Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 13

Phước Cho Người Công Bình

Thi-thiên 5:1-12

"Vì hỡi Đức Giê-hô-va, chính Ngài sẽ ban phước cho người công bình. Lấy ơn vây phủ người khác nào bằng cái khiên" (câu 12).

Câu hỏi suy ngẫm: Những danh xưng nào Vua Đa-vít dành cho Chúa qua Thi-thiên này? Điều đó nói gì về tấm lòng ông? Ông dâng lời cầu nguyện lúc nào? Nói lên Chúa ở vị thế nào trong cuộc đời ông? Ông nhấn mạnh đến đặc tính nào của Đức Chúa Trời trong lời cầu nguyện của ông? Tại sao? Tôi có cầu nguyện để sự công bình của Chúa được thể hiện trong các lãnh vực của đời sống như giáo dục, xã hội, chính trị, luật pháp... không?

Qua các câu đầu (câu 1-3) Vua Đa-vít đã nói lên niềm tin tưởng nơi Chúa khi ông tôn xưng: Vua tôi, Đức Chúa Trời tôi, Đức Giê-hô-va. Đối với ông Chúa ở vị thế cao cả nhất, ưu tiên nhất trong cuộc đời, nên vừa sáng ông "trình bày duyên cớ tôi trước mặt Ngài và trông đợi." Đa-vít cầu xin Chúa cứu ông khỏi kẻ ác và sự ác để ông sống cuộc đời công chính vì vậy ít ra bốn lần ông đề cập đến sự công chính của Đức Chúa Trời. Thứ nhất, Ngài thể hiện sự công chính của Ngài ở chỗ Ngài chẳng vui lòng về sự dữ (câu 4). Đức Chúa Trời ghét kẻ gian tà. Ngài sẽ mau chóng đoán phạt họ. Những cụm từ "không được ở cùng" hay "không đứng nổi" nói lên rằng kẻ ác sẽ không thể tồn tại trước mặt Đức Chúa Trời thánh khiết và công bình. Thứ nhì, tác giả cầu xin Đức Chúa Trời ban bằng đường lối của ông (câu 8). Lời cầu nguyện này có hai yếu tố mà ta cần lưu ý. Một mặt, ông cầu nguyện rằng bởi sự hiện diện của Đức Chúa Trời mà mọi trở ngại trên đường đời của ông được san bằng. Mặt khác, khi kẻ gian ác thách thức, ông cầu xin Chúa thể hiện sự công bình của Ngài. Thứ ba, khi kẻ ác gây sự rối loạn và chống nghịch lại Đức Chúa Trời, tác giả cầu nguyện xua đuổi họ khỏi cộng đồng giao ước (câu 10). Bởi sự công bình của Đức Chúa Trời mà sự bất trung, vô tín cùng những ý tưởng và việc làm gian ác sẽ trở thành những trái đắng và là thảm họa giáng trên kẻ ác. Thứ tư, lời kết luận (câu 12) tôn vinh Đức Chúa Trời là Đấng đối xử một cách nhân từ đối với người công bình. Niềm hy vọng của người công bình ở nơi Đức Chúa Trời là Đấng luôn che chở và tôn vinh họ.

Sự cầu nguyện luôn gắn liền với ý thức về sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Không thể cẩu thả hay khinh xuất khi bước vào sự hiện diện thánh của Ngài. Xuất Ê-díp-tô Ký 19:12 chép rằng "Dù những thầy tế lễ đến gần Đức Giê-hô-va cũng phải giữ mình thánh sạch, kẻo Ngài hại họ chăng." Ở đây, tác giả nói rằng bởi lòng nhân từ của Chúa mà ông được bước vào nhà của Đức Chúa Trời là nơi có sự hiện diện thánh của Ngài (câu 7). Chúng ta được vào trong nhà của Chúa và cầu nguyện, chỉ bởi ân sủng mà thôi.

Khi ra mắt Chúa, thờ phượng Chúa, qua Thi-thiên này, chúng ta nghĩ đến Đức Chúa Trời công bình, Đấng sẽ hủy diệt kẻ ác, sự ác, rồi tập trung, hướng lòng vào sự thờ phượng cách thánh sạch. Người công bình của Chúa là người hòa thuận với Đức Chúa Trời.

Trong ngày hiền mẫu hôm nay, chúng ta suy xét lại cách sống làm người công bình của Chúa trong cương vị làm con trong gia đình, trong gia đình thiên thượng. Chúng ta có thật sự là người đem sự hòa giải đến trong gia đình bé nhỏ của mình, hoặc trong Hội Thánh không? Qua nếp sống hòa giải đó chúng ta được Chúa ban phước: "Phước cho người hòa giải vì sẽ được gọi là con Đức Chúa Trời" (Ma-thi-ơ 5:9). Mặt khác, trong gia đình, người mẹ là người hòa giải, người nối mối liên hệ những người trong gia đình với nhau, và cũng là người gần gũi để dẫn đưa con cái vào mối thông công với Chúa. Cảm tạ Chúa về người mẹ, vì "Ngài ban phước cho người công chính, lấy ơn vây phủ người khác nào bằng cái khiên."

Sự công bình của Đức Chúa Trời có luôn thể hiện trong mọi việc làm của tôi không? Tôi chuẩn bị như thế nào để bước vào sự hiện diện của Đức Chúa Trời trong sự cầu nguyện?

Lạy Chúa, trước sự thánh khiết và công bình của Ngài, con cầu xin sự tha thứ và sự tẩy sạch những ác uế khỏi đời sống con. Xin chuẩn bị con để con bước vào sự hiện diện của Ngài với bàn tay thanh sạch và tấm lòng thánh khiết.

(c) 2024 svtk.net