Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 20

Ai Được Tha?

Lu-ca 23:13-25

"Phi-lát... bèn tha tên tù vì tội dấy loạn và giết người, là người chúng đã xin tha, rồi phó Đức Chúa Giê-xu mặc ý họ” (câu 24, 25).

Câu hỏi suy ngẫm: Phi-lát phán quyết như thế nào? Vì sao ông không thực hiện phán quyết của ông? Đám đông làm gì và muốn gì? Có khi nào bạn hành xử giống như Phi-lát hay đám đông kia không?

Phi-lát đã xem xét vụ án công khai không dấu diếm. Sau khi xem xét, ông thấy bị cáo vô tội và những lời cáo buộc của giới lãnh đạo tôn giáo và đám đông bị họ xúi giục là vô căn cứ. Vì thế theo luật, bị cáo chỉ bị đánh đòn rồi tha đi. Đây là lời phán quyết của quan tòa Phi-lát. Công việc của một quan toà La Mã là thực hiện sự công chính. Đã ba lần Phi-lát tuyên bố Chúa Giê-xu vô tội, tuy nhiên phần tiếp theo Lu-ca cho thấy Phi-lát đã không thực hiện được phán quyết của ông.

Lu-ca hướng sự chú ý của độc giả từ Phi-lát sang nguyên cáo là đám đông. Suốt Phúc Âm Lu-ca, tác giả cẩn thận phân biệt giữa đám đông và đoàn dân đông hay dân chúng. Đoàn dân đông xuất hiện trong câu 27. Họ là những người theo Chúa Giê-xu đến chỗ Ngài chịu đóng đinh. Trong câu 27 họ thấy Chúa Giê-xu chết và có người than khóc về Ngài. Rồi sau đó một lần nữa Lu-ca nói rằng họ là những người làm chứng về những công việc quyền năng của Chúa Giê-xu. Trong Công Vụ, Lu-ca nhắc đến dân chúng như Hội Thánh trẻ của Đức Chúa Trời tại Giê-ru-sa-lem (2:47). Đám đông là các thầy tế lễ, các thầy thông giáo và những người theo họ đang la hét. Quan tòa bị đám đông áp đảo nên phải nhượng bộ đám đông hung tợn này một cách vô trách nhiệm. Lu-ca tả rằng "tiếng kêu của họ được thắng” (câu 23). Vì thế Phi-lát đã tha một kẻ giết người và nổi loạn. Thật là mỉa mai, tiếng nói của công lý và của lương tâm bị tiếng kêu la của một đám đông làm cho im tiếng.

Thật đáng buồn vì một người vô tội bị kết án, trong khi một kẻ phạm trọng tội lại được tha. Kẻ phạm trọng tội là Ba-ra-ba giờ đây trở thành một người hùng vì giới lãnh đạo tôn giáo, tòa công luận và những người mù quáng đấu tranh cho quyền tự do của hắn. Hắn bước đi một cách tự do mà không ý thức được rằng thế lực đã hậu thuẫn hắn là sự kết hợp một cách mù lòa giữa thế lực tôn giáo và chính trị. Hắn cũng không hề biết rằng vào thời điểm lịch sử đó, chính Cứu Chúa đã chết thế cho hắn. Có thể chúng ta cũng thế.

Có khi nào tôi bị tiếng nói của số đông áp đảo để rồi hành xử một cách bất công hay vô lương tâm không?

Lạy Chúa Giê-xu, con không sao thấu rõ hết những đau đớn và sỉ nhục mà Ngài phải chịu trên thập tự giá, nhưng con hiểu rằng Ngài đã bị treo lên ở đó vì cớ con.

(c) 2024 svtk.net