“Vả lại, anh em phải làm mạnh dạn trong Chúa, nhờ sức toàn năng của Ngài”(câu 10).
Câu hỏi suy ngẫm: Chúng ta đang ở trong cuộc chiến với Sa-tan, cuộc chiến đó thế nào? Bạn nhận định gì về kẻ thù? Làm thế nào để chúng ta có thể chiến thắng kẻ thù thuộc linh hùng mạnh là Sa-tan? “Phải làm mạnh dạn trong Chúa, nhờ sức toàn năng của Ngài” và “mang lấy mọi khí giới của Đức Chúa Trời” có nghĩa gì đối với Cơ Đốc nhân?
Sự hiện hữu của Sa-tan là một thực tại. Nó hiện diện một cách siêu hình kín đáo mang theo những âm mưu đẩy con người rơi vào thế giới tối tăm của tội lỗi. Tuy nhiên, Cơ Đốc nhân không phải sợ hãi trước quyền lực của Sa-tan, vì quyền lực ấy đã bị bẻ gãy khi chương trình cứu chuộc của Đức Chúa Trời được hoàn thành qua sự chết của Chúa Giê-xu trên thập tự giá và sự phục sinh của Ngài. Vì Chúa đã đắc thắng cho nên Cơ Đốc nhân tiếp tục chiến thắng quyền lực của Sa-tan, nhờ vào quyền năng của Ngài. Sứ đồ Phao-lô đã cảm khái và thốt lên lời cảm tạ: “Nhưng, tạ ơn Đức Chúa Trời đã cho chúng ta sự thắng, nhờ Đức Chúa Giê-xu Cơ Đốc chúng ta” (I Cô-rinh-tô 15:57).
Trong nguyên văn, nhóm từ ngữ “phải làm mạnh dạn trong Chúa” (câu 10) được viết ở thể thụ động. Điều này có nghĩa là Cơ Đốc nhân được “mạnh dạn” không phải là nhờ nỗ lực riêng của mình nhưng nhờ Chúa ban cho sức lực thuộc linh. Không có Chúa bên cạnh, chúng ta chỉ là những con người yếu đuối, bất lực trước kẻ thù Sa-tan hùng mạnh. Cơ Đốc nhân cần nhận thức được sức toàn năng của Đức Chúa Trời và đến gần Ngài để được Ngài ban sức lực đắc thắng. Chúa đã sắm sẵn mọi khí giới thuộc linh để ban cho chúng ta, nhiệm vụ của chúng ta là nhận lấy những vũ khí đó để đánh bại kẻ thù. Nhóm từ trên còn được viết ở thì hiện tại để nhắc nhở Cơ Đốc nhân cần phải liên tục nhận năng lực từ Chúa để đắc thắng trong trận chiến thuộc linh hàng ngày.
Như những bài học trước đã phân tích, Sa-tan là một kẻ thù thuộc linh rất nguy hiểm vì nó có trăm phương nghìn kế, lúc ẩn lúc hiện. Tuy nhiên, Cơ Đốc nhân đắc thắng Sa-tan không phải nhờ tập trung vào Sa-tan và những hoạt động của nó mà là nhờ tập trung vào chính Đức Chúa Trời. Nói một cách khác, một mặt Cơ Đốc nhân cần nhận thức được sự hiện hữu của Sa-tan và những hoạt động phá hoại của nó, mặt khác cần phải tập trung cả con người của mình vào Đức Chúa Trời để Ngài ban cho năng lực đắc thắng. Lời hô hào “hãy mang lấy mọi khí giới của Đức Chúa Trời” cũng là lời kêu gọi Cơ Đốc nhân hãy hết lòng hướng sự tập trung của mình về Đức Chúa Trời thay vì quá bận tâm về sự nguy hiểm của Sa-tan. Dù nhận thức sự nguy hiểm của Sa-tan là quan trọng, nhưng Cơ Đốc nhân không thể chiến thắng được nó nhờ nhận thức này. Bí quyết chiến thắng đó là đến với Đức Chúa Trời để Ngài ban cho vũ khí chiến thắng.
Khi Phao-lô viết về “mọi khí giới của Đức Chúa Trời,” ông đã dùng hình ảnh trong Ê-sai 11:5; 52:7; và 59:17. Ở đó, Đức Chúa Trời được diễn tả một cách trừu tượng như là một vị anh hùng vô địch với những vũ khí vô địch - là những thánh đức cao cả của Ngài. Do đó “mang lấy mọi khí giới của Đức Chúa Trời” còn có nghĩa là khoác lên mình những phẩm chất cao đẹp của Ngài. Ê-phê-sô 4:24, Phao-lô kêu gọi “mặc lấy người mới, tức là người đã được dựng nên giống như Đức Chúa Trời...” Về hình thức thì Ê-phê-sô 6:11 và 4:24 khác nhau, nhưng về nội dung thì hai mạng lệnh như nhau: Cơ Đốc nhân phải sống một đời sống mới được dự phần vào bản tính của Đức Chúa Trời. Khi được dự phần vào bản tính của Đức Chúa Trời, Cơ Đốc nhân chẳng những sẽ đắc thắng Sa-tan một cách dễ dàng nhờ sức của Ngài mà còn sinh lắm bông trái thuộc linh trong đời sống mình.
Bạn đang chống cự Sa-tan và mọi sự tấn công của nó bằng nỗ lực riêng hay nhờ vào sức Chúa? Bạn có thực sự kinh nghiệm một đời sống đầy dẫy quyền năng với những phẩm chất cao đẹp của Đức Chúa Trời chưa?
Lạy Chúa, xin cho con được đắm chìm trong quyền năng của Ngài, cho con được kinh nghiệm một đời sống đầy dẫy những phẩm chất cao đẹp của Ngài hầu cho con có thể sống một đời sống đắc thắng trước kẻ thù nguy hiểm là Sa-tan.
(c) 2024 svtk.net