1 Ti-mô-thê 6:11-16
11 Nhưng, hỡi con, là người của Đức Chúa Trời, hãy tránh những sự đó đi, mà tìm điều công bình, tôn kính, đức tin, yêu thương, nhịn nhục, mềm mại.
12 Hãy vì đức tin mà đánh trận tốt lành, bắt lấy sự sống đời đời, là sự mà con đã được gọi đến, và vì đó mà con đã làm chứng tốt lành trước mặt nhiều người chứng kiến.
13 Trước mặt Đức Chúa Trời là Đấng ban sự sống cho mọi vật, và trước mặt Đức Chúa Jêsus Christ là Đấng làm chứng tốt nơi Bôn-xơ Phi-lát, ta khuyên con
14 phải giữ điều răn, ở cho không vết tích và không chỗ trách được, cho đến kỳ sự hiện ra của Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta,
15 là sự mà Đấng Chủ tể hạnh phước và có một đến kỳ sẽ tỏ ra, là Vua của mọi vua, Chúa của mọi chúa,
16 một mình Ngài có sự sáng không thể đến gần được, chẳng người nào từng thấy Ngài và cũng không thấy được, danh vọng, quyền năng thuộc về Ngài đời đời! A-men.
Đây là lá thư Sứ đồ Phao-lô gửi cho người con tinh thần của ông là Ti-mô-thê, cũng đang là mục sư trong một Hội Thánh.
Sứ đồ Phao-lô gọi Ti-mô-thê là con, đây là con tinh thần, con trong Chúa. Nhưng ông cũng nói ngay, là người của Đức Chúa Trời. Mở đầu của câu này là: Nhưng, trước đó Phao-lô đang nói về những người tham tiền bạc, vật chất và danh lợi, tức là những người thuộc về cõi trần tục này, ông quay sang nói với Ti-mô-thê: Nhưng con là người của Đức Chúa Trời . Nghĩa là người ta tham lợi vật chất, nhưng người của Đức Chúa Trời có hướng đi khác và mục đích khác. Ngoài ra, trong Cựu Ước, Người của Đức Chúa Trời là các sứ giả, các vị tiên tri mà Chúa sai đến với dân tộc hay một cá nhân nào.
Phao-lô khuyên Ti-mô-thê tránh tham dục vật chất. Trong nguyên văn là chạy trốn khỏi tham dục vật chất mà tìm đến sáu điều căn bản cho người của Chúa, chia ra làm hai cặp, đó là:
1. Công bình và tin kính: hai điều này có thể hiểu là công chính và tin kính thánh thiện. Công chính đối với Chúa, nghĩa là lánh xa tội ác và tin kính thành thiện là cách đối xử với người.
2. Cặp thứ hai là đức tin và yêu thương: là những đức tính căn bản cho người tin Chúa. Người của Chúa phải có lòng tin mạnh mẽ luôn luôn đặt nơi Chúa và tràn đầy tình yêu của Chúa để danh Chúa được vinh quang.
3. Cặp thứ ba là nhịn nhục và mềm mại: đức tính cần thiết để xây dựng tình thương đối với những người ta giao dịch mỗi ngày trong đời.
Khi Phao-lô bảo Ti-mô-thê chạy cho xa tham dục vật chất, ông nêu lên ngay những giá trị cao quý mà đời này không thể có được, vì vô cùng cao đẹp và đem cả đời theo đuổi cũng không đủ thời gian.
Câu tiếp theo Phao-lô bảo Ti-mô-thê phải vì đức tin mà tranh đấu cho anh dũng tranh đấu với những khí giới vừa mô tả bên trên, đó là: Công chính, tin kính thánh thiện, đức tin, yêu thương, nhịn nhục và mềm mại. Mục đích là để đoạt được sự sống đời đời. Tranh đấu trong câu này mang ý nghĩa tham gia vào một cuộc tranh tài thể thao như trong thế vận hội. Giải thưởng hay mão triều sẽ là sự sống vĩnh hằng.
Xin đọc lại:
Hãy vì đức tin mà đánh trận tốt lành, bắt lấy sự sống đời đời, là sự mà con đã được gọi đến, và vì đó mà con đã làm chứng tốt lành trước mặt nhiều người chứng kiến. Câu này mang nghĩa: Ti-mô-thê được kêu gọi vào sự sống đời đời và cũng đã cam kết như thế trước mặt nhiều nhân chứng. Người ta giải thích, đó là lúc Ti-mô-thê chịu thánh lễ báp tem, tuyên xưng đức tin.
Phao-lô tiếp tục khuyên Ti-mô-thê trước Đức Chúa Trời là đấng ban sự sống và Chúa Giê-xu là Đấng xưng nhận ngôi vị của Ngài trước phán quan La-mã Bôn-xơ Phi-lát khi xưa. Khi nhắc đến việc Chúa Giê-xu tuyên xưng, Phao-lô có ý bảo Ti-mô-thê rằng, việc cam kết theo Chúa và xưng danh Chúa là điều vinh quang và theo đúng gương Chúa Giê-xu.
Trước mặt Đức Chúa Trời là Đấng ban sự sống cho mọi vật, và trước mặt Đức Chúa Jêsus Christ là Đấng làm chứng tốt nơi Bôn-xơ Phi-lát, ta khuyên con 14 phải giữ điều răn, ở cho không vết tích và không chỗ trách được, cho đến kỳ sự hiện ra của Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, 15 là sự mà Đấng Chủ tể hạnh phước và có một đến kỳ sẽ tỏ ra, là Vua của mọi vua, Chúa của mọi chúa, 16 một mình Ngài có sự sáng không thể đến gần được, chẳng người nào từng thấy Ngài và cũng không thấy được, danh vọng, quyền năng thuộc về Ngài đời đời! A-men.
Câu 14 mở đầu cho lời khuyên của Phao-lô, theo đó, Ti-mô-thê phải giữ điều răn triệt để. Điều răng có thể là sáu điều kể trong câu 11. Tại đây Phao-lô không có ý bảo Ti-mô-thê phải tu thân tích đức, nhưng kỷ luật, giữ mình cho xứng đáng là người của Chúa, và thời gian là cho đến khi Chúa Giê-xu hiện ra. Nghĩa là trung tín cho đến cuối cùng.
Sự hiện ra hay tái lâm của Chúa Giê-xu được khẳng định là sẽ xẩy ra chắc chắn, nhưng không biết bao giờ.
Câu 15 cho hay rằng việc Chúa Giê-xu tái lâm sẽ được Đấng Chủ Tể Hạnh phước và có một, tức là Đức Chúa Trời, đến kỳ sẽ cho biết, Chúa Giê-xu sẽ là vua của các vua và chủ tể của mọi quyền hành.
Trong khi đó Đức Chúa Trời được mô tả là: không hề chết, nghĩa là vĩnh hằng, đời đời, là nguồn sống. Đức Chúa Trời ở trong ánh sáng, trong vinh quang mà không ai có thể đến gần, không ai nhìn thấy Chúa vì Ngài vô hình.
Danh vọng quyền năng thuộc về Đức Chúa Trời là một câu chúc tụng.
Người ta bảo rằng câu 15, 16 là lời thơ hoặc bài ca ngợi Chúa mà Phao-lô nhắc lại.
Trong những câu Kinh Thánh hôm nay, chúng ta học được các điểm này:
1. Người tin Chúa phải tránh ham mê vật chất và những lợi lộc trong trần gian này, nhưng chú tâm vào những giá trị công chính, tin kính thánh thiện, đức tin, yêu thương, nhịn nhục và mềm mại. Đây là những điều ta cần đặt làm tiêu chuẩn sống của mình, có như thế mới thắng được trần gian đầy tội ác quanh ta.
2. Người tin Chúa không thể sống thụ động, nhưng lúc nào cũng phải cảnh giác, kỷ luật và trông mong ngày Chúa Giê-xu trở lại trần gian.
3. Ý thức rõ Chúa là Đấng vĩnh hằng, ở nơi vinh quang, vô hình không ai thấy được, sẽ làm ta kính thờ Chúa nghiêm trang và xứng đáng hơn.