"Nếu ngươi muốn được trọn vẹn, hãy đi bán hết gia tài mà bố thí cho kẻ nghèo nàn, thì ngươi sẽ có của quí ở trên trời; rồi hãy đến mà theo ta" (câu 21).
Câu hỏi suy ngẫm: Tại sao các môn đệ ngăn trở trẻ em đến với Chúa? Người thanh niên muốn tìm kiếm điều gì? Sai lầm của anh ta nằm ở chỗ nào? Có điều gì đang ngăn trở bạn theo Chúa Giê-xu hoàn toàn không? Bạn có để cho gia đình, của cải, địa vị ngăn trở bạn bước đi với Đức Chúa Trời không? Ngài đang bảo bạn từ bỏ điều gì để được hưởng lời hứa về "của quí ở trên trời"?
Trong thời Chúa Giê-xu, cả phụ nữ lẫn trẻ em đều không được coi trọng, tiềm năng của họ cũng bị coi thường. Khi những người mẹ đem trẻ em đến cho Chúa Giê-xu cầu nguyện và ban phước, các môn đệ ngăn cản vì họ muốn bảo vệ Chúa Chúa làm việc nhiều cần nghỉ ngơi, hoặc họ không thấy trẻ em có giá trị gì. Nhưng, Chúa Giê-xu ban cho trẻ em địa vị, Ngài công nhận giá trị và sự đóng góp của chúng. Thường thì trẻ em học hỏi từ nơi người lớn, nhưng thái độ và cách thức của chúng cũng có thể dạy dỗ người lớn nhiều bài học (18:3, 4). Ngay cả các môn đệ của Chúa Giê-xu đôi khi cũng loại bỏ những kẻ có thể dạy họ nhiều bài học mới. Nếu chúng ta cần sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời về cả hôn nhân lẫn tình trạng độc thân thì chúng ta cũng cần sự giúp đỡ của Ngài trong mọi lĩnh vực của đời sống chúng ta (Thi-thiên 127:1).
Người thanh niên giàu có đến với Chúa Giê-xu như đang cố đạt một điều gì đó bởi sức riêng của mình. Anh có sự nhiệt thành cũng như tham vọng của tuổi trẻ, anh muốn thực hiện điều ấy một mình không nhờ cậy ai là sai lầm. Một đời sống đạo đức là đáng khen, nhưng cần biết rằng danh tiếng tốt, tự nó, không đem lại sự thỏa mãn. Vì vậy anh tìm đến Chúa để được xác định giá trị của những việc anh làm hay hy vọng Chúa chỉ cho anh giá trị cao cả của đời sống. Điều mà anh ta vẫn thiếu là sự đầu phục Chúa Giê-xu, bước theo Chúa Giê-xu mới có được sự sống đúng nghĩa (Giăng 17:3). Và điều chính yếu ngăn trở người thanh niên này làm môn đệ Chúa Giê-xu là sự giàu có của anh ta. Có thể nhiều người ganh tị với anh, vì sự giàu có được xem như là một dấu hiệu về ơn phước của Đức Chúa Trời. Anh ta tưởng mình làm chủ tiền bạc, nhưng lời mời gọi của Chúa Giê-xu và quyết định của người thanh niên cho thấy anh là đầy tớ của tiền bạc. Chúng ta không thể vui hưởng mọi điều tiền bạc đem tới trừ khi ta hiểu rõ giá trị của những điều mà tiền bạc không thể mua được.
Trong khi trẻ con được ban phước qua sự gặp gỡ Chúa Giê-xu thì người thanh niên này lại ra đi một cách buồn bã để chạy theo của cải của mình. Thế thì ai là người giàu có hơn trong cuộc gặp gỡ Chúa Giê-xu?
Tôi đang sống như đứa trẻ hay người thanh niên trong đoạn Kinh Thánh này?
Lạy Chúa, xin giúp con không bám víu vào những vật mà một ngày kia sẽ bị bỏ lại phía sau. Xin khiến lòng con hướng về những điều có giá trị đời đời.
(c) 2024 svtk.net