"Vậy, trong ngày Sa-bát có phép làm việc lành" (câu 12).
Câu hỏi suy ngẫm: Người Pha-ri-si giữ ngày nghỉ thế nào? Qua phân đoạn Kinh Thánh này, Chúa Giê-xu dạy chúng ta tinh thần nào cho ngày nghỉ? Bạn dùng ngày nghỉ làm gì? Bạn hưởng được gì trong cách sử dụng đó?
Người Do Thái thời xưa, nhất là phái Pha-ri-si thường lệch lạc trong việc sử dụng ngày Sa-bát. Họ đặt ra những luật lệ chi li, gò bó, khắt khe nhằm làm cho đúng chữ nghĩa của điều răn, nhưng họ lại sai lạc mất tinh thần của điều răn. Tinh thần của tất cả điều răn là để làm ích lợi cho con người và làm vinh quang danh Chúa. Chúa Giê-xu chữa bệnh trong ngày Sa-bát. Ngài làm đúng tinh thần của điều răn. Nhưng người Pha-ri-si vì lệch lạc, hẹp hòi, họ đã kịch liệt lên án Ngài.
Ngày nay, chúng ta làm thế nào để "lấy ngày nghỉ đặng làm nên ngày thánh?" Trong vòng con dân Chúa ngày nay cũng có những "lời truyền khẩu" về cách giữ ngày Chúa Nhật. Có người dạy rằng trong ngày Chúa Nhật, con dân Chúa không được làm việc này, việc nọ, vv... Trong khi đó người khác thì lại xem ngày Chúa Nhật là một ngày như mọi ngày. Ai đúng, ai sai?
Cả hai đều sai. Vì theo dạy dỗ của Tân Ước, ngày nay, con cái Chúa không tuân giữ điều răn theo chữ mà theo Thánh Linh, tức là theo tinh thần của điều răn. Với tinh thần đó, đa số các Hội Thánh có lễ thờ phượng Chúa vào ngày Chúa Nhật (ngày đầu tuần lễ) thay vì ngày thứ Bảy (ngày Sa bát, ngày cuối tuần lễ). Sự thay đổi này thể hiện lòng vui mừng chào đón Chúa Phục Sinh. Dù là ngày thứ Bảy, hay là ngày Chúa Nhật, hay ngày nào khác, điều quan trọng là mỗi con dân Chúa cần có một ngày trong tuần để "nghỉ ngơi" như Chúa đã dạy. Chúng ta nên tránh lỗi lầm của người Pha-ri-si ngày xưa, ấy là nỗ lực đặt ra những luật lệ chi li, gò bó, cứng nhắc, như là: được làm điều này, không được làm điều kia, v.v... trong ngày nghỉ. Đồng thời chúng ta cũng không nên coi thường, xem ngày nào cũng chỉ là một ngày như mọi ngày. Mỗi người nên có những chuẩn mực cho mình để thực hành và bảo vệ ngày nghỉ của mình. Sau đây là một số những "hướng dẫn" của các tín hữu Do Thái chúng ta có thể học hỏi và ứng dụng cho mình.
1. Trong ngày nghỉ, chúng ta nên hài hòa với thiên nhiên: Ngừng những hoạt động khuấy động thiên nhiên. Hướng lòng về Đấng Tạo Hóa thay vì lợi dụng tạo vật.
2. Trong ngày nghỉ, chúng ta nên hài hòa với tha nhân: Tránh tranh đấu với tha nhân, tìm sự hài hòa với mọi người.
3. Trong ngày nghỉ, chúng ta nên hài hòa với bản thân, để cho tâm hồn lắng dịu, dành thì giờ tương giao với Chúa.
4. Trong ngày nghỉ chúng ta nên tránh làm ăn, mua bán, mưu sinh; tránh lao lực quá mức, di chuyển đường xa, hay chuẩn bị cho ngày làm việc sắp đến; tránh để lòng lo lắng, buồn giận, v.v...
5. Trong ngày nghỉ chúng ta nên đọc Lời Chúa, cầu nguyện, thờ phượng, ăn uống, an nghỉ, thông công với bạn bè thân thuộc, anh em đồng đức tin, đi dạo, bồi đắp tình thương với gia đình, hàng xóm, bạn bè, v.v. . .
Mỗi chúng ta cần tìm cách thích hợp với mình để biến ngày nghỉ thành ngày thánh, hầu cho chúng ta được phục hồi thân thể, tinh thần và tâm linh.
Ngày nghỉ có ý nghĩa thế nào trong đời sống tôi?
Lạy Chúa, xin giúp con biết dùng ngày nghỉ để làm vinh hiển Danh Chúa và nối kết với người thân Chúa đặt để gần con.
(c) 2024 svtk.net