"Hãy mạnh mẽ trong Chúa và trong sức mạnh quyền năng của Ngài" (câu10).
Câu hỏi suy ngẫm: Ma quỷ có thật không? Qua phần Kinh Thánh hôm nay bạn nhận diện ma quỷ ra sao? Mục đích của ma quỷ là gì? Bạn biết gì về kẻ thù hiểm độc này?
Sa-tan hiện hữu. Tình trạng thế giới, tình hình xã hội và đạo đức con người chứng minh sự thực hữu của ma quỷ. Mục đích của ma quỷ là làm cho con người không tin Đức Chúa Trời để sống trong tội lỗi dưới sự cầm quyền của nó. Kinh Thánh cảnh cáo người làm ngơ về sự hiện diện của ma quỷ là miếng mồi ngon của Sa-tan (I Phi-e-rơ 5:8).
Người tin Chúa phải biết mình đang lâm chiến. Cuộc chiến thuộc linh là cuộc chiến cá nhân. Sa-tan có nhiều cách tấn công con người. Dù nó không thể cướp được linh hồn của người tin Chúa khỏi tay Đức Chúa Trời, nhưng có thể quấy nhiễu chúng ta về mặt thể chất, tinh thần, tình cảm và thuộc linh. Nó cố ngăn cản sự làm chứng của chúng ta để chúng ta không thể sống một đời sống đắc thắng.
Dù Sa-tan không toàn năng, nhưng có nhiều mưu kế. Nó để ý những điểm mạnh và điểm yếu của chúng ta và tấn công vào những lãnh vực nào nó có thể thắng. Sa-tan sẽ gài bẫy khi con mồi mất cảnh giác. Một trong những chiến thuật lừa dối quen thuộc của nó là ngụy trang phía sau những con người có liên hệ gần gũi với chúng ta, ví dụ, ma quỷ có thể cám dỗ người chồng sa ngã, khiến người vợ tức giận, đau khổ, bất an. Nhưng người chồng không phải là kẻ thù của vợ. Anh cần chị yêu thương và tha thứ. Kẻ thù luôn là Sa-tan và ma quỷ. Để có thể chống trả ma quỷ chúng ta phải nhận biết kẻ thù của mình, và nhờ Kinh Thánh, chúng ta có thể biết được kẻ thù của chúng ta. Kinh Thánh cũng cho chúng ta một lẽ thật trong trận chiến vô hình này để chúng ta an tâm chiến đấu là: "Đấng ở trong các con lớn hơn kẻ ở trong thế gian (ma quỷ) (I Giăng 4:4).
Phân đoạn Kinh Thánh hôm nay là lời của Sứ đồ Phao-lô, một chiến sĩ, đã chiến đấu anh dũng trong trận chiến chống lại những kẻ thù vô hình, một người đã hiến dâng đời sống của mình để công bố sự đắc thắng của người thuộc về Chúa trong trận chiến sinh tử này. Phao-lô đã nhìn thấy nhiều lính La Mã trong đời sống của ông. Ông sống trong một nước nằm dưới sự cai trị và chiếm đóng của quân La Mã. Ông từng bị họ canh gác và dẫn độ về thành Sê-sa-rê để xét xử. Khi bị đưa về Rô-ma để ứng hầu trước Sê-sa, một lần nữa ông lại bị dẫn độ bởi một đội lính La Mã. Và ông viết thư này cho Hội Thánh Ê-phê-sô khi đang bị giam trong một nhà tù La Mã và bị xiềng với một lính La Mã.
Là người quen thuộc với các sinh hoạt của người lính La Mã, Phao-lô dùng hình ảnh người lính trần gian để minh họa cho đời sống người tin theo Chúa mà ông ví sánh như một người lính của Chúa được trang bị đầy đủ để chiến đấu trong trận chiến chống lại Sa-tan.
Kết luận bức thư, Phao-lô nhấn mạnh bí quyết để người tin Chúa bước đi trong chiến thắng. Ông nói: "Sau hết, anh chị em hãy mạnh mẽ trong Chúa và trong sức mạnh quyền năng của Ngài" (6:10). Mấy chữ "Sau hết" không phải báo trước phần kết bức thư. Một bản Kinh Thánh dịch là "trong thời gian còn lại" hay trong khi chúng ta sống chờ đợi ngày Chúa trở lại, chúng ta hãy mạnh mẽ trong Chúa để chiến đấu bằng sức mạnh quyền năng của Ngài.
Cụm từ "hãy mạnh mẽ trong Chúa" được viết trong nguyên ngữ ở dạng thụ động: "được Chúa làm cho mạnh mẽ." Hàm ý Chúa là sức mạnh cuœa chúng ta, chúng ta phải nhờ Ngài để được mạnh mẽ. Cụm từ "nhờ sức toàn năng của Ngài" ở dạng hoạt động. Phao-lô dùng cả dạng thụ động và hoạt động để chỉ sự cộng tác của chúng ta với Chúa, những gì chúng ta làm và những gì Chúa làm qua chúng ta. Chúng ta phải chiến đấu, nhưng chiến đấu bằng sức mạnh của Chúa. Chúng ta có Chúa sống trong chúng ta, Ngài là Đấng đã thắng sự chết và ma quỷ. Qua Ngài chúng ta có thể thắng Sa-tan và những trận chiến vô hình trong cuộc đời.
Tôi biết gì về Sa-tan? Sự hiểu biết đó giúp tôi có thái độ nào trong trận chiến tâm linh?
Lạy Chúa, khi thức dậy sáng nay, con biết con đang bước vào một trận chiến vô hình. Con cũng biết con đã có những trang bị cần thiết để đứng vững để chiến đấu và chiến thắng trong ngày hôm nay.
(c) 2024 svtk.net