"Ta thương xót đoàn dân này vì đã ba ngày nay không rời bỏ ta và chẳng có gì ăn..., Ngài răn môn đệ rằng: Hãy giữ mình cẩn thận về men người Pha-ri-si và men đảng Hê-rốt" (câu 2, 15).
Câu hỏi suy ngẫm: So sánh hai lần Chúa hóa bánh ra nhiều có những điểm giống và khác nhau nào? Bạn học được điều gì qua hai phép lạ đó? Tại sao Chúa trách người Pha-ri-si và cả các môân đệ của Ngài? Làm sao để lòng bạn không cứng cỏi?
Câu chuyện Chúa hóa bánh ra nhiều lần thứ nhất và lần thứ nhì tương tự như nhau nhưng có những điểm khác nhau như sau:
LẦN THỨ NHẤT (5:34-44)
1. Đoàn dân ở với Chúa một ngày
2. Các môn đệ đề nghị Chúa bảo dân chúng về
3. Có năm cái bánh và hai con cá
4. Số người ăn khoảng 5000 người
5. Số thức ăn thừa đựng 12 giỏ
6. Giỏ của người Do Thái (kophinos), nhỏ, dùng để đem thức ăn mỗi khi đi xa
LẦN THỨ HAI (8:1-10)
1. Đoàn dân ở với Chúa ba ngày
2. Chúa nghĩ đến việc cho dân chúng về
3. Có bảy cái bánh và "mấy con cá nhỏ"
4. Số người ăn khoảng 4000 người
5. Số thức ăn thừa đựng 7 giỏ
6. Giỏ của dân ngoại (spyris), lớn, một người có thể ngồi bên trong được (Công-vụ các Sứ-đồ 2:29).
Có thể nói, trong lần thứ nhất Chúa làm phép lạ với người Do Thái, lần sau với Dân Ngoại. Dù trường hợp nào, chúng ta cũng đều thấy: Tình thương của Chúa đối với con người, và đức tin của các môn đệ non kém, quyền năng của Chúa vẫn cung cấp đầy đủ cho đoàn người.
Người Do Thái luôn luôn đòi hỏi phép lạ, họ phải thấy phép lạ thì mới tin (I Cô-rinh-tô 1:22). Phản ứng của Chúa Giê-xu trước đòi hỏi đó là: "than thở trong lòng," điều này nói lên nỗi buồn rầu và thất vọng của Chúa. Lẽ ra người Pha-ri-si là giới lãnh đạo tôn giáo, phải biết Chúa rõ hơn người khác và phải hân hoan đón tiếp Chúa vì đã học hỏi nhiều hơn về Chúa trong Thánh Kinh. Nhưng đến lúc đó họ vẫn còn đòi dấu lạ chứng tỏ họ vẫn không tin Ngài và điều này đã làm cho Chúa buồn.
Sau khi từ giã nhóm người Pha-ri-si, Chúa cảnh cáo các môn đệ về ảnh hưởng xấu của những người này. Chúa dùng chữ "men" trong nghĩa bóng, hàm ý ảnh hưởng xấu của họ có thể lan ra nhanh chóng như chất men trong bột, nhưng các môn đệ lại nghĩ Chúa nói về men làm bánh vì họ quên đem bánh theo. Thấy các môn đệ nông cạn, Chúa trách và nhắc họ nhớ về các phép lạ hóa bánh để cho họ thấy rằng Chúa không nói gì về bánh ăn nhưng nói về ảnh hưởng xấu người Pha-ri-si và đảng Hê-rốt. Men của người Pha-ri-si là lối sống đạo đức giả: Lu-ca 12:1; còn men của đảng Hê-rốt là tính hay chạy theo đời và theo những dục vọng nhất thời.
Cả hai nhóm người (Pha-ri-si và môn đệ của Chúa) đều hờ hững trước những phép lạ Chúa đã làm. Người Pha-ri-si đã thấy phép lạ còn đòi thêm phép lạ; các môn đệ đã thấy Chúa hóa bánh ra hai lần mà vẫn nghĩ Chúa trách vì họ không đem bánh theo. Chúng ta cần có cái nhìn sâu sắc hơn về những điều Chúa đã làm để thêm lòng tin nơi Chúa và thấy rõ những ý nghĩa thiêng liêng hơn là chỉ nhìn thấy những điều nông cạn, tầm thường trong đời sống vật chất.
Làm sao để tôi không nhìn vấn đề cách nông cạn?
Xin thêm đức tin để con thấy được quyền năng của Chúa và luôn luôn nương cậy nơi Ngài vì biết rằng Chúa luôn cung cấp đầy đủ cho con. Xin cho con có nhận định đúng về những vấn đề tâm linh để hiểu được điều Chúa muốn dạy con mỗi ngày.
(c) 2024 svtk.net