1 Hết thảy những kẻ dưới ách đầy tớ phải coi chủ mình là đáng trọng mọi đàng, hầu cho danh hiệu và đạo lý của Đức Chúa Trời khỏi bị làm trò cho người phạm thượng.
2 Ai có chủ là tín đồ, thì không nên lấy cớ anh em mà khinh dể, nhưng phải càng hầu việc hơn, vì kẻ được công của mình là tín đồ và người rất yêu dấu. Đó là điều con phải dạy dỗ khuyên bảo họ.
3 Ví thử có người dạy dỗ đạo khác, không theo lời có ích của Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta và đạo lý theo sự tôn kính,
4 thì người đó là lên mình kiêu ngạo, không biết chi hết; nhưng có bịnh hay gạn hỏi, cãi lẫy, bởi đó sanh sự ghen ghét, tranh cạnh, gièm chê, nghi ngờ xấu xa,
5 cùng những lời cãi lẽ hư không của kẻ có lòng hư xấu, thiếu mất lẽ thật, coi sự tôn kính như là nguồn lợi vậy.
6 Vả, sự tôn kính cùng sự thỏa lòng ấy là một lợi lớn.
7 Vì chúng ta ra đời chẳng đem gì theo, chúng ta qua đời cũng chẳng đem gì đi được.
8 Như vậy, miễn mà đủ ăn đủ mặc thì phải thỏa lòng;
9 Còn như kẻ muốn nên giàu có, ắt sa vào sự cám dỗ, mắc bẫy dò, ngã trong nhiều sự tham muốn vô lý thiệt hại kia, là sự làm đắm người ta vào sự hủy diệt hư mất.
10 Bởi chưng sự tham tiền bạc là cội rễ mọi điều ác, có kẻ vì đeo đuổi nó mà bội đạo, chuốc lấy nhiều điều đau đớn.
Trong phần Kinh Thánh hôm nay có ba đề tài được nêu lên: Vấn đề chủ và tớ, vấn đề giáo sư giả mạo và sau cùng là vấn đề lòng tham.
Chúng ta sẽ nói về Chủ và Tớ trước:
1 Hết thảy những kẻ dưới ách đầy tớ phải coi chủ mình là đáng trọng mọi đàng, hầu cho danh hiệu và đạo lý của Đức Chúa Trời khỏi bị làm trò cho người phạm thượng.
2 Ai có chủ là tín đồ, thì không nên lấy cớ anh em mà khinh dể, nhưng phải càng hầu việc hơn, vì kẻ được công của mình là tín đồ và người rất yêu dấu. Đó là điều con phải dạy dỗ khuyên bảo họ.
Trong Hội Thánh đầu tiên xã hội vẫn còn chế độ nô lệ. Đạo Chúa không phá bỏ lề thói của xã hội, nhưng giáo dục người nô lệ cũng như người chủ, phải biết sống sao cho Chúa đẹp lòng.
Trước tiên là trường hợp người nô lệ tin Chúa, còn chủ thì không. Lời khuyên là phải tôn trọng chủ, mặc dù chủ là người vô tín. Người tin Chúa không bao giờ coi mình là hơn những người khác, vì vậy dù là nô lệ tin Chúa, vẫn phải một lòng tôn kính chủ.
Trong khi đó câu thứ hai, trong trường hợp cả chủ lẫn tớ đều là người đã tin Chúa cả. Người làm công khi biết chủ là người tin Chúa, thì lại càng nên tôn phục và quý mến hơn nữa. Đây là những lời dạy tổng quát về nhiệm vụ của người nô lệ, lời dạy này đặt vào thế kỷ 20 có thể áp dụng cho những người làm công và chủ. Nhiều khi là người giúp việc nhà, nhưng thông thường là những người làm việc trong một cơ quan thương mại hay các ngành trong xã hội. Người tin Chúa phải sống và cư xử sao cho người đời không nói xấu danh Chúa và tình anh em trong Chúa càng thêm thắm thiết trong tôn kính và thuận phục.
Có người sẽ xuyên tạc là đạo Chúa bảo vệ cho chế độ nô lệ. Thật ra đạo Chúa cho người ta biết đối xử với nhau cho đúng cách, trong hoàn cảnh của mỗi xã hội, sao cho danh Chúa được tôn vinh và nhiều người có dịp tin Chúa. Đạo Chúa đưa người ta đến chỗ làm anh em chị em trong Chúa nhưng vẫn theo trật tự và tổ chức của xã hội. Không thể vì tin Chúa mà người công nhân bỗng nhiên ngang bằng thủ trưởng hay giám đốc của mình. Dĩ nhiên thời nô lệ đã qua từ lâu, không cần phải bàn đến. Ngày nay nên bàn đến việc chủ và người giúp việc trong gia đình. Lời dạy này áp dụng rất tốt trong các trường hợp hiện đại.
Ta sang vấn đề thứ hai:
3 Ví thử có người dạy dỗ đạo khác, không theo lời có ích của Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta và đạo lý theo sự tôn kính,
4 thì người đó là lên mình kiêu ngạo, không biết chi hết; nhưng có bệnh hay gạn hỏi, cãi lẫy, bởi đó sanh sự ghen ghét, tranh cạnh, gièm chê, nghi ngờ xấu xa,
5 cùng những lời cãi lẽ hư không của kẻ có lòng hư xấu, thiếu mất lẽ thật, coi sự tôn kính như là nguồn lợi vậy.
Bản dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ diễn tả các câu trên như sau:
Nếu có ai dạy một giáo lý khác, không theo sát các lời lành mạnh, tức là các lời của Đức Giê-xu Ki-tô, Chúa chúng ta, và không theo sát giáo lý phù hợp với đạo thánh, thì người ấy lên mặt kiêu căng, không biết gì cả, nhưng mắc bệnh ham tranh luận và thích cãi chữ. Do đó sinh ra ganh tỵ, tranh chấp, lộng ngôn, nghĩ xấu, đấu khẩu liên miên giữa những người đầu óc lệch lạc, mất cả chân lý và coi việc giữ đạo là một nguồn lợi.
Đọc bản dịch vừa qua, có lẽ ta hiểu rõ thêm ý nghĩa của lời dạy trong các câu này:
Trước tiên ta phải hiểu một giáo lý khác có đặc tính như sau: Đi xa những căn bản về phúc âm hay tin mừng cứu chuộc nhân loại trong kế hoạch củaChúa và Chúa Giê-xu thực hiện. Nghĩa là không căn cứ vào lời Chúa dạy, nhưng theo nhiều lý thuyết của loài người. Khi nào theo lý thuyết loài người, sẽ đưa đến các cuộc tranh cãi. Kết quả của tranh cãi biện luận theo lối loài người là ganh tỵ, tranh chấp, nói phạm thượng, tư tưởng xấu xa, muốn làm hại đối phương. Đặc biệt là những người có đầu óc lệch lạc như thế thường gặp nhau để biện luận. Cuối cùng chẳng đi đến đâu cả. Những người ấy coi việc theo đạo là tìm ra chỗ đứng của mình trong xã hội, chứ không quan tâm gì đến tin mừng cứu độ của Chúa.
Áp dụng vào đời sống hiện tại, ta có thể thấy rằng, những ai chưa nắm vững lời dạy của Chúa, hay không thường xuyên học lời Chúa, rất dễ bị người ta lôi kéo vào những chuyện tranh cãi vô ích, chỉ tạo hiềm khích và chia rẽ. Đạo Chúa không chấp nhận tranh cãi, nhưng khuyên giục mọi người sống hiền hòa. Đây chính là phẩm vị của con dân Chúa.
Câu cuối cùng của phần này ghi: Coi việc giữ đạo là một nguồn lợi có nghĩa là chỉ lợi dụng việc vào đạo để trục lợi chứ không phải để được cứu rỗi. Câu này chuyển sang phần thứ ba của vấn đề. Phao-lô dạy:
6 Vả, sự tin kính cùng sự thỏa lòng ấy là một lợi lớn.
7 Vì chúng ta ra đời chẳng đem gì theo, chúng ta qua đời cũng chẳng đem gì đi được.
8 Như vậy, miễn mà đủ ăn đủ mặc thì phải thỏa lòng;
9 Còn như kẻ muốn nên giàu có, ắt sa vào sự cám dỗ, mắc bẫy dò, ngã trong nhiều sự tham muốn vô lý thiệt hại kia, là sự làm đắm người ta vào sự hủy diệt hư mất.
11 Vì tham tiền bạc là cội rễ mọi điều ác, có kẻ vì đeo đuổi nó mà bội đạo, chuốc lấy nhiều điều đau đớn.
Phao-lô có ý muốn cho thấy rằng, tin Chúa là tâm hồn được thỏa mãn, đây là điều không gì trong trần gian có thể đổi lấy được. Không nên tìm lợi vật chất trong đạo, vì điều lợi tâm linh mới là quan trọng. Lợi lộc vật chất không bền, vì chúng ta nằm xuống là để lại tất cả. Thế nên đừng quan tâm về vật chất quá, miễn sao có được những căn bản để sinh tồn là bằng lòng.
Nếu đã tin Chúa mà còn ham giàu sang phú quý, và đặt trọng tâm của đời mình là tiền của, thì sẽ gặp thất bại. Vì đời vật chất có nhiều cám dỗ, dễ làm ta sa ngã, bỏ cả lòng tin mà gặt lấy hủy diệt đời đời. Khi con người say mê tiền của thì sẽ không tự kiềm chế được và phạm tất cả các tội ác để sao kiếm được tiền thì thôi. Chính vì thế mà bị chìm đắm và hủy diệt
Câu 11 là câu ta nên ghi nhớ: Vì tham tiền bạc là cội rễ mọi điều ác, có kẻ vì đeo đuổi nó mà bội đạo, chuốc lấy nhiều điều đau đớn. Ta để ý, câu này không nói tiền bạc là cội rễ của mọi điều ác, nhưng nói rằng Lòng tham tiền bạc là cội rễ của mọi điều ác. Lòng tham là điểm cần nhấn mạnh, vì tiền bạc chỉ là phương tiện. Câu này chứng nghiệm đúng trong mọi hoàn cảnh. Người tin Chúa cần có một đời sống quân bình, nghĩa là tin Chúa, làm việc để sinh sống, nhưng không tham tiền để có thể làm những việc trái đạo.
Mặt khác, khi một người tôn tiền bạc làm chủ đời sống mình thì Chúa sẽ bị gạt ra ngoài, bỏ đạo và kết quả sẽ thật thảm khốc.
Thưa Quý vị và các bạn, tin Chúa là bước vào một đời sống mới. Nếu ai tin Chúa mà vẫn còn sống theo lối của người trần gian thì thật là dại dột, vì khi ta tin Chúa là được Chúa cứu ra khỏi tội ác và lối sống phạm tội và không tuân phục Chúa của trần gian. Nếu ta vừa tin Chúa mà lại vừa sống theo đời thì ta sẽ mất tất cả..
Quý vị và các bạn hãy bằng lòng với cuộc đời Chúa đưa đến cho mình và trung thành tin kính Chúa cho đến cuối cùng, đừng bao giờ tìm danh lợi trong Chúa, nhưng hãy tìm đến các nguyên tắc sống để ta càng ngày càng được Chúa khai tâm mở trí và yêu mến tôn thờ Ngaì nhiều hơn.