Đức Chúa Trời Tự Mạc Khải
"Đức Chúa Giê-xu đáp rằng: Ta là đường đi, lẽ thật, và sự sống; chẳng bởi Ta thì không ai được đến cùng Cha. Ví bằng các ngươi biết Ta, thì cũng biết Cha Ta" (câu 6-7a).
Câu hỏi suy ngẫm: Kinh Thánh nói về ai? Phân đoạn Kinh Thánh này cho biết gì về Chúa Giê-xu? Điều đó có nghĩa gì? Đức Chúa Trời tự mạc khải gì về Ngài? Vì sao Ngài phải tự mạc khải mình cho nhân loại? Chúa Giê-xu đóng vai trò nào trong sự tự mạc khải của Đức Chúa Trời?
Mục sư John Wesley, người sáng lập Hội Thánh Giám Lý, có lần đã viết như sau: "Tôi là tạo vật của một ngày, đi qua cuộc sống này như một mũi tên bay xuyên qua không gian. Tôi là một linh hồn đến từ Đức Chúa Trời và trở về với Ngài, bay lượn trên một vực sâu vĩ đại. Trong vài tháng kể từ hôm nay, tôi sẽ không còn trên đất nữa, để bước vào cõi vĩnh hằng. Tôi muốn biết một điều: Con đường đến thiên đàng... Chính Đức Chúa Trời đã hạ xuống để chỉ cho nhân loại con đường đó. Ngài đã ghi lại con đường đó trong một quyển Sách. Hãy cho tôi Sách đó. Với bất cứ giá nào, hãy cho tôi Sách của Đức Chúa Trời."
Một triết gia đã nói: "Con người là một hữu thể tôn giáo." Với câu nói súc tích này, ông muốn nói rằng tận đáy sâu của lòng người, dù họ có ý thức hay chỉ là vô thức, luôn luôn có một sự khao khát hướng về Đấng Tạo Hóa. Sự khao khát này bao gồm một ước muốn được biết về bản chất và ý muốn của Đấng Tạo Hóa, cũng như sự khao khát được thờ phượng Ngài. Qua Công Vụ 17, khi Sứ đồ Phao-lô đến thành phố A-thên để rao giảng Tin Lành. Ở đó, ông thấy một bàn thờ THỜ CHÚA KHÔNG BIẾT. Điều đó chứng thực sự khao khát của con người muốn được biết và thờ phượng Đức Chúa Trời được giải thích bằng câu nói của nhà thần học Augustine của thế kỷ thứ 5: "Trong linh hồn của con người có một khoảng trống khổng lồ mà chỉ có Đức Chúa Trời mới có thể lấp đầy được."
Nhưng với sự hiểu biết hạn chế, con người không thể biết được sự vô hạn của Đức Chúa Trời. Vì thế Đức Chúa Trời tự mạc khải chính Ngài và con đường đến với Ngài. cho nhân loại qua hai cách: mạc khải tự nhiên và mạc khải đặc biệt. Đối với những đôi mắt khao khát và nhạy cảm, họ có thể "thấy" được một phần bản thể của Đức Chúa Trời qua cõi tạo vật của Ngài, như tác giả Thi-thiên 19 đã cảm nhận: "Các từng trời rao truyền sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, bầu trời giãi tỏ công việc của tay Ngài làm. Ngày này giảng cho ngày kia, đêm này tỏ sự tri thức cho đêm nọ" (câu 1-2). Tuy nhiên, sự mạc khải tự nhiên này chỉ giúp cho con người có được một tri thức rất hạn chế về Đức Chúa Trời, không thể mà giúp con người biết ý muốn của Ngài đối với nhân loại, không thể giải quyết được nan đề tội lỗi, không thấy được con đường cứu rỗi, hầu nhờ đó mà con người trở lại với Ngài. Để giải quyết những nan đề này, Đức Chúa Trời đã ban cho con người những mạc khải đặc biệt đó là Kinh Thánh và sự hóa thân của chính Ngài trong con người của Chúa Giê-xu. Chúa Giê-xu là Ngôi Lời trở thành xác thịt, đây là sự mạc khải tối cao của Đức Chúa Trời cho nhân loại. Giữa Chúa Giê-xu và Kinh Thánh có một mối liên hệ không thể tách rời vì cả Kinh Thánh (Cựu Ước và Tân Ước) đều hướng về Chúa Giê-xu và nói về con đường cứu rỗi qua đức tin nơi Ngài.
Là con cái Chúa, chúng ta phải nỗ lực tìm kiếm Chúa qua Lời Hằng Sống của Ngài để hiểu rõ về Ngài cũng như biết được ý muốn của Ngài cho đời sống chúng ta. Phước hạnh sẽ tuôn tràn trên những ai hết lòng tìm kiếm Chúa qua lời của Ngài. Người đó sẽ thật biết Chúa Giê-xu, vững bước trên đường đi về thiên quốc, đầy dẫy quyền năng của lẽ thật, kinh nghiệm được sự sống dư dật trên đất này cũng như sẽ hưởng được sự sống đời đời trong cõi vĩnh hằng.
Bạn có khao khát tìm kiếm Chúa qua Lời Ngài để hiểu biết về Ngài cũng như ý muốn của Ngài cho đời sống không? Bạn có thật sự biết Chúa Giê-xu như bạn đáng phải biết qua sự học hỏi Lời Chúa để nhờ đó bạn biết làm theo những điều răn Ngài dạy không? Ngày nay bạn sẽ nói cho ai về sự mạc khaœi cuœa Chúa? Nói về điều gì?
Lạy Chúa, xin cho con ngày càng biết ham thích học hỏi lời Ngài để nhờ đó mà con được biết Ngài và yêu mến Ngài nhiều hơn.
(c) 2024 svtk.net