I Ti-mô-thê 3:1-7
1 Ví như có ai mong được làm giám mục, ấy là ưa muốn một việc tốt lành; lời đó là phải lắm.
2 Vậy, người giám mục cần phải không chỗ trách được, là chồng chỉ một vợ mà thôi, có tiết độ, có tài trí, xứng đáng, hay tiếp khách và khéo dạy dỗ.
3 Đừng mê rượu, cũng đừng hung bạo, nhưng phải mềm mại hòa nhã; lại đừng ham tiền bạc;
4 phải khéo cai trị nhà riêng mình, giữ con cái mình cho vâng phục và ngay thật trọn vẹn;
5 vì nếu có ai không biết cai trị nhà riêng mình, thì làm sao cai trị được Hội thánh của Đức Chúa Trời?
6 Người mới tin đạo không được làm giám mục, e người tự kiêu mà sa vào án phạt của ma quỉ chăng.
7 Người giám mục lại phải được người ngoại làm chứng tốt cho, kẻo bị sỉ nhục và mắc bẫy ma quỉ.
Từ Giám Mục ngày nay hoàn toàn khác với cách dùng của thời Kinh Thánh. Ngày nay là chức vụ của ông Cha trong giáo hội Công-giáo, hay trong vài giáo phái Tin Lành như Giám Lý, Trưởng Lão, Giám Nhiệm v.v. Trong nguyên văn episkopos, ngày xưa chỉ có nghĩa là người giám thị hay giám sát. Cách dùng từ này được duy trì ít nhất là cũng đến thời giáo phụ Ignatius, và để chỉ về chức vụ coi sóc một nhà thờ địa phương. Theo mạch văn thì đây là chỉ về nhiều chức vụ phục vụ Chúa trong nhà thờ chứ không nhất thiết phải là vị chủ tọa hay mục sư mà thôi. Trong các bản dịch khác, câu đầu tiên của chương ba bắt đầu với những chữ này: Đây là lời đáng tin cậy: Sau đó mới đến câu: Ví như có ai mong được làm giám mục, ấy là ưa muốn một việc tốt lành. Giám mục đây như thế là chức vụ đứng đầu trong một nhóm tín hữu.
Coi sóc quản trị nhà Chúa tức là phục vụ Chúa và anh em chị em. Không phải là một chỗ đứng trong xã hội.
Người phục vụ Chúa cần có phẩm cách ra sao?
Trước tiên, nhiều người nghĩ rằng đã là người phục vụ Chúa mà sao lại còn phải căn dặn những điều quá sơ đẳng trong nếp sống tin kính? Thật ra trong Hội Thánh đầu tiên, những người mới tin Chúacó lẽ phần lớn thuộc các thành phần luân lý đạo đức kém và rất thấp trong xã hội.
Điều đầu tiên là: Không chỗ trách được, hay là không có gì đáng trách, không ai chê trách được điều gì cả.
Điểm thứ hai, là chồng chỉ một vợ mà thôi. Trong các thế kỷ xưa, chế độ đa thê dường như rất phổ thông, vì vậy nếu người nào tin Chúa mà trước kia đa thê, cũng không xứng hợp làm người phục vụ Chúa.
Năm đức tính sau đây có thể dịch lại cho rõ nghĩa là: tiết độ, chừng mực, nhã nhặn, hiếu khách và có khả năng giảng dạy. Ba đức tính đầu tiên là cho đời sống bản thân. Người lãnh đạo phải sống kỉ luật, không thái quá hay bất cập, thái độ hòa nhã dễ mến. Đức tính thứ tư, hiếu khách, rất cần cho những thế kỷ đầu tiên là khi người truyền giáo hay khách thường xin tá túc để tiếp tục hành trình nào đó. Cuối cùng là khả năng giảng dạy, nghĩa là phải có đủ tri thức để làm một thầy giáo, vì vai trò lãnh đạo không phải chỉ toàn về tổ chức và hành chánh, nhưng là đưa dẫn người khác đến chỗ biết Chúa và biết lời Kinh Thánh. Không có khả năng giảng dạy, không thể lãnh đạo trong Hội Thánh được.
Câu 3 là một lời căn dặn không những cho người lãnh đạo, nhưng cho mọi người nam tín đồ trong Hội Thánh: Đừng mê rượu, hay là nghiện rượu. Khi nghiền rượu con người dễ sinh ra hung bạo và gây gỗ. Người tin Chúa thực ra nên tuyệt đối tránh xa rượu, vì có hại cho cả thế chất lẫn tâm hồn. Một người ham uống rượu không thể nào phục vụ Chúa được. Lời khuyên đừng tham tiền bạc cũng rất thực tế. Tiền bạc cần cho đời sống, nhưng tham tiền bạc sẽ rơi vào những cạm bẫy của ma quỷ và không thể tiếp tục phục vụ Chúa được. Người nghiền rượu cũng như tham tiền sẽ mất danh dự và động cơ tốt để phục vụ Chúa.
Hai câu 4 và 5 nói về gia đình của người lãnh đạo.
4. phải khéo cai trị nhà riêng mình, giữ con cái mình cho vâng phục và ngay thật trọn vẹn;
5. vì nếu có ai không biết cai trị nhà riêng mình, thì làm sao cai trị được Hội thánh của Đức Chúa Trời?
Theo Bản dịch mới, thì: khéo quản trị gia đình mình, dạy dỗ con cái biết vâng phục với tất cả lòng tôn kính. Vì thế, người nào không biết quản trị nhà riêng mình, làm sao chăm sóc Hội Thánh của Đức Chúa Trời?
Đây là nguyên tắc căn bản của người lãnh đạo, tề gia bao giờ cũng phải ưu tiên, sau đó mới vào xã hội mà quản trị được. Mặt khác, khi gia đình lộn xộn, ảnh hưởng đến chức vụ và việc phụng vụ cũng rất lớn. Đây cũng là bằng chứng về tài dạy dỗ của người lãnh đạo.
Nhiều người mới tin Chúa, rất hăng hái nói về Chúa và muốn phục vụ Chúa trong chức lãnh đạo. Lời khuyên ở đây là, câu 6: Người mới tin đạo không được làm giám mục, e người tự kiêu mà sa vào án phạt của ma quỉ chăng.
Đọc câu này ai cũng hiểu ngay. Tuy nhiên ta cần lưu ý đến hai điều, thứ nhất là tự kiêu và thứ hai là án phạt của ma quỷ. Thật ra nên dịch là án phạt dành cho ma quỷ. Tại sao có ma quỷ? Ma quỷ là thiên sứ kiêu căng, muốn đoạt quyền của Chúa, nên bị loại bỏ và sẽ bị trừng phạt đời đời nơi hỏa ngục. Người mới tin Chúa có thể thấy việc lãnh đạo không khó khăn gì vì mình có tri thức, có tài ăn nói, có thể làm mọi việc dễ dàng và tốt đẹp. Nhưng kiêu căng sẽ làm cho người ấy phạm tội và sa ngã nhanh chóng.
Câu 7 là một lời khuyên rất lạ. Người lãnh đạo không những phải đủ tư cách đối với bên trong giáo hội mà còn phải có uy tín bên ngoài xã hội nữa. Mọi người phải thấy người lãnh đạo trong Hội Thánh là gương mẫu trong chính trị và xã hội. Nghĩa là yêu nước và thương đồng bào đồng loại. Nhưng tại sao còn có sỉ nhục và cạm bẩy của maquỷ ở đây? Người tin Chúa sống ngoài xã hội nếu không thận trọng trong lời nói và hành động, có thể bị người đời lên án và xuyên tạc, làm hại cho danh Chúa. Mặt khác, nếu dùng địa vị trong giáo hội để tạo thế lực ngoài đời, thì sa vào cái bẫy ham danh vọng của quỷ Sa-tan và cũng sẽ bị làm nhục. Ta nên nhớ, người phục vụ Chúa không thể ham danh vọng, nhất là danh vọng giả dối trong đời này.
Mặc dù đây là lời khuyên cho người lãnh đạo trong Hội Thánh, nhưng thiết nghĩ, mỗi người đàn ông tin Chúa là một người lãnh đạo. Lãnh đạo gia đình mình và lãnh đạo quần chúng. Nếu không có những đức tính nêu trong các câu này, không người nào xứng đáng là tín đồ của Chúa.
Ta nên đọc lại những lời dạy và làm theo để việc phụng vụ Chúa của mỗi người được thành công.