Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 14

Ví Dụ về Nước Trời

Mác 4:1-20

"Ngài phán rằng: Sự mầu nhiệm của nước Đức Chúa Trời đã tỏ ra cho các ngươi, nhưng về phần người ngoài thì dùng cách thí dụ để dạy mọi sự" (câu 11).

Câu hỏi suy ngẫm: Chúa Giê-xu cho những ví dụ nào về nước trời? Ý nghĩa của từng ví dụ là gì? Bạn học và áp dụng được gì vào đời sống hằng ngày qua ví dụ này?

Khi giảng dạy, Chúa Giê-xu thường dùng ví dụ, vì Ngài muốn dùng những hình ảnh trong đời sống hằng ngày để giải thích những chân lý thiên thượng. Chúa cũng cho biết phương pháp dạy dỗ này được áp dụng cho "người ngoài" (câu 11), nghĩa là người chưa tin Chúa. Nếu thực tâm tìm kiếm Chúa, họ có thể hiểu những ví dụ này. Đây là ví dụ về người gieo giống, câu chuyện rất đơn giản và lời giải thích cũng rõ ràng. Câu chuyện nói về phản ứng của con người khi nghe Lời của Chúa. Phản ứng đó có thể phân làm bốn giai đoạn hay bốn tình trạng như sau:

(a) Nghe Lời Chúa, nhưng chỉ nghe rồi thôi, không để ý gì đến Lời ấy nữa. Đó là tấm lòng cứng cõi, chai lỳ đối với Lời Chúa. (b) Nghe và hiểu nhưng không thực hành theo điều mình hiểu biết. (c) Nghe, hiểu và tiếp nhận nhưng không tiếp tục làm theo những điều mình đã hiểu và đã tiếp nhận. (d) Nghe, hiểu, tiếp nhận và tiếp tục vâng theo Lời dạy của Chúa. Điều chúng ta cần làm mỗi ngày là ĐỌC, HIỂU, TIẾP NHẬN và THỰC HÀNH để thật sự kết quả cho Chúa.

Nếu đọc thêm chúng ta có bốn ví dụ khác Chúa Giê-xu kể cho đoàn dân:

1. Ví dụ về cây đèn (câu 21-23). Ý chính của ví dụ này nói về mục đích của cây đèn. Người ta thắp đèn để soi sáng chứ không phải để che giấu đi. Những ví dụ Chúa kể có thể không có ý nghĩa gì đối với một số người, nhưng không phải vì vậy mà không "soi sáng" cho ai cả. Đến một lúc nào đó mọi người sẽ thấy được ý nghĩa rõ ràng. Điều quan trọng là phải nghe cho kỹ (câu 23).

2. Ví dụ về đong, lường (câu 24, 25). Câu mở đầu giúp chúng ta hiểu ý nghĩa của ví dụ này: "Hãy cẩn thận về điều mình nghe!" Khi nghe Lời Chúa cẩn thận, tiếp nhận và thực hành, chúng ta sẽ được nghe thêm và hiểu thêm. Ngược lại, nếu không tiếp nhận Lời Chúa, chúng ta chẳng những không được nhận thêm mà còn có thể mất luôn điều mình đã nghe, đã hiểu. Đây không phải là điều bất công nhưng là một định luật tự nhiên. Một quan thể lâu ngày không sử dụng có thể trở thành vô dụng; cũng vậy, nếu chúng ta không vận dụng trí óc để tiếp nhận Lời Chúa, sẽ đến lúc chúng ta không còn khả năng để tiếp nhận nữa!

3. Ví dụ về hột giống kết quả (câu 26-29). Ví dụ này cho thấy về huyền nhiệm của Lời Chúa. Lời Chúa giống như hột giống, có sự sống tiềm ẩn bên trong. Người làm ruộng không thể thúc hối hay làm điều gì cho hột giống mọc lên. Nhiệm vụ của người ấy chỉ là gieo, chính đất đai sẽ làm cho hột giống nẩy mầm, lớn lên và đơm hoa kết quả. Lời Chúa cũng vậy, nếu được gieo đúng vào lòng người thì sẽ tự nhiên kết quả. Hai điều duy nhất con người được tham dự trong tiến trình này là gieo (câu 26) và gặt (câu 29). Ví dụ này nhắc chúng ta hăng hái nói về Chúa cho người khác và mời gọi họ tin nhận Ngài. Chúng ta chỉ lo gieo rắc Lời Chúa, chính Chúa sẽ làm cho hột giống đạo nẩy mầm và kết quả.

4. Ví dụ về hột cải (câu 30-32). Ý chính của ví dụ này là sự phát triển mạnh mẽ của đạo Chúa, lúc đầu có vẻ như không có ý nghĩa gì nhưng về sau trở nên to lớn, vĩ đại, kết quả tốt đẹp đến nỗi người khác không ngờ được.

Tôi có áp dụng Lời Chúa cách tích cực vào đời sống hằng ngày không?

Xin giúp con sẵn sàng nghe Lời Chúa, tiếp nhận và cũng gieo ra cho mọi người biết và chờ Chúa hành động, để một ngày kia được nhìn thấy những kết quả đặc biệt của Lời Chúa.

(c) 2024 svtk.net