"Đoạn, Giô-sép dẫn Gia-cốp, cha mình, đến yết kiến Pha-ra-ôn. Gia-cốp chúc phước cho Pha-ra-ôn (câu 7).
Câu hỏi suy ngẫm: Gia-cốp cùng đi đến Ai Cập với bao nhiêu người? Vì sao lại đến Ai Cập là nơi mà Áp-ra-ham và Y-sác đã thất bại? Cuộc hội ngộ giữa cha con Gia-cốp và Giô-sép có phải là ngẫu nhiên không? Vì sao? Theo bạn vì sao Gia-cốp chúc phước cho Pha-ra-ôn? Khi đáp lời Pha-ra-ôn, Gia-cốp muốn nhấn mạnh điều gì? Bạn nghĩ gì về hành trình của bạn là một người tạm cư trên cõi thế này?
Bởi đức tin Gia-cốp cùng sáu mươi sáu người trong gia đình (nếu kể luôn Gia-cốp, Giô-sép và hai con trai của Giô-sép là bảy mươi người) rời Hếp-rôn đến Ai Cập. Thay vì là một nơi thất bại, Ai Cập trở thành nơi phước hạnh - một chiếc nôi để nuôi dưỡng một dân tộc mới khai sinh và ngày càng trở nên hùng mạnh mặc cho mọi thế lực thù nghịch đe dọa, mặc cho sự đau khổ mà dân tộc này phải trải qua.
Khi gặp lại cha, Giô-sép đã khóc một hồi lâu. Đây vừa là những giọt nước mắt đổ ra vì những năm sầu khổ trong quá khứ, vừa là những giọt nước mắt của sự vui mừng khi một đứa con lạc loài gặp lại cha. Cuộc gặp gỡ đầy cảm động này là sự sắp đặt của Đức Chúa Trời tưởng thưởng cho những người đã từng phải chịu nhiều mất mát và đau khổ như Gia-cốp và Giô-sép, nhưng cứ vững tin ở nơi Ngài.
Ngoài cuộc gặp gỡ giữa cá nhân với cá nhân, câu chuyện cũng nói lên cuộc gặp gỡ giữa một dân tộc với một dân tộc: Ai Cập và Ít-ra-ên. Dù là người cầm quyền ở Ai Cập, nhưng Giô-sép vẫn nghĩ đây là đất nước thứ hai, nơi đã chấp nhận, tôn vinh ông và cũng tiếp nhận đại gia đình của ông. Vì thế ông không khinh xuất mà bỏ qua những điều cần phải làm trong sự giao tiếp. Ông đã đưa các anh rồi sau đó là cha ông đến yết kiến Pha-ra-ôn. Một điều vô cùng ý nghĩa ở đây là sau khi được giới thiệu, Gia-cốp đã chúc phước cho Pha-ra-ôn (câu 47:7, 10). Chúng ta cần nhận thức quyền năng và sự tuyệt đối của những lời chúc phước (câu 47:7, 27). Đây là điều huyền nhiệm bởi vì quyền năng của Đức Chúa Trời đã phó thác cho gia đình được chọn này. Khi đáp lời Pha-ra-ôn, Gia-cốp đã làm chứng về các phước lành của Đứùc Chúa Trời và nhấn mạnh trong đức tin rằng ông không thuộc về Ai Cập, nhưng chỉ là một người tạm cư nơi Ai Cập. Có phần khác với Gia-cốp, Giô-sép sống giữa cái chung của hai dân tộc để gìn giữ sự hòa bình giữa hai dân tộc. Hơn thế nữa, ông là một nhân vật lịch sử có một không hai mà Đức Chúa Trời dùng để bảo vệ Ít-ra-ên, để rồi dân tộc này đem lại phước hạnh cho toàn thế giới.
Tôi có thể nào sống trong thế gian mà không thuộc về thế gian không? Rô-ma 12:2 chép rằng "Đừng làm theo đời này, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào. Chúa Giê-xu dạy "các ngươi là sự sáng của thế gian (Ma-thi-ơ 5:14). Cuộc đời tôi có phân rẽ khỏi thế gian và chiếu sáng cho Chúa Giê-xu giữa thế gian này không?
Lạy Chúa, xin giúp con yêu thương thế gian như chính Ngài đã yêu, và giúp con không thỏa hiệp với thế gian, cứ chiếu sáng vì Ngài luôn.
(c) 2024 svtk.net