hướng về tương lai, chúng ta biết rằng người nào một lòng kính sợ Chúa sẽ luôn luôn được phước của Ngài.

Làm thế nào tôi giúp người khác biết Đấng ban phước cho tôi trong năm tháng qua, Ngài sẽ tiếp tục ban phước cho tôi như vậy trong tương lai.

Cám ơn Chúa vì Chúa không bao giờ thay đổi. Xin Chúa cứ chăm sóc con như Chúa đã chăm sóc trong quá khứ và xin tiếp tục hướng dẫn con cho đến khi con gặp Chúa.

(c) 2024 svtk.net