Vì tôi đã dùng Tin Lành mà sinh anh em ra trong Đức Chúa Giê-xu Christ. Vậy, tôi lấy điều đó khuyên anh em: Hãy bắt chước tôi (câu 15, 16).
Câu hỏi suy ngẫm: Phao-lô viết phân đoạn này với mục đích gì? Ông khuyên các tín hữu Cô-rinh-tô bắt chước ai? Vì sao? Lên mình kiêu ngạo (câu 18) có nghĩa gì? Có khi nào bạn lên mình kiêu ngạo không? Tai hại của sự kiêu ngạo là gì?
Phao-lô tỏ ra cứng rắn khi viết phân đoạn này. Ông làm như thế không phải để cho các tín hữu Cô-rinh-tô phải hổ thẹn, nhưng ông muốn cảnh cáo về những việc làm sai lầm và sự kiêu ngạo của họ. Giờ đây họ có nhiều thầy giáo và quên đi những người cha tinh thần của họ. Phao-lô muốn phân biệt giữa ông và các thầy giáo.
Vào thời đế quốc La Mã cai trị, có những người nô lệ đưa đón trẻ con đến trường và chịu trách nhiệm phần nào về hạnh kiểm của chúng. Những người này có khi được gọi là thầy giáo. Cũng có thể là những người theo Phao-lô trong hành trình truyền giáo cũng được gọi là thầy giáo, nhưng Phao-lô hơn hẳn các thầy giáo. Ông là người đã đem Phúc Âm đến và bởi đó mà họ nhận biết Đấng Christ và thuộc về Ngài, vì thế ông là người cha thuộc linh mà các tín hữu Cô-rinh-tô nên bắt chước. Ông đã sai Ti-mô-thê đến với họ để giúp đỡ họ. Ti-mô-thê là người trung tín trong khi phục sự Đấng Christ và cũng là con yêu dấu của Phao-lô được sinh ra bởi Phúc Âm.
Mấy lần trong chương này Phao-lô dùng cụm từ lên mình kiêu ngạo (câu 18; 5:2) nói lên thái độ kiêu căng, tự cho mình là ưu việt hơn người khác. Đây là thái độ không thể có của những người đang theo chân Chúa Giê-xu, nhưng không ít người đã mắc phải. Điều gì đã khiến cho họ lên mình kiêu ngạo? Đó không phải là men của tội lỗi hay sao (câu 5:6)? Men là một sinh vật sống nhỏ li ti khi gặp môi trường thuận lợi sẽ sinh sôi nảy nở mau chóng. Cũng vậy một chút men của tội lỗi nếu không bị diệt trừ sẽ dễ dàng phát triển trong đời sống của một người kiêu ngạo, thổi phồng lên và làm cho người ấy thất bại về mặt thuộc linh. Sự kiêu ngạo đi trước, sự bại hoại theo sau. Và tính tự cao đi trước sự sa ngã (Châm Ngôn 16:18).
Chắc chắn sự kiêu căng của các tín hữu Cô-rinh-tô đã làm cho Phao-lô đau lòng vì thế ông đã viết cho họ với tư cách là một người cha thuộc linh để thức tỉnh họ. Ông muốn uốn nắn họ trong tình yêu của Đức Chúa Trời như một người cha uốn nắên đứa con hư hỏng. Đây không phải là một kinh nghiệm lý thú, nhưng là một kinh nghiệm cần phải có.
Có men độc dữ nào trong đời sống của tôi khiến cho tôi trở nên kiêu căng và xem thường người khác không? Tôi phải làm gì để trở nên một đầy tớ khiêm nhường của Đức Chúa Trời?
Lạy Chúa, sự kiêu ngạo và khoe khoang thật là tai hại. Xin giúp con tránh khỏi tội này và luôn sống khiêm nhường.
(c) 2024 svtk.net