Hãy cung cấp sự cần dùng cho các thánh đồ; hãy ân cần tiếp khách (Rô-ma 12:13)
Câu hỏi suy ngẫm: Áp-ra-ham đã tiếp đãi các khách lạ như thế nào? Những khách lạ này là ai? Khách nói gì với ông? Vì sao Sa-ra cười? Có khi nào bạn cười thầm trong sự hoài nghi như Sa-ra không? Bạn thường tiếp đãi khách như thế nào?
Mọi dân tộc đều có cách tiếp đón khách lạ. Một số bộ tộc nghênh đón khách lạ bằng vũ lực để đánh đuổi hoặc giết hại khách, vì họ sợ khách lạ sẽ đem lại sự nguy hiểm hoặc rủi ro cho họ. Tuy nhiên ở Trung Đông, khách lạ được tiếp đón nồng hậu. Lý do chính là vì môi trường, khí hậu khắc nghiệt, khách lữ hành cần sự giúp đỡ của dân địa phương. Áp-ra-ham đã cung cấp cho ba vị khách lạ những nhu cầu cơ bản là nước và thức ăn. Chẳng những ông bày tỏ sự hiếu khách, mà ông còn tỏ lòng tôn trọng họ. Ông gọi những người này là chúa và tự xem mình là đầy tớ (câu 3). Thức ăn ông chuẩn bị cho họ là thức ăn truyền thống. Đó là thịt, sữa chua và cùng với bánh mì.
Vâng theo mạng lịnh của Chúa Giê-xu (Ma-thi-ơ 28:19), các nhà truyền giáo đã đi khắp mọi nơi trên thế giới để truyền bá Phúc Âm. Ngày nay, trong một ý nghĩa nào đó, cánh đồng truyền giáo đã mở rộng đến tận ngưỡng cửa của chúng ta. Với tư cách cá nhân hoặc gia đình hay Hội Thánh, chúng ta giang tay ra tiếp đón và giúp đỡ những sinh viên, học sinh, những người làm việc xa nhà, những người khách từ phương xa đến để chữa bịnh... Đây là cơ hội để chúng ta bày tỏ lòng hiếu khách không chỉ bằng lời nói nhưng bằng những việc làm có ý nghĩa.
Áp-ra-ham tiếp đãi vì lòng hiếu khách và ông không ngờ rằng những vị khách này lại ban tặng cho ông một món quà vuợt quá sự mong đợi của ông (câu 10,13). Món quà này là một sự sống mới sẽ ra đời một năm sau đó từ dạ của một người phụ nữ hiếm muộn, không còn khả năng sinh con. Tuy nhiên, Sa-ra cười thầm bởi vì đối với bà đây là chuyện không thể có được. Hơn nữa, những người khách có dáng vẻ bình thường, nếu không muốn nói là thấp hèn, làm gì có thể ban cho bà một món quà to lớn như thế. Nhưng nếu bà biết rằng đây là Đức Chúa Trời chắc bà không dám cười như thế.
Sự ra đời của Y-sác gây nên tiếng cười. Tên Y-sác có nghĩa là cười. Có lẽ, Áp-ra-ham đã cười vui suớng trong đức tin, khi ông nghe rằng Đức Chúa Trời sẽ ban cho ông một con trai (câu 17:15-17). Nhưng ở đây Sa-ra cười trong sự hoài nghi, vô tín. Tuy nhiên không vì thế mà Đức Chúa Trời trách phạt bà. Chúng ta không nên hoài nghi lời hứa của Đức Chúa Trời, bởi vì không có việc gì là khó quá cho Ngài.
Có dấu vết nào của sự hoài nghi hay vô tín trong lòng tôi không? Tôi sẽ bày tỏ lòng hiếu khách mà Kinh Thánh dạy như thế nào?
Lạy Chúa, nguyện nhà con sẽ là nơi của tình yêu thương và phước hạnh cho những người đến với con. Xin giúp con vừa bày tỏ tình yêu thương bằng lời nói vừa bằng việc làm như chính Ngài.
(c) 2024 svtk.net