Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 13

Bài Học từ Lịch Sử

I Cô-rinh-tô 10:1-13

"Song phần nhiều trong vòng họ không đẹp lòng Đức Chúa Trời, nên đã ngã chết nơi đồng vắng. Mọi điều đó đã xảy ra để làm gương cho chúng ta, hầu cho chúng ta chớ buông mình theo tình dục xấu, như chính tổ phụ chúng ta đã buông mình" (câu 5, 6).

Câu hỏi suy ngẫm: Phao-lô đưa ra những ví sánh nào trong phân đoạn này? Ông nhắc đến chuyện Ít-ra-ên vấp ngã để làm gì? Ông muốn nói gì trong câu 12? Làm thế nào để bạn tránh khỏi sự cám dỗ?

Phao-lô đã nói đến gương của Chúa Giê-xu trong chương 8 và giờ đây ông đề cập đến lịch sử của người Ít-ra-ên cùng với những lời ví sánh rất sinh động nhằm mục đích để giáo huấn các tín hữu Cô-rinh-tô.

Phao-lô so sánh việc đi qua biển và ở dưới đám mây với kinh nghiệm làm phép báp-tem của các tín hữu. Phép báp-tem Cơ Đốc liên kết tín hữu với Đấng Christ, "phép báp-tem" của người Ít-ra-ên gắn liền với chức vụ của Môi-se. Ít-ra-ên đã được giải cứu khỏi Ai Cập bởi huyết chiên con, Cơ Đốc nhân được giải cứu khỏi thế gian và tội lỗi bởi huyết của Chúa Giê-xu. Đức Chúa Trời đã rẽ Biển Đỏ để người Ít-ra-ên đi qua, tương tự, sự phục sinh của Chúa Giê-xu đã biệt riêng Cơ Đốc nhân khỏi thế gian và sự nô lệ của xác thịt. Người Giu-đa ăn ma-na, Cơ Đốc nhân nuôi mình bằng Bánh Sự Sống chính là Chúa Giê-xu khi tra xem Lời Ngài. Người Ít-ra-ên uống nước do Đức Chúa Trời cung cấp qua những phép lạ mà Ngài làm, Cơ Đốc nhân uống nước sống của sự cứu rỗi (Giăng 4:10-14). Dù vậy, theo Phao-lô nhiều người Ít-ra-ên đã chết trong hoang mạc vì đã bất trung với Đức Chúa Trời mà chạy theo các thần tượng hư không.

Bởi vì Cô-rinh-tô là nơi nổi tiếng với lối sống trác táng và thờ lạy hình tượng, nên Phao-lô muốn nhắc các tín hữu ở đây ghi nhớ những bài học lịch sử liên quan đến người Ít-ra-ên để họ giữ mình. Họ phải tránh đừng phạm tội thờ hình tượng, sống vô luân, chiều theo dục vọng và lằm bằm giống như ông cha của họ. Gương của những người đi trước là lời cảnh cáo đối với họ. Họ cần phải thay đổi lối sống bởi vì Chúa Giê-xu đã thay đổi cuộc đời của họ.

Qua phân đoạn này, Phao-lô muốn nói với chúng ta rằng chẳng những sự cám dỗ vẫn còn đó, mà ngày càng trở nên tinh vi và đa dạng hơn. Vì thế chúng ta phải cẩn thận. Đừng có ai khoe khoang rằng mình sẽ không bị tổn hại gì khi bị cám dỗ và tỏ ra xem thường sự cám dỗ. Chúng ta cũng cần nhận thức rằng sự hiện diện của Đức Chúa Trời sẽ làm mọi sự trở nên khác hẳn trong những giờ phút bị cám dỗ. Nếu chúng ta nắm lấy Ngài, chắc hẳn Ngài sẽ mở đường cho chúng ta thoát khỏi cám dỗ. Việc học tập từ quá khứ sẽ giúp nhiều cho hiện tại cũng như tương lai.

Tôi học được gì từ quá khứ? Tôi có tin cậy Đức Chúa Trời và nhờ sức toàn năng của Ngài để chiến thắng mọi cám dỗ không?

Lạy Chúa, con nhìn thấy cám dỗ đang vây quanh con. Xin mở đường cho con ra khỏi và xin sự hiện diện của Ngài luôn ở với con.

(c) 2024 svtk.net