Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 30

Không Thể Trốn

A-mốt 2:4-16

“Ta đã dấy mấy kẻ tiên tri lên trong vòng con trai các ngươi... nhưng các ngươi cấm các kẻ tiên tri rằng: Chớ nói tiên tri... Này, ta sẽ chận ép các ngươi trong nơi các ngươi cũng như cái xe đầy những lúa bó chận ép. Người lẹ làng không thể trốn được; người mạnh mẽ cũng không bổ sức cho mình nữa, và người bạo dạn sẽ chẳng cứu mạng sống mình” (câu 11, 13, 14).

Câu hỏi suy ngẫm: Giu-đa và Ít-ra-ên đã phạm tội gì? Bạn đã phạm những tội nào giống như họ không? Đức Chúa Trời đã trách phạt hai vương quốc này như thế nào? Việc trách phạt họ cho thấy Đức Chúa Trời hành động thế nào?

Có lẽ, người Ít-ra-ên tỏ ra hài lòng khi A-mốt luận tội các dân tộc ngoại bang và báo trước sự đoán phạt trên các dân tộc này, nhưng ông không dừng lại ở đây. Trong các câu 6-12, Tiên tri A-mốt đã kể ra các tội lỗi của họ: hối lộ, tham lam, tà dâm, ích kỷ, vô ơn, nghiện rượu và bác bỏ sự khải thị của Đức Chúa Trời. A-mốt đã than thở rằng ông bị ép bởi những gánh nặng của tội lỗi (tên A-mốt có nghĩa là “gánh nặng”).

Làm thế nào Đức Chúa Trời có thể tha thứ hay nương tay cho một dân tộc tội lỗi như thế? Trước khi chúng ta kết tội họ, chúng ta cần xem xét bản thân mình để xem chúng ta có phạm những tội giống như thế không. Ở đây, nhiều dân tộc đã lún sâu vào trong sự tối tăm mà không nhận biết điều gì đã xảy ra và tại sao lại xảy ra như thế. Có thể chúng ta cũng thế. Đôi khi mắc phải sai lầm mà cứng lòng không chịu nhận biết, vì thế chúng ta nên khôn ngoan cầu xin Đức Chúa Trời tha lỗi cho chúng ta như Đa-vít đã cầu nguyện với Đức Chúa Trời.

Nếu tìm hiểu thêm về lịch sử, chúng ta thấy rằng hậu quả của tội lỗi mà Giu-đa phạm đã dẫn đến sự sụp đổ của đất nước này. Vào năm 586 B.C, sau một thời gian dài vây thành Giê-ru-sa-lem, đạo quân của Nê-bu-cát-nết-xa đã chọc thủng thành này, giết hết những người trong hoàng tộc, đốt đền thờ, cung điện, hết thảy nhà cửa ở trong thành và đưa hầu hết cư dân trong thành đi lưu đày ở Ba-by-lôn. Kế đến A-mốt xoay qua các chi phái phía bắc của Ít-ra-ên. Sứ điệp của ông nói rằng Đức Chúa Trời sẽ đoán phạt họ vì họ đã vi phạm giao ước của Ngài, mặc dù Ngài đã hành động một cách nhân từ đối với họ. Vào năm 722 B.C, thành trì của vương quốc Ít-ra-ên bị quân ngoại xâm triệt hạ và cư dân bị lưu đày sang A-si-ri (II Các Vua 17:1-23). Điều này cho thấy rằng Đức Chúa Trời đang tể trị trên hoàn vũ và Ngài buộc mọi dân tộc trong đó có cả dân Ngài chọn lựa phải chịu trách nhiệm về sự phản loạn của họ đối với Ngài.

Tôi có nhận thức rằng tôi phải chịu trách nhiệm về những tội lỗi tôi đã phạm? Có sai lầm nào tôi cần xin Chúa tha thứ ngay chính giờ này không?

Lạy Chúa, xin tha thứ tội lỗi con, con rất muốn được thưa với Ngài rằng: “xin hãy tra xét con, và biết lòng con. Hãy thử thách con, và biết tư tưởng con. Xin xem thử con có lối ác nào chăng. Xin dắt con vào con đường đời đời” (Thi-thiên 139:24,25).

(c) 2024 svtk.net