2 Ti-mô-thê 1:11-12
11. Ấy là vì Tin Lành đó mà ta đã được lập làm người giảng đạo, sứ đồ và giáo sư,
12 ấy lại là cớ mà ta chịu khổ. Nhưng ta chẳng hổ thẹn vì biết ta đã tin Đấng nào, chắc rằng Đấng ấy có quyền phép giữ sự ta đã phó thác cho đến ngày đó.
Đây là hai câu ngắn tóm tắt cuộc đời phục vụ Chúa của Phao-lô.
Một lần nữa sứ đồ Phao-lô nói đến tin lành và nhiệm vụ rao truyền tin lành đó như là tất cả cuộc đời của ông từ khi tin Chúa. Ta cũng cần nhắc lại là tin lành ở đây không phải là tên gọi một giáo hội, vì thế không viết hoa. Tin lành đây là tin mừng về chương trình cứu rỗi của Chúa qua cuộc đời của Chúa Cứu Thế Giê-xu. Tin lành hay tin mừng là đề tài chính của Thánh kinh Tân Ước, và trong nhiều trường hợp có thể hiểu là chính Chúa Giê-xu.
Phao-lô nói rõ, ông được lập làm ., nghĩa là ông không tự tìm đến các chức vụ này, nhưng được Chúa cắt đặt, lưạ chọn và sử dụng. Câu này gần như nói rằng, nếu không có tin lành đó thì làm sao Phao-lô được lập lên để rao truyền nữa.
Phao-lô có ba chức vụ, người giảng đạo, nguyên văn là người rao báo thông tin, có khi gọi là thầy giảng, truyền đạo, hay giảng sư. Chú trong nhiều vào việc loan tin mừng cho những ai chưa biết để tin Chúa. Ngày nay nhiều người làm công việc giảng đạo này mặc dù không có một chức phận trong giáo hội hay không được phong chức.
Chức vụ thứ hai là sứ đồ, nguyên văn apostolos ( apo, from, stellò, to send), có khi dịch là sứ giả. Theo Công Vụ Các Sứ đồ 1:21,22 thì sứ đồ là người: những người cùng đi với Chúa Giê-xu khi Ngài ở trần, từ khi Giăng làm phép báp-tem cho đến ngày Ngài được cất lên khỏi giữa môn đệ, người cùng với các sứ đồ làm chứng về sự Ngài sống lại. Ngoài nhóm 12 sứ đồ, Thánh kinh Tân ước còn nói đến ít nhất là sáu sứ đồ khác:
1. Phao-lô
2. Banaba
3. An-trô-ni-cơ và
4. Du-nia hai người này được gọi là sứ đồ trong Rô-ma 16:7
5. hai sứ đồ khác không nêu danh như trong 2 Cô-rinh-tô 8:23 gọi là sứ giả của các Hội Thánh.
6. Người cuối cùng là Ép-ba-phô-đích.
Như vậy theo nghĩa của Tân Ước, sứ đồ là người được chính Chúa Giê-xu chỉ định trong khi hay sau khi Ngài ở trần gian.
Người giảng đạo là nói về nhiệm vụ rao truyền tin mừng về Chúa Cứu Thế. Sứ đồ là nói về tương quan giữa người giảng đạo với Chúa Cứu Thế.
Giáo sư là người dạy đạo của Chúa trong thời gian dài chứ không phải chỉ truyền đạo mà thôi. Đây là việc huấn luyện đào tạo người trong Hội Thánh.
Phao-lô làm người truyền giảng tin mừng cứu chuộc của Chúa Giê-xu, ông là sứ đồ do Chúa Giê-xu lập nên và là giáo sư dạy đạo Chúa cho các Hội Thánh.
Phao-lô cho hay, cũng vì tin lành cứu chuộc của Chúa Giê-xu mà ông chịu khổ. Cuộc đời Phao-lô chịu rất nhiều gian khổ, ông từng liệt kê ra sau những năm phục vụ Chúa, như sau:
Tôi đã chịu khó nhọc nhiều hơn, tù rạc nhiều hơn, đòn vọt quá chừng. Nhiều phen tôi gần chết;
24 năm lần bị người Giu-đa đánh roi, mỗi lần thiếu một roi đầy bốn chục;
25 ba lần bị đánh đòn; một lần bị ném đá; ba lần bị chìm tàu. Tôi đã ở trong biển sâu một ngày một đêm.
26 Lại nhiều lần tôi đi đường nguy trên sông bến, nguy với trộm cướp, nguy với giữa dân mình, nguy với dân ngoại, nguy trong các thành, nguy trong các đồng vắng, nguy trên biển, nguy với anh em giả dối;
27 chịu khó chịu nhọc, lắm lúc thức đêm, chịu đói khát, thường khi phải nhịn ăn, chịu lạnh và lõa lồ.
28 Còn chưa kể mọi sự khác, là mỗi ngày tôi phải lo lắng về hết thảy các Hội thánh.
Ít có ai chịu khổ nhiều cho bằng Phao-lô. Tuy nhiên ta nên nhớ rằng, đây không phải một kẻ tội phạm, mà là một thánh nhân, sứ đồ của Chúa. Tại sao ông không được Chúa bao bọc che chở? Phao-lô giải thích nhiều lần rằng, ông chịu khổ như thế cũng chưa so được với khổ đau mà chính Chúa Giê-xu từng chịu. Hơn nữa, việc rao truyền tin mừng của Chúa thường làm cho người đời ghét bỏ. Không phải ngày nay mới có các cuộc bắt bớ, bức hại người truyền giảng Phúc âm và người trung tín thờ Chúa, nhưng từ thế kỷ thứ nhất Phao-lô và các sứ giả của Chúa cũng đã bị người đời đối xử rất tàn tệ rồi. Tuy nhiên không phải vì nhiều bách hại mà Phao-lô nản lòng hay bỏ cuộc. Ông nói:
Nhưng tôi chẳng hề hổ thẹn.
Phao-lô không coi việc chịu khổ vì Chúa là điều đáng hổ thẹn. Chịu khổ vì Chúa là một vinh hạnh nhất là ta biết rõ điều mình tin không phải là chuyện huyền hoặc, mê tín dị đoan hay truyền thuyết.
Nhưng Phao-lô nói trong phần sau của câu 12 rằng:
Vì biết ta đã tin Đấng nào, chắc rằng Đấng ấy có quyền phép giữ sự ta đã phó thác cho đến ngày đó.
Trong câu này có mấy điều ta cần nói đến:
1. Tin Đấng nào. Phao-lô không nói tin vào lý thuyết nào, nhưng Đấng nào. Đấng ấy chính là Chúa. Điều quan trọng trong việc truyền giảng Phúc Âm không phải là sứ điệp, nhưng là Đấng ban sứ điệp đó. Sứ điệp không có quyền năng, nhưng đấng ban sứ điệp đầy quyền năng. Đấng nào đây không phải là một vĩ nhân hay một nhà cách mạng nào. Đấng đây là Chúa quyền năng, tác giả của chương trình cứu chuộc nhân loại. Người ta có thể làm hại người truyền giáo, nhưng không ai có thể làm hại Đấng sai phái người ấy được cả.
2. Chắc rằng Đấng ấy có quyền phép. Phao-lô tin rằng Chúa có quyền năng. Thật ra Phao-lô đã kinh nghiệm quyền năng đó. Quyền năng thay đổi ông từ một con người chuyên bách hại đạo Chúa, trở thành một nhà truyền giảng tin mừng về Chúa và bằng lòng chịu khổ. Chúa có quyền năng thay đổi lòng dạ con người. Thay đổi đời sống. Đây cũng chính là quyền năng mà Phao-lô nói đến. Người ta có thể bách hại người tin Chúa và người truyền giảng danh Chúa, nhưng không thể thay đổi được tâm hồn con người đã được Chúa biến đổi, từ tối qua sáng. Không ai đã mù, được sáng mắt mà lại bằng lòng trở về cõi mù lòa tối tăm. Người tin Chúa sở dĩ không thể bỏ Chúa được, vì đã kinh nghiệm sáng mắt tâm linh, không thể bằng lòng trở về cõi tối tăm cố hữu của nhân loại.
3. Sự ta đã phó thác. Phó thác là một từ trong tài chính hay thương mãi gọi là đặt cọc, parathéké. Hiện đại có thể dùng ký thác hay giao thác. Sự mà Phao-lô phó thác hay ký thác đây là nhiệm vụ cuộc đời của ông. Chúa đã tin cậy giao thác một sứ điệp cho Phao-lô và ông thực hiện công việc rao truyền sứ điệp đó với lòng tin cậy rằng Chúa sẽ bảo hộ, ban quyền năng để công việc kết quả. Chúa giao thác cho ta sứ điệp, ta tin cậy nơi Chúa khi rao truyền sứ điệp đó.
4. Ngày đó. Ngày Chúa Giê-xu trở lại. Ngày mà toàn thế giới sẽ nhìn thấy Chúa mà họ đã phỉ báng, trong khi đó người tin Chúa sẽ gặp Đấng mà họ đã tin và phó thác cuộc đời mình. Ngày đó chưa ai rõ là ngày nào, nhưng sẽ đến và mỗi người sẽ gặp Chúa.
Thưa quý vị và các bạn, dù mỗi chúng ta không phải là mục sư, truyền đạo, nhưng tất cả người tin Chúa đều làm nhân chứng cho Ngài. Ta hãy hết lòng tin Chúa, đừng hổ thẹn, chịu khổ vì Chúa và tin chắc rằng Chúa có quyền năng bảo vệ và làm thành những gì chúng ta gieo, để đến một ngày cuối cùng vụ gặt sẽ thật vinh quang.