"Đoàn dân đi trước và theo sau đều kêu lên rằng: Hô-sa-na con vua Đa-vít! Đáng ngợi khen Đấng nhân danh Chúa mà đến! Hô-sa-na ở trên nơi rất cao" (câu 9).
Câu hỏi suy ngẫm: Việc Chúa cưỡi lừa vào thành Giê-ru-sa-lem có ý nghĩa gì? "Hô-sa-na" có nghĩa gì? Dân chúng có ý gì hay mong ước gì khi hô lên "Hô-sa-na"? Chúa Giê-xu vào Giê-ru-sa-lem với mục đích gì? Bạn muốn vào Giê-ru-sa-em với Chúa không?
Biến cố này được Chúa Giê-xu hoạch định và ghi lại trong cả bốn sách Phúc Âm. Nó đánh dấu sự bắt đầu Tuần Lễ Thánh và là sự ứng nghiệm lời tiên tri của Xa-cha-ri (Xa-cha-ri 9:9). Đó là lần duy nhất Chúa Giê-xu cưỡi lừa thay vì đi bộ. Ắt hẳn Ngài phải có đôi bàn tay lạ lùng để kiểm soát một con lừa con chưa từng có ai cưỡi trước đó, và lại đi qua một đám đông đang tung hô nữa! Người ta muốn chiến tranh, nhưng Chúa Giê-xu vào thành trong hòa bình. Ngài cưỡi lừa, chứ không cỡi ngựa. Người ta trông chờ lệnh để lật đổ pháo đài của La Mã tại Antonio, chứ không chú ý đến Đền Thờ, nhưng Chúa Giê-xu đến để dẹp sạch đền thờ. Sự trải áo và nhánh cây gợi nhớ lại những ngày đăng quang của Giê-hu (II Các Vua 9:13) để lật đổ Giê-sa-bên và cũng gợi nhớ lại lúc Si-môn Mác-ca-bê đến để phục hồi Giê-ru-sa-lem. (I Mác-ca-bê 13:51). Đối với đám đông, sự đến của Chúa Giê-xu có nghĩa là được giải phóng khỏi những kẻ áp bức họ, và lời của họ xác nhận điều này. Họ tung hô theo một Thi-thiên giải phóng được dùng vào dịp lễ Vượt Qua. Lời chào "Hô-sa-na" của họ có nghĩa là "Xin hãy cứu chúng tôi" (Thi-thiên 118:25). Tại sao Chúa Giê-xu xác nhận niềm hy vọng của họ để rồi sau này ném bỏ họ trong tuần lễ ấy? Vì Ngài là Đấng Mết-si-a mà họ đang chờ đợi, nhưng không phải là vua mà họ mong đợi. Ngài đã đến để giải phóng họ khỏi một kiếp nô lệ quỉ quyệt hơn và một bạo chúa tồi tệ hơn cả người La Mã nữa. Kiếp nô lệ ấy là tội lỗi, vì bạo chúa là sự chết, và Ngài đến để giải phóng họ khỏi kiếp nô lệ và hủy diệt quyền lực của ma quỷ. Chúng ta cố kêu la với Ngài "Hô-sa-na!" nhưng chúng ta cần nhớ rằng Ngài đến để cứu chúng ta khỏi những điều mà Ngài biết chúng ta cần được cứu khỏi, chứ không phải khỏi những điều mà chúng ta thích được giải phóng khỏi.
Tôi ước mong Chúa đến trong đời sống tôi thế nào?
Lạy Chúa, xin tra xét đền thờ của đời sống con ngày hôm nay. Xin giải phóng con khỏi mọi sự ồn ào. Xin lập ngai của Chúa cai trị đời sống con hoàn toàn.
(c) 2024 svtk.net