1Ti-mô-thê 1:12-14
Ta cảm tạ Đấng ban thêm sức cho ta, là Đức Chúa Jêsus Christ, Chúa chúng ta, về sự Ngài đã xét ta là trung thành, lập ta làm kẻ giúp việc; ta ngày trước vốn là người phạm thượng, hay bắt bớ, hung bạo, nhưng ta đã đội ơn thương xót, vì ta đã làm những sự đó đương lúc ta ngu muội chưa tin. Aân điển của Chúa chúng ta đã dư dật trong ta, với đức tin cùng sự thương yêu trong Đức Chúa Jêsus Christ.
Đây là bài thứ ba trong loạt bài nghiên cứu về lá thư thứ nhất của Sứ đồ Phao-lô gửi cho nhà truyền đạo Ti-mô-thê.
Trước khi vào phần phân tích lời của nhân chứng Phao-lô, ta đọc lại câu 10 và 11 của khúc Kinh Thánh này vì bài học lần trước tôi chưa có dịp giải thích:
..và vì hết thảy sự trái nghịch với đạo lành. Aáy đó là điều đạo Tin Lành vinh hiển của Đức Chúa Trời hạnh phước dạy, mà sự truyền đạo đó đã giao phó cho ta.
Trong câu 10, phần sau cùng Phao-lô nói về đạo lành. Từ lành được dùng trong ý nghĩa: tốt lành, khỏe mạnh, có ảnh hưởng tốt.
Đạo lành là giáo lý chân thật mà các sứ đồ truyền rao theo mạng lệnh của Chúa Giê-xu. Đạo lành căn bản là tin Chúa Giê-xu để được cứu rỗi và sống đời thánh thiện, như được trình bày rõ ở lá thư Phao-lô gởi cho ông Tít. Ta cần theo đạo lành, vì có nhiều thứ đạo không lành trong đời, mặc dù họ cũng xưng là tôn thờ Chúa Giê-xu. Làm thế nào để phân biệt? Ta chỉ có thể căn cứ vào lời dạy của Chúa và sống trong suy nghĩ cẩn thận chứ không phải theo xúc cảm nhất thời.
Ta sang câu 11.
Trong câu này có hai cụm từ cần được giải thích. Thứ nhất là đạo Tin Lành vinh hiển và thứ hai là Đức Chúa Trời hạnh phước.
Trước tiên đạo Tin Lành trong câu này không có nghĩa là tôn giáo Tin Lành, không nên viết hoa, vì chỉ là tin mừng hay phúc âm mà thôi.
Tin mừng vinh hiển là tin mừng về Thượng-đế vinh quang mà con người không thể nào biết được, nếu không nhờ Ngài tự mạc khải. Tin mừng này có liên quan trực tiếp đến số phận của mỗi người, đó là giải quyết tình trạng tội phạm đối với Thượng-đế và được tha thứ tội.
Ý nghĩa của tin mừng vinh hiển đưa ta đến cụm từ tiếp theo, đó là Đức Chúa Trời hạnh phước. Đây không những mang ý nghĩa là Đức Chúa Trời là nguồn hạnh phúc, nhưng chính Ngài hạnh phúc hoàn toàn. Từ hạnh phúc còn mang tính chất suy tôn chúc tụng, vì vậy Đức Chúa Trời hạnh phúc còn có nghĩa là Ngài là Đấng đáng tôn thờ nữa.
Qua hai cụm từ này ta cần hiểu là người tin Chúa không phải là vào một tôn giáo, nhưng nhận một tin mừng cho riêng mình và hân hoan tôn thờ Chúa, vì chỉ một mình Ngài ban hạnh phúc tha thứ, tái tạo và đáng cho nhân loại tôn thờ mà thôi.
Tới đây chúng ta sang phần nghiên cứu chính về lời chứng của Phao-lô. Đây là một lời chứng quan trọng không những để ta biết về Phao-lô trước khi tin nhận Chúa, nhưng còn để rút ra các bài học về việc tin nhận Chúa và nếp sống mới trong Ngài.
Trước tiên, xin đọc phần Kinh Thánh này và mời quý thính giả theo dõi:
12 Ta cảm tạ Đấng ban thêm sức cho ta, là Đức Chúa Jêsus Christ, Chúa chúng ta, về sự Ngài đã xét ta là trung thành, lập ta làm kẻ giúp việc; 13 ta ngày trước vốn là người phạm thượng, hay bắt bớ, hung bạo, nhưng ta đã đội ơn thương xót, vì ta đã làm những sự đó đương lúc ta ngu muội chưa tin. 14 Aân điển của Chúa chúng ta đã dư dật trong ta, với đức tin cùng sự thương yêu trong Đức Chúa Jêsus Christ.
Hôm nay chúng ta chỉ nghiên cứu bốn câu này, bài sau sẽ tiếp tục cho đến câu 17.
Thông thường, trong các lá thư, Phao-lô hay viết lời cảm tạ Chúa ngay sau các lời chào thăm người nhận thư.
Thêm sức hay tăng cường năng lực là cụm từ Phao-lô thường dùng trong các thư của ông. Thêm sức nói lên tính chất thường xuyên hỗ trợ và ban quyền năng của Chúa cho người phục vụ Ngài. Người nào phục vụ Chúa, dù trong lĩnh vực nào, cũng đều nhận thấy rằng nếu không có sức mạnh và năng quyền của Chúa, không thể làm gì được. Chúa Cứu Thế Giê-xu là Đấng ban năng lực cho người phục vụ Ngài. Mặt khác, khi nào ta nhận thấy mình có thể làm việc gì tự sức, ta nên ngưng lại để suy nghĩ, và không tự phụ tự mãn. Ta cần đến sức của Chúa luôn luôn và khi nương nhờ sức Chúa thì không thể thất bại.
Chúa thêm sức hay ban năng lực khi ta thành công cũng như khi ta thất bại. Nếu ta hết lòng tin như thế, ta sẽ luôn luôn làm chủ tình thế.
Phao-lô được trở thành kẻ giúp việc cho Chúa. Cụm từ giúp việc là gốc của từ chấp sự bây giờ. Phao-lô là một sứ đồ của Chúa Giê-xu, nhưng ông chỉ khiêm tốn tự nhận mình là kẻ giúp việc, tức là tôi tớ trong nhà Chúa. Phao-lô nêu lên một điều kiện cho người giúp việc trong nhà Chúa, đó là trung thành. Ông bảo, Chúa đã xét thấy ông là người trung thành nên cho giúp việc Ngài. Trung thành là đáng tin cậy và làm theo đúng ý định của người sử dụng mình.
Ngày nay trong Hội Thánh có danh hiệu tôi tớ Chúa, cũng là do từ cách xưng hô của Phao-lô ngày xưa. Tuy nhiên nhiều khi danh hiệu này đã được dùng như một tước vị trong Hội Thánh và như thế cũng là sai lầm.
Ta trung thành trong những gì Chúa giao cho đảm nhiệm, thì đến một lúc Chúa sẽ tin cậy giao cho việc lớn hơn. Phước hạnh thay những người được chính Chúa khen là trung thành.
Một điểm khác cần nói trong câu 12 là chính Chúa đã lập Phao-lô làm kẻ giúp việc của Ngài. Đây là lý do mà không ai nên vận động cho được bầu chọn vào ban chấp hành của Hội Thánh, vì nếu Chúa không lập, hay không chọn thì dù ta có muốn cũng không được. Trong trường hợp Phao-lô thì ông bị Chúa bắt buộc phải làm, nhưng ông đã trung thành từ ban đầu nên Chúa tiếp tục sử dụng.
Câu 13 Phao-lô bắt đầu nói đến quá khứ của mình, ông bảo:
Ta ngày trước vốn là người phạm thượng, hay bắt bớ, hung bạo, nhưng ta đã đội ơn thương xót, vì ta đã làm những sự đó đương lúc ta ngu muội chưa tin.
Phao-lô cho biết con người của ông trước khi tin Chúa có ba đặc điểm:
1. Phạm thượng. Phạm thượng đây là cách nói năng xúc phạm đến Chúa Giê-xu mà lúc ấy ông tưởng chỉ là một người như mọi người và được người ta thánh hóa lên. Ngày nay cũng có nhiều người thường xúc phạm đến Chúa Giê-xu như thế vì chưa biết rõ Chúa là ai cả. Con cái Chúa nhiều khi nghe người đời xúc phạm đến Chúa, rất là khó chịu, nhưng nên nhớ rằng những người ấy chưa biết Chúa là Chân Thần nên mới có thái độ như thế.
2. Hay bắt bớ. Đây là hành động sốt sắng bảo vệ tôn giáo Do-thái chống lại Cơ-đốc-giáo trong lúc ban sơ đi đến chỗ tổ chức bách hại, bắt bớ giam cầm. Đây là chủ trương trừ diệt đạo Chúa. Ngày nay số người bách hại Hội Thánh cũng vẫn có mặt và lúc nào họ cũng mang chủ trương tiêu diệt người tin Chúa bằng bất cứ giá nào và nêu lên đủ lý do để có thể đưa ra pháp luật những người chỉ tin Chúa nhiệt tâm và không làm điều gì hại dân hại nước.
3. Hung bạo. Phao-lô được mô tả là nhỏ người và có nhiều tật bệnh, nhưng khi còn trẻ tuổi, ông rất hung bạo. Đây không phải là một người chỉ mang âm mưu tiêu diệt đạo Chúa, nhưng tự tay bắt bớ, đánh đập và trói những người tin Chúa Giê-xu để đưa vào các nơi giam giữ. Công Vụ Các Sứ Đồ 8:3 là điển hình.
Nhưng Phao-lô giải thích cho thái độ của ông trong lúc đó là: Ta đã làm những sự đó đương lúc ta ngu muội chưa tin. Phao-lô là một triết gia lỗi lạc của nhân loại nhưng tự nhận là ngu muội. Đây không phải là vô ý thức hay thiếu học vấn, nhưng là chưa được biết, bị mù lòa vì thành kiến và tự ái kiêu căng. Ngu muội đây cũng là do ma quỷ là chúa đời này làm cho tâm hồn mù lòa, như ông đã nói về sau. Nhiều người tin Chúa nhìn lại cuộc đời của mình cũng có thể đồng thanh với Phao-lô trong xác nhận này.
Câu 14 nói lên phép lạ Chúa đã làm để thay đổi con người phạm thượng, hay bắt bớ và hung bạo này, Phao-lô nói: Aân điển của Chúa chúng ta đã dư dật trong ta, với đức tin cùng sự thương yêu trong Đức Chúa Jêsus Christ. Ân điển của Chúa là một điều đã thay đổi con người Phao-lô. Mặc dù ông là người xấu xa, chống nghịch Chúa và muốn tiêu diệt Hội Thánh của Ngài, nhưng Chúa đã thương ông, đụng đến con người của ông, cứu ông ra khỏi tội, cho ông trở thành người của Ngài. Đó là ân điển. Nhờ ân diển đó mà Phao-lô mới tin Chúa và mang lấy tình thương trong Chúa Giê-xu. Con người phạm thượng, hay bắt bớ, hung bạo nay tràn đầy đức tin và thương yêu mọi người. Đây là khúc ngoặt vô cùng quan trọng trong cuộc đời một người.
Bài học cho chúng ta hôm nay là:
1. Nếu bạn chưa tin nhận Chúa, hãy nhìn vào gương của Sứ Đồ Phao-lô mà bằng lòng tin nhận Ngài, vì khi ta chưa biết Chúa, ta ngu muội và phạm những tội ác ghê gớm. Nhưng khi bằng lòng nghe lời Chúa và tin nhận Ngài thì có lòng tin và tình thương để sống tôn thờ Chúa và yêu thương mọi người.
2. Nếu bạn là người đã tin Chúa, nên nhận rằng, chỉ nhờ ân điển của Chúa mà bạn được cứu, vì thế nên hết lòng tôn thờ và phục vụ Chúa theo như nhiệm vụ mà Chúa ủy nhiệm cho mình. Chung quanh ta còn rất nhiều người như Phao-lô hay như chính chúng ta khi chưa tin Chúa mà chúng ta phải đưa về với Chúa.