"Ngài lại phán cùng A-đam rằng: vì ngươi nghe theo lời vợ... ngươi sẽ làm đổ mồ hôi trán mới có mà ăn, cho đến ngày nào ngươi trở về đất, là nơi mà có ngươi ra; vì ngươi là bụi, ngươi sẽ trở về bụi" (câu 17, 19).
Câu hỏi suy ngẫm: Sa-tan đã cám dỗ Ê-va như thế nào? Khi tổ phụ loài người sa ngã thì điều gì xảy ra? Làm thế nào để phục hồi mối quan hệ đổ vỡ giữa Đức Chúa Trời và loài người? Mối quan hệ giữa bạn và Đức Chúa Trời hiện nay như thế nào?
Chiến lược cám dỗ của Sa-tan là khiến cho A-đam và Ê-va không thỏa lòng khi làm công việc trồng và giữ vườn của Đức Chúa Trời. Từ chỗ không thỏa lòng họ muốn trở thành chủ nhân thay vì là người làm công của Đức Chúa Trời. Vì thế họ đã không vâng lời Đức Chúa Trời và ăn trái cấm. Dù họ không chết ngay, ít nhất là về mặt thể chất, nhưng chúng ta phải hiểu rằng sự chết mà Kinh Thánh thường đề cập không những là chết thuộc thể, mà còn là xa cách Đức Chúa Trời và không còn giữ mối quan hệ với Ngài là nguồn của sự sống. Vì thế, khi Môi-se đề nghị người Ít-ra-ên trở lại với mối quan hệ giao ước với Đức Chúa Trời, ông đã đặt trước mặt họ sự chọn lựa giữa sự sống và cái chết (Phục-truyền Luật-lệ Ký 30:15).
Câu chuyện này không đem đến cho chúng ta câu trả lời thỏa đáng về nguồn gốc của tội lỗi. Tuy nhiên, nó giúp cho chúng ta thấy rằng con rắn chỉ là một tạo vật (câu 1), chứ không phải một vị thần nào khác. Dĩ nhiên, khi là một tạo vật, con rắn phải ở dưới quyền của Đức Chúa Trời. Câu chuyện cũng giúp cho chúng ta nhận thức được những rắc rối mà chúng ta gặp phải bắt nguồn từ đâu. Trong một ý nghĩa nào đó, ngay khi A-đam và Ê-va phạm tội họ đã chết và mối quan hệ giữa họ và Đức Chúa Trời bị đổ vỡ. Họ tránh gặp Ngài bằng cách ẩn mình trong bụi cây thay vì vui mừng gặp gỡ Ngài.
Mối quan hệ đổ vỡ này khởi nguồn cho những xáo trộn về mặt tâm lý, tình cảm cũng như những rắc rối về mặt quan hệ xã hội. Con người tội lỗi vẫn thường trốn tránh trách nhiệm và đổ lỗi cho nhau như A-đam đổ lỗi cho Ê-va. Con người thường khi không thoải mái với chính bản thân mình và thường có xung đột về nhiều phương diện. Sự sa ngã cũng gây ra vô số nan đề về sinh thái bởi vì đất bị rủa sả (câu 17b). Đặc biệt là công việc trở nên vất vả, cực nhọc. Vì thế, mục đích của Đức Chúa Trời là qua Đấng Chirst, Ngài sẽ phục hồi thế giới sa ngã (Cô-lô-se 1:20). Công trình sáng tạo mới của Đức Chúa Trời được mô tả như là một nơi mà con người sẽ vui hưởng công việc mà tay họ làm ra và không còn lao nhọc một cách vô ích nữa (Ê-sai 65:21-23). Mọi sự đều trở nên mới trong Đấng Christ (II Cô-rinh-tô 5:17), đó là lý do mà những người làm công cho Đức Chúa Trời phải thể hiện sự tươi mới này nơi công sở, chốn thương trường hay trong những công việc ở Hội Thánh địa phương.
"Hễ làm việc gì, hãy hết lòng mà làm, như là làm cho Chúa, chứ không phải làm cho người ta" (Cô-lô-se 3:23).
Tôi thực hành câu Kinh Thánh này như thế nào?
Lạy Chúa, hậu quả của tội lỗi khủng khiếp quá, xin giúp con tránh xa được tội lỗi và ở trong mối quan hệ khắng khít với Chúa để làm vinh hiển Chúa trong đời sốâng hằng ngày.
(c) 2024 svtk.net