Như anh chị em biết, dù bị đau khổ và sỉ nhục tại Phi-líp chúng tôi vẫn nhờ cậy Đức Chúa Trời chúng ta mạnh dạn truyền Phúc Âm của Đức Chúa Trời cho anh chị em giữa nhiều chống đối (câu 2).
Câu hỏi suy ngẫm: Trong vai trò lãnh đạo Hội Thánh, Phao-lô đã nêu lên một đức tính quan trọng nào? Làm thế nào để phát triển đức tính này? Sự can đảm của người lãnh đạo sẽõ ảnh hưởng thế nào trên tập thể hay Hội Thánh? Tại sao vai trò người lãnh đạo quan trọng trong một tập thể hay Hội Thánh?
Câu hỏi đặt ra là tại sao người lãnh đạo tốt cần phải là người can đảm?
Sứ mạng của một người lãnh đạo là đem một người từ điểm A đến điểm B, đem họ từ một tình trạng không tốt đến một tình trạng tốt hơn... Và bất cứ lúc nào quý vị làm điều đó thì cũng có sự chống đối.
Dẫn một đội banh xuống sân cỏ sẽ gặp đối thủ, lãnh đạo một công ty hay một gia đình sẽ gặp sự chống đối. Người lãnh đạo Hội Thánh Đức Chúa Trời chắc chắn sẽ đối diện với sự chống đối. Làm những gì bạn biết là đúng khi có sự đối kháng đòi hỏi bạn phải có can đảm. (Có bao giờ gặp sự chống đối khi bạn cố gắng làm một người lãnh đạo không? Bạn có can đảm không?)
Sứ đồ Phao-lô đương đầu với sự chống đối nào? Trong câu 2 ông nói, Chúng tôi mạnh dạn truyền Phúc Âm của Đức Chúa Trời cho anh chị em giữa nhiều chống đối. Trước khi Phao-lô đến thăm Tê-sa-lô-ni-ca, ông đã đến Phi-líp, và ông nói trong phần đầu câu 2 rằng ông đã bị khổ sở và sỉ nhục tại Phi-líp. Lúc ở thành Phi-líp, ông đã đuổi quỷ ra khỏi một cô gái nô lệ mà người chủ làm nghề thầy bói. Khi họ biết Phao-lô làm tiêu tan phương tiện làm tiền của mình thì họ lôi Phao-lô đến trước các quan chức thành phố để kiện cáo. Họ đã lột trần, đánh đập Phao-lô và Si-la ở quảng trường, cùm chân,ï nhốt họ trong ngục tối. Ít người lãnh đạo nào trong chúng ta chịu sự chống đối giống như vậy. Người lãnh đạo tốt sẽ giữ vững lập trường dù có sự chống đối mạnh mẽ, và người lãnh đạo tốt trong Hội Thánh sẽ nói lên sự thật dù gặp sự chống đối.
Sẽ luôn luôn có người chống lại sự thật. Chúa Giê-xu phán, Ánh sáng đã chiếu vào thế gian nhưng người đời yêu chuộng bóng tối hơn ánh sáng vì hành vi của họ là gian ác (Giăng 3:19). Không phải mọi người đều muốn nghe sự thật, tác giả thư Hê-bơ-rơ viết: vì đã nói sự thật mà những tiên tri thời Cựu Ước đã chịu đựng sỉ nhục, đòn vọt, xiềng xích, lao tù. Họ bị ném đá, cám dỗ, cưa làm đôi, chém chết bằng gươm, họ lưu lạc... chịu túng ngặt, bị bắt bớ và bạc đãi đủ điều (Hê-bơ-rơ 11:35-37).
Chúng ta có khuynh hướng bị chống đối thì chùn lại, không nói sự thật... Nhưng người lãnh đạo tốt sẽ nói sự thật dù bị chống đối... họ sẽ như Phao-lô khuyên Ti-mô-thê rằng, Hãy kiên trì rao giảng Lời Chúa, dù gặp thời hay không, (dù người ta có nghe hay chống đối) khi thì nài khuyên thuyết phục, khi thì khiển trách, khích lệ; hãy dạy dỗ với tất cả lòng nhịn nhục và quảng đại (II Ti-mô-thê 4:2).
Trước nhữõng khó khăn chống đối tôi có thái độ nào?
Xin Chúa giúp con can đảm đương đầu với mọi trở lực, mọi chống đối khi Ngài giao công tác lãnh đạo cho con.
(c) 2024 svtk.net