Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 22

Thái Độ của Người Cầu Thay (2)

Sáng-thế Ký 18:16-33

"Không lẽ nào Chúa làm điều như vậy, diệt người công bình luôn với kẻ độc ác... Không, Chúa chẳng làm điều như vậy bao giờ!" (câu 25).

Câu hỏi suy ngẫm: Trong phân đoạn Kinh Thánh hôm nay chúng ta học được những điều gì về thái độ và tinh thần của người cầu thay khi đến với Chúa? Làm thế nào để chúng ta có thể phát huy thái độ và tinh thần ấy?

Cầu nguyện là trò chuyện với Chúa.

1. Định nghĩa thông thường về cầu nguyện là "nói chuyện với Chúa," nhưng trong thực hành thì sao? Thay vì trò chuyện với Chúa chúng ta chỉ tập trung vào những gì chúng ta nói mà thôi. Khi nói chuyện với một người, chúng ta lắng nghe họ, nhưng khi chúng ta nói chuyện với Chúa, chúng ta chỉ tuôn ra những gì ta muốn Chúa nghe từ phía chúng ta. Những lời cầu nguyện của chúng ta thường không giống một cuộc trò chuyện.

2. Phân đoạn Kinh Thánh hôm nay, Áp-ra-ham nói với Chúa, và Chúa nói với Áp-ra-ham. Đó không phải là cuộc đối thoại một chiều. Có thể Áp-ra-ham có nhiều điều để nói trong cuộc đàm thoại này, nhưng ông đã để thì giờ lắng nghe Chúa nói. Chính qua sự lắng nghe mà Áp-ra-ham biết Chúa sắp hủy diệt thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ. Cầu nguyện không chỉ là nói với Chúa, nhưng cũng là lắng nghe Chúa.

3. Khi để thì giờ suy gẫm Lời Chúa và cầu nguyện theo Lời Chúa, chúng ta sẽ bắt đầu nghe Ngài nói. Áp-ra-ham biết lòng nhân từ của Chúa cho nên ông mới dám hỏi Chúa, "Chúa sẽ diệt người công bình luôn với người độc ác sao?" (18:23). Ông biết Chúa là Đấng sẽ không diệt kẻ ác chung với người công bình. Chúng ta cần biết Chúa qua Lời của Ngài, để chúng ta có thể trò chuyện với Ngài. Kinh Thánh là phương tiện giúp chúng ta biết Chúa. Đọc và suy gẫm Kinh Thánh khiến chúng ta biết được bản chất và tấm lòng của Ngài.

Cầu xin một cách dạn dĩ.

1. Nếu chúng ta đến gặp chủ nhân xin tăng lương. Khi chủ đồng ý yêu cầu tăng lương, chúng ta sẽ thỏa lòng, không mặc cả thêm nữa.

2. Đó chính là điều Áp-ra-ham làm. Ông có gan thương lượng với Chúa nhân danh những người công bình ở trong thành. Ông bắt đầu với 50 người. Khi Chúa đồng ý, ông đặt vấn đề nếu trong thành chỉ có 45 người công bình thì sao. Từ từ ông hạ con số đó xuống còn 10 người. Áp-ra-ham đã can đảm 6 lần cầu xin Đức Chúa Trời đừng hủy diệt hai thành phố này vì cớ một số ít những người công bình đang ở nơi đó. Ông đến cùng Chúa với một thái độ khiêm nhường, mỗi lần đều xin phép Ngài cho ông nói, và khi Chúa cho phép, ông can đảm nêu điều mình cầu xin.

Cầu xin ý Chúa được nên.

1. Mặc dù Áp-ra-ham rất nhiệt tình trong điều ông cầu xin cho người khác, nhưng lời cầu xin của ông mở ngỏ cho sự định đoạt của Chúa. Ông giao phó vấn đề cho Chúa quyết định đường lối tốt nhất cho tình cảnh Ngài nhìn thấy. Trong câu 25 ông khẳng định hai lần rằng, "không lẽ nào Chúa làm điều như vậy, diệt người công bình luôn với kẻ độc ác

Không, Chúa chẳng làm điều như vậy bao giờ!" Điều ông nói ở đây là bản chất của Chúa khiến Ngài không thể hành động như vậy. Ông không ép Chúa, đẩy Ngài vào góc tường. Ông để ngỏ lời cầu xin của mình cho Chúa hành động.

2. Áp-ra-ham nhận biết sự hiểu biết giới hạn của mình. Chúa có sự hiểu biết đầy đủ mà ông không có. Trong khi Áp-ra-ham có trong đầu những bước hành động để thuyết phục Chúa, ông cũng khiêm nhường đủ để nhận biết Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời và thẩm quyền tối hậu ở nơi Ngài.

3. Nhiều khi chúng ta đến với Đức Chúa Trời mà thiếu sự mạnh dạn. Chúng ta xin Chúa bất cứ điều gì, và xin đủ thứ. Chúng ta không biết Đức Chúa Trời. Chúng ta không để thì giờ để hiểu biết sâu sắc về Đức Chúa Trời, cho nên chúng ta không nói được như Áp-ra-ham, và cũng không tôn trọng thẩm quyền của Ngài. Khi không thật sự biết Chúa, chúng ta không tin cậy Ngài mà giao phó cho Ngài. Chúng ta xin điều chúng ta nghĩ là tốt nhất, và muốn Chúa làm theo lời cầu xin đó. Như vậy, Chúa không thật sự là Chúa, nhưng chính là chúng ta.

Để có thể cầu nguyện trong ý Chúa chúng ta cần để thì giờ học biết Chúa. Chúng ta học biết về Chúa từ Kinh Thánh hay từ người khác. Nguồn tin cậy để chúng ta hiểu biết về Chúa là từ Kinh Thánh. Đó là nơi chúng ta nghe được Đức Chúa Trời phán gì với con dân Ngài. Đây là nơi chúng ta cần bắt đầu. Khi chúng ta học Lời Chúa chúng ta có thể nhận biết ý chỉ của Ngài, và có thể cầu xin Ngài hành động.

Tôi thường muốn Chúa trả lời sự cầu nguyện theo ý tôi hay ý Chúa? Tại sao?

Xin Chúa giúp con học biết Ngài càng hơn để có thể cầu nguyện trong tinh thần đầu phục thánh ý của Ngài.

(c) 2024 svtk.net