"Hòn đá bị thợ xây nhà bỏ ra đã trở nên đá góc nhà; Ấy là công việc của Chúa, và là việc rất lạ trước mắt chúng ta" (câu 10, 11).
Câu hỏi suy ngẫm: Chúa Giê-xu phán ví dụ này cho ai? Nội dung của ví dụ là gì? Ví dụ có ý nghĩa nào? Qua ví dụ này, có điều nhắc nhở nào dành cho bạn?
Lý do khiến Chúa Giê-xu kể câu chuyện chúng ta vừa đọc là vì lời chất vấn của các thầy tế lễ ở phân đoạn trước (11: 27-33). Giới lãnh đạo Do Thái giáo những người sẵn sàng chống đối sứ giả của Chúa, giống như tổ tiên của họ trước kia. Vườn nho là một hình ảnh rất quen thuộc đối với người Do Thái. Câu chuyện này làm họ nhớ lại một hình ảnh tương tự ghi trong Cựu Ước (Ê-sai 5:1, 2). Hàng rào, hầm ép rượu và cái tháp để giữ vườn là những điều cần thiết để bảo vệ vườn nho. Đó cũng là cách Chúa xây dựng và bảo vệ con dân của Ngài. Vườn nho trong câu chuyện này tượng trưng cho người Do Thái, là tuyển dân của Chúa, nhưng họ đã khước từ những sứ giả mà Chúa sai đến với họ (câu 2-5).
Câu "Đứa con trai một rất yêu dấu" chỉ về Chúa Giê-xu, và những lời Chúa nói từ câu 7 đến câu 10 là những lời tiên tri:
1. Chúa sẽ chịu chết về tay người Do Thái (câu 7, 8).
2. Người Do Thái sẽ bị phạt và đạo của Chúa sẽ được truyền cho Dân Ngoại (câu 9).
3. Cuối cùng, Chúa sẽ chiến thắng và được tôn cao (câu 10, 11).
Sau khi nghe câu chuyện này, giới lãnh đạo tôn giáo biết ngay là Chúa nói về họ nên tìm cách bắt Ngài, nhưng vì biết dân chúng vẫn kính trọng Chúa nên họ không dám ra tay.
Qua phân đoạn này, chúng ta thấy tình thương và sự chăm sóc của Chúa dành cho con dân Ngài, nhưng họ đã khước từ tình thương đó nên bị Chúa hình phạt. Chúng ta cũng cần tự hỏi: Chúa chăm sóc tôi thật nhiều, nhưng tôi đáp ứng thế nào trước tình thương của Chúa? Tôi đối xử như thế nào với những sứ giả của Chúa?
Đối với chính Chúa Giê-xu, tôi có thật sự tôn Ngài làm Vua, làm Chủ của đời sống tôi không?
Cảm ơn Chúa về sự chăm sóc của Chúa trên đời sống con mỗi ngày. Xin cho con biết lắng nghe và vâng phục ý Chúa luôn luôn.
(c) 2024 svtk.net