"Như vậy, đức tin đến bởi sự người ta nghe, mà người ta nghe, là khi lời của Đấng Cơ Đốc được rao giảng" (câu 17).
Câu hỏi suy ngẫm: Chủ đề chính của đoạn kinh văn Rô-ma 10:13-19 là gì? Đối tượng chính của đoạn kinh văn này là ai? Sứ điệp phổ quát nào có thể rút ra từ đoạn kinh văn này để ứng dụng cho mọi thời đại?
Trong hành lang của một bệnh viện lớn, vào một ngày nọ, người ta gặp một người đàn ông có một gương mặt thật vui mừng, kích động, và thái độ của ông thật lạ lùng. Trên đường đi, gặp ai ông cũng níu lại và chia sẻ một cách hớn hở: "Vợ tôi được cứu rồi." Thì ra, vợ ông bị bướu não, nằm hôn mê đã nhiều ngày. Trước khi bà vào phòng giải phẫu, các bác sĩ cho biết về tình trạng "thập tử nhất sinh" của bà, nhưng họ hứa là sẽ cố gắng làm hết sức mình. Ông đã đứng ngồi không yên trước phòng mỗ nhiều giờ. Cuối cùng, một vị bác sĩ bước ra, cho ông biết là vợ ông đã qua giai đoạn nguy hiểm. Vợ ông đã được cứu là lý do làm ông vui mừng tột độ. Nỗi vui mừng lớn này khiến ông không kiềm chế được mà phải chạy đi báo tin vui đó cho tất cả những người ông gặp hôm đó.
Cơ Đốc nhân sở hữu một tin mừng lớn hơn nỗi vui mừng của người đàn ông nọ cả ngàn lần: nhận được sự cứu rỗi linh hồn. Có được một tin mừng lớn lao như vậy, chúng ta phải có thái độ như người đàn ông trong câu chuyện trên, nghĩa là phải đi ra và chia sẻ cho người khác một cách hớn hở chứ không phải giữ kín cho riêng mình. Điều khác hơn ở đây là những người sẽ nghe tin mừng cứu rỗi đó lại là những "bệnh nhân thuộc linh" đang ở trong tình trạng nguy kịch. Tin mừng cứu rỗi chính là phương thuốc cứu chữa duy nhất cho họ. Vì thế, Cơ Đốc nhân lại càng phải đi ra để chia sẻ về Tin Lành của Chúa Giê-xu. Đại Mạng Lệnh "giảng Tin Lành cho mọi người" được Chúa Giê-xu truyền cho Hội Thánh hai ngàn năm trước vẫn là Đại Mạng Lệnh cho Hội Thánh và Cơ Đốc nhân hôm nay.
Đối tượng chính của Rô-ma chương 10 là người Ít-ra-ên. Chủ đề chính của chương này là Tin Mừng Cứu Rỗi của Đức Chúa Trời đã được giảng cho người Ít-ra-ên qua chức vụ của Chúa Giê-xu, nhưng họ đã khước từ. Sứ đồ Phao-lô đã trích dẫn Môi-se và các tiên tri để chứng tỏ rằng sự cứu rỗi trong Chúa Cứu Thế Giê-xu đã viếng thăm dân tộc Ít-ra-ên. Đáng tiếc là họ đã cứng lòng và chối từ con đường cứu rỗi. Tuy hướng về dân tộc Ít-ra-ên, nhưng Rô-ma chương 10 có chứa đựng một sứ điệp phổ quát vượt không gian và thời gian mà Hội Thánh và Cơ Đốc nhân hôm nay cần phải nghe và thi hành: Rao giảng Lời Chúa cho mọi người để họ có thể nghe và tin, hầu cho linh hồn họ cũng được cứu rỗi (câu 17). Trong thời kỳ cận đại, ngọn lửa truyền giáo đã bùng cháy từ đầu thế kỷ 19 và tiếp tục cho đến ngày nay. Tuy nhiên, trong những thập niên gần đây, tinh thần truyền giáo dường như đã nguội dần trong nhiều Hội Thánh và hệ phái Tin Lành. Để trung thành với Đại Mạng Lệnh của Chúa, để bày tỏ lòng yêu thương thật qua sự cưu mang linh hồn tội nhân, và để Hội Thánh được lớn mạnh, Cơ Đốc nhân nói riêng và Hội Thánh cần phải tiếp tục thắp sáng ngọn lửa truyền giáo, phải quyết tâm rao giảng Lời Chúa một cách trung tín và bền lòng cho những người chưa biết Chúa.
Có thể chúng ta không có khả năng như những nhà truyền đạo trứ danh, nhưng chúng ta vẫn có thể rao giảng Lời Chúa một cách bền lòng theo khả năng hạn hẹp của mình. Nên nhớ rằng, "Đức Chúa Trời đã chọn những sự yếu ở thế gian để làm hổ thẹn những sự mạnh" (I Cô-rinh-tô 1:27b). Sự rao giảng Lời Chúa với khả năng "nho nhỏ" của chúng ta, khi được cộng với sự bền lòng và một tấm lòng yêu thương linh hồn tội nhân, sẽ được Chúa ban phước và đem lại kết quả lớn lao. Ông Jewel Pierce ở tiểu bang Alabama là một bằng chứng về điều đó. Trừ ngày Chúa Nhật, mỗi ngày ông Jewel Pierce đều ra bờ sông Coosa gần nơi ông ngụ và ném xuống sông hai chiếc chai không. Trong mỗi chai, ông để một mảnh giấy ghi lại câu Kinh Thánh nói về tình yêu và sự cứu rỗi của Chúa; kèm theo đó là lời đề nghị sẵn sàng làm những gì có thể cho những ai cần đến sự giúp đỡ tinh thần cũng như vật chất của ông, và ông cũng không quên ghi rõ địa chỉ để ai cần đến có thể liên lạc. Những chiếc chai không của ông Pierce đã theo dòng sông chạy ra cửa biển cách đó 15 dặm để đi khắp nơi. Đó là công việc mà ông Pierce đã thực hiện suốt 40 năm qua. Ông đã gửi đi được 27 ngàn chai. Đã có hơn hai ngàn người trên 30 quốc gia khác nhau đã viết thư trả lời; rất nhiều người đã đọc được và đáp ứng lại sứ điệp cứu rỗi của Chúa. Bạn thân mến, hãy cầu nguyện với một tấm lòng khát khao, Chúa sẽ soi sáng để bạn biết phải làm gì trong việc rao truyền Lời Chúa cho người khác.
Có bao giờ bạn chia sẻ Tin Mừng cứu rỗi của Chúa cho những người khác chưa? Bạn cầu nguyện cho ai để Chúa dùng bạn chia seœ Tin Mừng cứu rỗi cuœa Chúa?
Lạy Chúa, xin đặt trong lòng con sự cưu mang linh hồn tội nhân và soi sáng để con biết phải làm gì để trở nên một chứng nhân đắc lực cho Chúa.
(c) 2024 svtk.net