"Kẻ ác chạy trốn dầu không ai đuổi theo; nhưng người công bình mãnh dõng như một sư tử" (Châm-ngôn 28:1).
Câu hỏi suy ngẫm: Tại sao khi nghe nói về những phép lạ Chúa Giê-xu thực hiện, Hê-rốt nghĩ là Giăng Báp-tít? Điều này cho thấy tâm trạng nào của Hê-rốt? Giăng Báp-tít trả giá nào cho sự can đảm, cho chân lý? Bạn có sống can đảm như Giăng Báp-tít không?
Câu chuyện đáng sợ này mở đầu và tô màu cho phần kế tiếp này của Phúc Âm Ma-thi-ơ. Theo một ý nghĩa trước mắt, câu chuyện được thuật lại ở đây để giải thích cho việc Chúa Giê-xu muốn rút khỏi đám đông để nghỉ ngơi và cầu nguyện. Nhưng một bóng tối hơn cũng đang treo lơ lửng ở phần thứ hai của Phúc Âm Ma-thi-ơ. Giăng, người tiền khu của Chúa Giê-xu, đã trả giá cho sự trung tín của ông bằng mạng sống ông. Câu chuyện cũng đưa ra một câu hỏi để độc giả suy gẫm trong một vài chương kế tiếp. Con người Giê-xu này là ai?
Lương tâm của Hê-rốt đã không tìm được sự bình an mà ông ta mong tìm được một khi Giăng Báp-tít bị loại trừ. Bây giờ có những tin đồn rằng Giăng Báp-tít đã trở lại trong hình hài của Chúa Giê-xu. Hê-rốt bối rối về Chúa Giê-xu và muốn gặp Ngài (Lu-ca 9:7-9), ngay tại lúc xử án Chúa Giê-xu, ông ta muốn xem Chúa Giê-xu làm phép lạ. Nhưng ông ta không có ý định trở nên một môn đồ hay thay đổi lối sống của mình, vì vậy Chúa Giê-xu không cho ông ta một câu trả lời nào (Lu-ca 23:8, 9).
Giăng cũng đã từng bối rối về Chúa Giê-xu. Trong lúc ông ở trong tù, ông suy nghĩ Chúa Giê-xu là ai (Lu-ca 7:20-23), và câu trả lời của Ngài mang đầy tính dạy dỗ: Chúa Giê-xu đã trích dẫn phân đoạn mà Ngài đã đọc trong nhà hội tại Na-xa-rét - mà không hề đề cập đến sự tự do cho những kẻ bị cầm tù. Chúa Giê-xu đến để làm ứng nghiệm những lời tiên tri này, nhưng đối với một số người như Giăng thì làm môn đồ của Đấng Christ có nghĩa là chịu mất, thậm chí những ơn phước đã được hứa ban. Mặc cho mọi điều xảy ra, Giăng vẫn cứ trung tín cho đến cuối cùng.
Sau những gì đã xảy ra với Giăng, Chúa Giê-xu và các môn đồ có lý do để lo. Họ cứ di chuyển, nhưng Chúa Giê-xu luôn luôn nắm quyền kiểm soát. Trong các phần tiếp theo, chúng ta sẽ suy nghĩ đến cách Chúa Giê-xu ứng phó với những tình huống đầy thách thức. Chúng ta được gọi để sống bởi đức tin, chứ không phải để cho sự sợ hãi thống trị.
Khi đối diện với những lúc khó khăn, có bao giờ bạn thắc mắc không biết Chúa Giê-xu có thật sự quan tâm đến bạn không? Bạn có thể thành thật nói rằng bạn sống bởi đức tin không? Điều đó được thể hiện thế nào trong đời sống bạn hôm nay?
Lạy Chúa, xin ban cho con lòng can đảm để cứ trung tín với Chúa, mặc cho giá phải trả là gì. Xin giúp con hướng nhìn sự vinh hiển sẽ đến.
(c) 2024 svtk.net