"Sau khi được phóng thích, hai người quay về với anh em mình..." (câu 23).
Câu hỏi suy ngẫm: Phi-e-rơ và Giăng làm gì sau khi họ được thả? Nan đề của họ đã được giải quyết chưa? Hội Thánh làm gì khi biết nan đề của hai ông? Bạn học được điều gì trong điểm này khi bạn phải đương đầu với nan đề của mình?
Phân đoạn Kinh Thánh Công-vụ các Sứ-đồ 4:1-31 ghi lại biến cố Sứ đồ Phi-e-rơ và Giăng bị ngăn trở, bắt bớ khi họ bắt đầu rao giảng Tin Mừng về Chúa Cứu Thế trong cộng đồng Do Thái giáo. Họ bị hàng giáo quyền Do Thái bắt giam vào ngục (1-3), đến sáng họ đem hai người ra thẩm vấn và cấm không cho hai người nhân danh Chúa Giê-xu để nói hay làm điều gì (câu 18). Nhưng Phi-e-rơ và Giăng cương quyết không chịu khuất phục. Cuối cùng họ đe dọa rồi tha Phi-e-rơ và Giăng (câu 21). Vừa được thả ra, Phi-e-rơ và Giăng quay về với anh chị em trong Hội Thánh (câu 23), báo cho mọi người biết những gì đã xảy ra cho họ và lời đe dọa từ phía giáo quyền Do Thái Giáo đối với họ.
Sau khi được phóng thích Phi-e-rơ và Giăng đã quay về với Hội Thánh. Các ông chia sẻ cho Hội Thánh kinh nghiệm đương đầu với những người bắt bớ các ông để khích lệ Hội Thánh không sợ hãi trong sứ mạng rao truyền danh Chúa. Hai ông cũng cần sự cầu nguyện, nâng đỡ, hỗ trợ của Hội Thánh cho chức vụ của mình.
Phần Kinh Thánh trên bày tỏ, tôi con Chúa cần đứng chung với nhau khi đối diện với những nan đề của cá nhân hay Hội Thánh. Hội Thánh bao gồm những người mạnh mẽ cũng như những người yếu đuối. Những người yếu đuối cần những người mạnh mẽ. Và người mạnh mẽ sẽ trở nên yếu đuối nếu họ không được người khác cầu nguyện cho họ. Chúng ta cần nhóm họp thường xuyên để hỗ trợ, giúp đỡ, thông công, cầu nguyện khích lệ nhau trong sự phục vụ Chúa.
"Sau khi được phóng thích, hai người quay về với anh em mình và thuật lại những lời các thượng tế và trưởng lão đã đe dọa họ" (câu 23). Chúng ta cần thuật lại những khó khăn, trở ngại trong đời sống của chúng ta cho nhau để hỗ trợ và giúp đỡ nhau. Những kinh nghiệm chúng ta học được khi đối phó với những nan đề thách thức trong đời sống của chúng ta sẽ giúp đỡ anh chị em chúng ta đang đối diện những hoàn cảnh khó khăn tương tự. Nếu bạn đã trải nghiệm những khó khăn thì bạn sẽ giúp được người khác!
Đến với người khác, những khó khăn bạn trải nghiệm giúp gì cho chính bạn, cho anh chị em trong Hội Thánh? Trong nhóm, trong Hội Thánh cuœa bạn ai là người cần đứng chung để cầu nguyện an uœi, nâng đỡ, khích lệ?
Xin Chúa giúp con biết đến với Hội Thánh, chia sẻ những nan đề của con để được cầu nguyện, và hỗ trợ tinh thần trong hoàn cảnh khó khăn.
(c) 2024 svtk.net