Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 7

Ai Nắm Quyền Tể Trị

Châm-ngôn 16:1-33

"Lời của Chúa ở môi vua để người không sai lầm khi xét đoán" (câu 10).

Câu hỏi suy ngẫm: Châm-ngôn này cho biết ai nắm quyền tể trị (câu 1, 33)? Những câu nào bạn có thể áp dụng vào đời sống hằng ngày? Bạn có thể học thuộc không? Nếu là người đang ở vị trí lãnh đạo làm thế nào bạn có thể đưa ra những quyết định đúng khi xét đoán? Bạn có quan tâm và cầu thay cho người lãnh đạo của bạn không?

Phân đoạn hôm nay bắt đầu (câu 1) và kết thúc (câu 33) bằng sự tể trị của Đức Chúa Trời. Có lẽ không nơi nào trong Châm-ngôn mà Đức Chúa Trời xuất hiện đến chín lần (câu 1-11) và vua xuất hiện năm lần (10-15) như trong phân đoạn này. Một số học giả cho rằng Châm-ngôn này được dùng để dạy cho các viên chức trong triều đình của Ít-ra-ên thời bấy giờ, để họ có thể khôn ngoan trong cách ứng xử và cai trị dân chúng trong sự công chính. Những học giả này chú trọng đến mối quan hệ giữa sự công bình của vua và sự công bình của Đức Chúa Trời (câu 10-15).

Thế nào là một vị vua đích thực theo truyền thống quân chủ? Trước nhất vua có quyền lực tối hậu trong hành động và lời nói. Thứ hai, vua phải là người cai trị thần dân trong sự công bình, chính trực. Đối với Ít-ra-ên cũng như những đất nước theo thể chế quân chủ phần thứ hai này thật quan trọng. Nó không chỉ được xem như là một yếu tố đạo đức trong giới cầm quyền mà còn là yếu tố quyết định sự tồn vong của thể chế quân chủ. Trong bối cảnh của các câu Châm-ngôn mà bạn đang suy gẫm, những lời bình về sự khôn ngoan, công bình chính trực và khiêm nhường trong các câu 8 và 16-19 đặc biệt áp dụng cho các vị vua.

Rất nhiều câu Châm-ngôn trong ngày hôm nay có thể áp dụng cho cá nhân bạn và khiến cho bạn được khôn ngoan càng thêm. Ví dụ trong câu 1 từ "đáp lời" đề cập đến câu trả lời đối với người khác và Đức Chúa Trời giúp chúng ta biến những suy nghĩ thành những lời đáng phải nói. Vì thế, khi vì niềm tin hay vì một lẽ gì đó bạn phải đối đáp với người khác, thì Đức Chúa Trời là Đấng hướng dẫn và ban cho bạn những lời khôn ngoan. Hoặc trong phần đầu của câu 14 mô tả "cơn thạnh nộ" của một vị vua. Câu này hàm ý nguy cơ mà bạn có thể trở thành nạn nhân của những cơn nóng giận thất thường của một số người cầm quyền. Vì thế người khôn ngoan là người biết cách làm nguôi cơn giận của giới lãnh đạo.

Tôi mời ai cai trị lòng mình?

Lạy Chúa, con tin câïy nơi Ngài là Đấng ban sự khôn ngoan cho những người tìm cầu Ngài. Xin chỉ dạy và soi dẫn các lối của con.

(c) 2024 svtk.net