"Ai khinh dể kẻ lân cận mình phạm tội; Còn ai thương xót người khốn khó lấy làm có phước thay" (câu 21).
Câu hỏi suy ngẫm: Ai là người lân cận của bạn? Bạn đã làm được những gì cho họ? Đâu là cách cư xử của thế gian?
Châm-ngôn cung cấp cho những người yêu mến lẽ thật những nguyên tắc xử thế tuyệt vời. Châm-ngôn giúp xác lập một nền tảng đạo đức vững chắc trong ngôn từ, trong lối sống của Cơ Đốc nhân. Châm-ngôn cũng giúp cho chúng ta hiểu biết sâu hơn về bản chất của Đức Chúa Trời giàu lòng thương xót. Hơn nữa Châm-ngôn cũng giúp chúng ta hiểu rõ hơn về xã hội mà chúng ta đang sống.
Câu 20 không phải là một lời khuyên cần noi theo mà là một nhận xét tinh tế của người xưa. Câu này có ý mỉa mai phê phán lề thói của thế gian. Thói thường con người vẫn luôn tôn trọng kẻ giàu và khinh dể người nghèo. Tục ngữ Việt Nam cũng có nhận xét tương tự: "Bần cư tại thị vô nhân vấn. Phú ngụ sơn lâm hữu khách tầm." (Người nghèo dù ở phố phường chẳng có ai thăm. Người giàu dù ở rừng núi cũng có người đến viếng). Tiếp theo câu 21 là một lời khuyên. Câu này thể hiện bản chất yêu thương của Đức Chúa Trời. Ngài luôn quan tâm đến người nghèo, nghe thấy tiếng kêu than và cảm thông với cảnh ngộ của họ. Ngài muốn tất cả con cái của Ngài bày tỏ tình yêu thương thật đối với những người nghèo khó. Ngài muốn chúng ta nhìn xem người nghèo như chính Ngài nhìn họ. "Ai thương xót kẻ nghèo, tức cho Đức Giê-hô-va vay mượn" (Châm-ngôn 19:17).
Theo nghĩa thông thường, người lân cận là người ở cạnh nhà chúng ta. Nhưng Chúa Giê-xu đã mở rộng ý nghĩa của từ "người lân cận" qua câu chuyện "Người Sa-ma-ri nhân lành" trong Phúc Âm Lu-ca. Ngài hàm ý rằng yêu thương người lân cận có nghĩa là chăm lo, là san sẻ cho những người cần đến sự giúp đỡ của chúng ta dù là họ trong Hội Thánh, hay là những người mà chúng ta tiếp xúc ở bên ngoài. Chúa Giê-xu đặt tình yêu thương Đức Chúa Trời tại trung tâm của điều răn, nhưng Ngài nhấn mạnh rằng yêu thương người lân cận là điều kiện để bước vào vương quốc của Đức Chúa Trời. Cuối cùng dù sống trong một xã hội đầy hiềm khích và tranh cạnh, nhưng Chúa muốn chúng ta sống hòa bình với Đức Chúa Trời và với người khác. Gieo hiềm khích, chống nghịch lại người lân cận thì không thể nào sống yên lành. Chống nghịch lại Đức Chúa Trời thì trăm phần không thể nào "tránh khỏi bẫy của sự chết" (câu 27).
Ai là người nghèo khổ mà Chúa muốn tôi giúp đỡ?
Lạy Chúa, nguyện tình yêu của con đối với Ngài được bày tỏ trong mọi mối quan hệ của con đối với người chung quanh. Nguyện họ thấy được tình yêu thương của Ngài ở trong con.
(c) 2024 svtk.net