“Ấy là trong Đấng Cơ Đốc, chúng ta được cứu chuộc bởi huyết Ngài, được tha tội, theo sự dư dật của ân sủng Ngài” (câu 7).
Câu hỏi suy ngẫm: Sứ đồ Phao-lô ngợi khen Đức Chúa Trời vì lẽ gì (câu 3)? Sứ đồ Phao-lô kể trong Đấng Cơ Đốc chúng ta nhận được những phước hạnh nào? Vì sao phước thuộc linh quan trọng hơn phước thuộc thể? Là con của Đức Chúa Trời bạn có những đặc quyền nào? Bạn sử dụng những đặc quyền đó như thế nào?
Viễn cảnh Sứ đồ Phao-lô mô tả ngay trong phân đoạn này vô cùng rộng lớn. Ông bắt đầu bằng một quá khứ đời đời, đó là Đức Chúa Trời đã chọn lựa chúng ta “trước khi sáng thế” (câu 4). Tiếp theo đó, Phao-lô hướng đến một tương lai đời đời khi Đức Chúa Trời đem mọi sự trong hoàn vũ đặt dưới quyền tể trị của Đấng Cơ Đốc (câu 10). Đây là một lời nhắc nhở tế nhị và là một sự cáo trách nhẹ nhàng về những mối tranh chấp nhỏ nhặt, về những cái nhìn thiển cận và thái độ hẹp hòi của chúng ta đối với người khác. Đức tin Cơ Đốc không đơn thuần hướng đến “cái tôi và cộng đồng của tôi,” nhưng hướng đến kế hoạch đời đời của Đức Chúa Trời để phục hồi mọi tạo vật, mọi cộng đồng trên thế giới này.
Tại đây chúng ta cũng được nhắc nhở rằng những phước hạnh quan trọng là những phước hạnh thuộc linh thuộc về trời (câu 3). Một trong những phước thuộc linh quan trọng là được chọn làm con của Đức Chúa Trời. Trong xã hội La Mã, khi được một người giàu có nhận làm con nuôi thì người này có tất cả các quyền như con trai ruột. Tất cả món nợ của người con này được trả hết và tương lai của người này được bảo đảm. Là con nuôi của Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ được hưởng những di sản lạ lùng và đời đời mà Ngài dành cho chúng ta.
Đức Chúa Trời không bao giờ làm bất cứ điều gì nửa chừng. Ngài không chỉ giải thoát chúng ta khỏi mọi tội lỗi (câu 7), mà còn bày tỏ lòng nhân từ của Ngài bằng cách ban cho chúng ta sự khôn sáng để hiểu biết những kế hoạch đời đời của Ngài (câu 8). Đức Chúa Trời đã định rằng muôn vật sẽ hiệp một trong Đấng Cơ Đốc. Việc đem người Do Thái và Dân Ngoại lại với nhau chỉ là bước khởi đầu cho một ngày kia Ngài sẽ đổi mới mọi tạo vật (Công-vụ các Sứ-đồ 3:21). Phao-lô đã trải nghiệm sự hiệp một qua việc được đổi mới trong Đức Thánh Linh (I Cô-rinh-tô 12:13). Giống như Phao-lô, dân Giu-đa và Dân Ngoại cũng kinh nghiệm như thế. Giống như họ, chúng ta thuộc về Đấng Cơ Đốc và được nếm trước vị ngọt ngào lạ lùng của một tương lai vinh hiển qua sự khải thị của Đức Thánh Linh.
Đời sống của chính bạn và Hội Thánh bạn có phản ánh được sự đổi mới và sự hiệp một trong Đấng Cơ Đốc không?
Lạy Chúa, nguyện xin tâm trí, tình yêu và quyền năng của Chúa Giê-xu chiếm hữu và làm thay đổi cuộc đời con từ ngày hôm nay cho đến khi con gặp mặt Ngài.
(c) 2024 svtk.net