1Ti-mô-thê 3:8-12
8 Các chấp sự cũng phải cho nghiêm trọng, không được nói hai lời, không được ghiền rượu, không được tham lợi phi nghĩa,
9 nhưng phải lấy lương tâm thanh sạch giữ lẽ mầu nhiệm của đức tin.
10 Những người đó cũng phải chịu thử thách trước đã, nếu không chỗ trách được thì mới được làm chức chấp sự.
11 Vợ các chấp sự cũng phải nghiêm trọng, chớ nói xấu, phải có tiết độ và trung tín trong mọi việc.
12 Các chấp sự chỉ nên làm chồng của một vợ mà thôi, phải khéo cai trị con cái và nhà riêng mình.
13 Vì ai khéo làm chức vụ mình thì được bực cao trọng và lòng rất dạn dĩ trong đức tin đến Đức Chúa Jêsus Christ.
Chấp sự là một chức vụ được nói đến lần đầu tiên trong Công Vụ Các Sứ Đồ chương 6. Nhiệm vụ chính của họ trong Hội Thánh đầu tiên là phân chia vật dụng và lương thực cứu tế cho người nghèo. Hội Thánh lúc đó cử ra bẩy chấp sự, với các phẩm cách như sau: 3 Vậy, anh em hãy chọn trong bọn mình bảy người có danh tốt, đầy dẫy Đức Thánh Linh và trí khôn, rồi chúng ta sẽ giao việc nầy cho. Bản Các Giờ Kinh Phụng Vụ dịch là trợ tá, trong khi đó trong Hội Thánh Tin Lành vẫn còn dùng từ Chấp Sự Nguyên văn là diakonos, nghĩa là đầy tớ.
Trong thư Phao-lô gửi cho Hội Thánh Phi-líp, lời chào thăm có nhắc tới các giám mục và các chấp sự. Như thế là việc cử các chấp sự cũng đã được tiếp tục thực hiện trong các Hội Thánh trong vùng trung đông.
Trong phần Kinh Thánh chúng ta nghiên cứu có liệt kê ra một số điều kiện cho các chấp sự, khá thực tế và chi tiết. Nổi bật hơn cả là tính cách nghiêm trang, đứng đắn, nhất là về lời nói. Câu: không được nói hai lời bản Các Giờ Kinh Phụng Vụ dịch là: biết giữ lời hứa. Cũng có thể giải thích là nói không đúng sự thật, hoặc là trước sau không thống nhất. Lời nói rất quan trọng. Không những ta phải lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau, nhưng phải chân thật và có ân hậu, nghĩa là hữu ích cho người nghe. Thường người phục vụ Chúa vẫn hay quên là mình cũng phục vụ anh em chị em nữa. Nghĩa là không phải vì danh nghĩa phục vụ Chúa mà bỏ qua tất cả những cách thức nói năng và đối xử tốt lành với người khác. Người phục vụ Chúa, nhiều khi chủ quan đến độ cũng muốn ép buộc người khác phải sốt sắng hay hăng say như mình. Những lời nói trong các lúc như thế có thể làm cho người khác tổn thương mà không hay.
Hai điều cấm kỵ tiếp theo là nghiền rượu say sưa và tham lợi phi nghĩa. Đây là những thói xấu mà người nào cũng phải tránh chứ không phải riêng cho chấp sự. Tốt nhất là người tin Chúa không bao giờ uống rượu. Chén rượu thường lôi kéo vào những câu chuyện mà ta không tự chế được và rất dễ gây xúc phạm. Làm sao một người có thể phục vụ Chúa và anh em chị em, nếu người ấy ham mê ăn uống và rựơu chè luôn luôn.
Tham lợi phi nghĩa trong câu này có nghĩa là thèm khát những vật chất mà mình không thể có được và đòi hỏi người khác cung cấp cho mình. Có thể nói là những dục vọng thấp hèn.
Lời dạy kế tiếp hơi khó hiểu: nhưng phải lấy lương tâm thanh sạch giữ lẽ mầu nhiệm của đức tin.
Lẽ mầu nhiệm của đức tin là điều huyền nhiệm về Chúa mà ta được mạc khải, dù rằng ta không hiểu, nhưng vẫn tin. Đây là khởi điểm của việc tin Chúa. Ta cần tin rồi sẽ biết. Đây không phải là mê tín hay mù quáng, nhưng theo lời dạy của Chúa và kính thờ Chúa. Làm sao trí óc con người nhỏ bé có thể hiểu được Chúa quá vĩ đại, nếu ta không bắt đầu bằng lòng tin, để rồi hiểu Chúa qua trực giác? Lời khuyên ở đây là phải giữ mầu nhiệm đó bằng lương tâm thanh sạch, nghĩa là lương tâm đã được thanh tẩy bằng máu hi sinh của Chúa Giê-xu.
Trên thực tế, mỗi người đã tin Chúa, cần giữ vững lòng tin, không nghi ngờ cũng như không dao động về những gì mình không hiểu, nhưng cứ tiếp tục tin và nhờ Thánh Linh soi dẫn cho hiểu biết của mình về Chúa.
Khi một người xin vào một cơ xưởng để làm việc, dù người ấy có khả năng nào, vẫn phải qua một thời gian thử việc xem có thích hợp không, sau đó mới được giao nhiệm vụ. Chấp sự cũng vậy, câu Kinh Thánh tiếp theo dạy: Những người đó cũng phải chịu thử thách trước đã, nếu không chỗ trách được thì mới được làm chức chấp sự. Trong trường hợp chấp sự thì người đó phải có bằng chứng là có khả năng và biết phục vụ Chúa trước khi được bầu chọn. Việc quan sát và kiểm chứng trước khi bầu chọn rất quan trọng. Khi những điều kiện đã kể bên trên và bên dưới đều hội đủ, thì người ấy đáng được bầu chọn.
Phần căn dặn tiếp theo liên quan đến gia đình của chấp sự.
Người ta bảo rằng đồng vợ đồng chồng tát bể Đông cũng cạn. Trong trường hợp phục vụ Chúa vợ chồng rất cần hợp tác và sống gương mẫu. Nếu nghiêm trọng là đức tính cho người chồng thì người vợ cũng phải sống nghiêm trọng, có nghĩa là đứng đắn, trưởng thành. Các lời dạy như đừng nói xấu, tiết độ, trung tín trong mọi việc là phẩm hạnh của một người tốt trong khi đối xử với người khác. Đây là những điều phản ánh đức tin của một người phụ nữ. Thay vì nói xấu, phải nói những lời xây dựng, chia sẻ về ân phúc của Chúa. Tiết độ về lời nói, về hành động và về việc ăn mặc. Nghĩa là trau giồi nhiều đức độ bề trong, mà coi thường bề ngoài giả dối. Cuối cùng là trung tín. Trung tín với Chúa, với chồng và gia đình, để xây dựng gia đình và hạnh phúc chung.
Chấp sự cũng phải là người chung thủy với vợ, và không phải là người đã có nhiều đời vợ hay đang có nhiều, như thói tục đời xưa.
Câu 12 nói về con cái. Cũng như lời dạy dành cho giám mục, người chấp sự phải biết dạy con cái trong nhà. Tề gia rồi mới trị quốc được. Gia đình phải êm ấm, nề nếp, thương yêu và tôn phục nhau, như thế danh Chúa mới được vinh quang.
Câu 13 có thể hiểu theo bản Các giờ Kinh Phụng vụ: Những ai thi hành chức vụ trợ tá cách tốt đẹp, thì được một chỗ danh dự, và được mạnh dạn nhiều nhờ lòng tin vào đức Ki tô Giê-xu.
Hoặc hiểu theo bản Dịch mới: Vì ai làm chấp sự tốt sẽ đạt được địa vị cao trọng và bảo đảm lớn trong đức tin nơi Đức Cơ-đốc Giê-xu.
Tóm lại, câu 13 có thể hiểu là: người chấp sự nào chu toàn nhiệm vụ đối với Chúa và phục vụ anh em chị em, sẽ được người và Chúa quý mến. Riêng người ấy, đức tin nơi Chúa sẽ càng thêm, vững mạnh.
Dù đây là lời dạy cho chấp sự và vợ của chấp sự, nhưng cũng là bài học chung cho tất cả những ai đang phục vụ Chúa trong nhà thờ hay tại nhà thờ tư gia. Mỗi người cần ý thức rằng việc phục vụ Chúa và anh em chị em trong Hội Thánh rất là quan trọng, vì ảnh hưởng nhiều đến thế giới vô đạo bên ngoài, cũng như đời sống đức tin của bản thân.
Chúng ta đều cần gìn giữ đức ah5nh để có thể phục vụ Chúa nhiều hơn và hữu hiệu hơn.