"Vả, Đức Thánh Linh phán tỏ tường rằng, trong đời sau rốt, có mấy kẻ sẽ bội đạo mà theo các thần lừa dối, và đạo của quỉ dữ" (câu 1).
Câu hỏi suy ngẫm: Vì sao Hội Thánh đầu tiên gặp nhiều khó khăn trong việc nhận biết và làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời? Mục đích của Phao-lô viết thư tín này với mục đích gì? Những điều nào có thể gây tổn hại đến sự hiệp một trong Hội Thánh? Giải pháp cho một Hội Thánh đang ở trong tình trạng chia rẽ là gì? Hội Thánh địa phương của bạn đang ở trong tình trạng nào?
Hội Thánh đầu tiên không hiểu và không làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời, không phải vì Ngài không truyền dạy họ một cách rõ ràng, nhưng vì có quá nhiều những tiếng nói bảo rằng, để họ trở nên Cơ Đốc nhân là phải như thế này, để quản trị tốt Hội Thánh là phải thế kia, khiến họ bị phân tâm. Những tiếng nói này tìm cách lấn áp tiếng nói của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, chỉ có một tiếng nói có thẩm quyền là tiếng nói của Đức Chúa Trời. Giữa những tiếng nói ồn ào, chúng ta phải phân biệt đâu là tiếng nói của Đức Chúa Trời để không lầm lạc. Cơ Đốc nhân chỉ tuân theo tiếng nói cao nhất và có thẩm quyền hơn hết đó là tiếng nói của Đức Chúa Trời trong chính Lời Ngài.
Mục đích của Sứ đồ Phao-lô khi viết thư tín này là làm sáng tỏ một số điều mơ hồ giữa vòng các tín hữu ở Ê-phê-sô, để bởi đó Hội Thánh có thể cùng sống và làm việc với nhau theo ý mưốn tốt lành và trọn vẹn của Đức Chúa Trời (câu 3:14,15).
Chúa Giê-xu phải là trọng tâm của mọi sinh hoạt trong Hội Thánh, nên mọi việc chúng ta làm (câu 3:16) là để tôn vinh Ngài. Nhưng để Chúa Giê-xu làm trọng tâm của Hội Thánh không dễ dàng nếu có quá nhiều người đưa những ý kiến, luật lệ và chương trình của con người vào Hội Thánh. Những người này khẳng định rằng một "Cơ Đốc nhân thật" phải làm giống như họ đã làm. Những điều họ đưa ra có thể là cách thờ phượng, hay là thể loại âm nhạc nào nên sử dụng trong nhà thờ, hoặc là phải sử dụng những từ ngữ nào khi cầu nguyện, hoặc là tín hữu phải theo luận điểm thần học nào về sự tái lâm của Đấng Christ. Những điều này vẫn thường đem đến sự chia rẽ thay vì hiệp nhất trong Hội Thánh. Có thể nói trên một bình diện rộng lớn, Cơ Đốc nhân đã tạo ra các thần tượng hay những điều gần giống như thần tượng từ chỗ giải thích về các thánh lễ, các luận điểm thần học, hoặc phải ăn gì uống gì... Đó là lý do mà niềm hy vọng tìm kiếm sự tốt lành trong sự đa dạng (câu 4:4) và tôn vinh Đấng Christ bị cạn tắt đi. Hậu quả là ngôi nhà của đức tin bị suy sụp bởi sự chia rẽ.
Nếu chúng ta đứng vững trên lời dạy của Đấng Christ, yêu thương và cầu nguyện cho nhau như Ngài đã yêu thương và cầu nguyện cho chúng ta, chắc chắn chúng ta sẽ vượt qua được những điều đến từ con người làm phân rẽ chúng ta. Khi Đấng Christ luôn là trọng tâm và tiếng nói của Ngài là tiếng nói có thẩm quyền cao nhất thì sẽ không còn sự chia rẽ nữa.
Chúa Giê-xu có luôn là trọng tâm trong đời sống của chính tôi và trong đời sống Hội Thánh địa phương của tôi không?
Lạy Chúa, con nhận thức rằng khi luật lệ và các chính sách của con người trở nên quan trọng hơn Lời của Ngài thì Hội Thánh của Ngài bị chia rẽ, xin cứu Hội Thánh con ra khỏi tình trạng nguy hiểm này.
(c) 2024 svtk.net