2 Ti-mô-thê 1:13-18
13 Hãy lấy lòng tin và yêu trong Đức Chúa Jêsus Christ mà giữ lấy mẫu mực của các sự dạy dỗ có ích, là sự con đã nhận lãnh nơi ta.
14 Hãy nhờ Đức Thánh Linh ngự trong chúng ta mà giữ lấy điều phó thác tốt lành.
15 Con biết rằng mọi người ở xứ A-si đã lìa bỏ ta; trong số ấy có Phy-ghen và Hẹt-mô-ghen.
16 Cầu xin Chúa thương xót lấy nhà Ô-nê-si-phô-rơ, vì người đòi phen yên ủi ta, chẳng hề lấy sự ta bị xiềng xích làm xấu hổ.
17 Lại còn, khi người vừa đến thành Rô-ma, đã vội vả kiếm ta, và kiếm được.
18 Xin chính mình Chúa cho người tìm thấy sự thương xót của Chúa trong ngày đó! Con lại biết hơn kẻ khác, người ở Ê-phê-sô đã hầu việc ta mọi đàng.
Ta bắt đầu với hai câu 13 và 14.
Cả câu 13 và 14 đều xoay quanh một chữ, đó là chữ GIỮ. Giữ là nhận, tin và tuân hành điều gì được dạy bảo cho đến cuối cùng. Ta hay nói: giấy rách phải giữ lấy lề. Điều mà Phao-lô dạy Ti-mô-thê phải giữ là mẫu mực , nguyên văn Hi-lạp là HUPOTUPOSIS, nghĩa là mẫu vẽ của một công trình kiến trúc. Tại đây là mẫu mực của các sự dạy dỗ có ích . Đạo Chúa có những nguyên tắc rường cột mà người tin Chúa phải nắm vững, như thế mới không nghi ngờ và bị các giáo lý sai lạc dụ hoặc. Khi nào nắm vững các nguyên tắc cơ bản này thì đời sống mới thành công về phương diện tâm linh được.
Ta nên lưu ý ở đây về cái gọi là Sự dạy dỗ có ích, có thể dịch là giáo lý tốt lành tức là những điều mạc khải về Chúa, về chương trình cứu chuộc của Ngài và về việc người tin Chúa được cứu rỗi và hạnh phúc vĩnh hằng trong Ngài.
Trong thế kỷ thứ nhất mà Phao-lô đã căn dặn Ti-mô-thê là phải giữ các giáo lý tốt lành này, có lẽ ông sợ rằng người đời sau có thể thêm bớt và làm sai lạc nguyên tắc của đạo. Phao-lô đã nhận những giáo lý này từ Chúa và truyền lại cho Ti-mô-thê. Ông muốn Ti-mô-thê trung thành trong việc ghi nhớ, tuân giữ, và huấn luyện người khác. Người tin Chúa sống trong dây chuyền huấn luyện này từ đời này sang đời kia.
Phao-lô còn nhấn mạnh là phải giữ các giáo lý lành mạnh ấy vằng lòng tin và yêu mến trong Chúa Giê-xu. Câu này có thể hiểu là phải thực hành đức tin và tình thương trong Chúa Giê-xu. Khi nào ta tin Chúa thì ta sẽ giữ mình trong niềm tin và thực hành đức thương yêu Chúa dạy. Đây là nói về quan điểm hay tầm nhìn của người tin Chúa. Muốn giữ được lời dạy của Chúa thì phải đặt tầm nhìn chú mục vào Chúa Giê-xu và sống với niềm tin đặt nơi Chúa, tha thiết yêu mến Chúa và sống đúng lời dạy. Cụ thể là lánh xa tội ác, chuyên tâm làm vinh danh Chúa và thương yêu mọi người qua nghĩa cử.
Từ mẫu mực trong câu này còn có ý khuyên Ti-mô-thê là cứ theo mẫu đó mà làm. Một trong những đặc tính của giáo dục là bắt chước. Bắt chước là học làm theo. Khi ta được dạy một kiến thức nào, ta cần nhìn thấy người huấn luyện hay vị thầy trình bày và thực hành kiến thức đó, rồi ta bắt chước làm theo cho được. Các bạn học nhạc, học hát hiểu rõ điểm này. Các môn học khác trong đời cũng vậy. Ta cần có mẫu mực và làm theo mẫu đó. Trong việc rao truyền lời Chúa cũng vậy. Chúng ta học từ những người kinh nghiệm sống đạo và truyền rao tin mừng. Có một khuôn mẫu từ nội dung cho đến hình thức dạy đạo mà người tin Chúa phải học. Phao-lô muốn Ti-mô-thê theo gương ông mà thực hành. Quan trọng ở đây không phải là hình thức, tức là cách nói năng, cử chỉ, nhưng là nội dung của tin mừng. Tin mừng phải trình bày như thế nào cho người nghe tiếp thu được và quyết định tin Chúa, đó là thành công của người truyền rao tin mừng.
Hợp nhất với Chúa Giê-xu là phương cách có hiệu quả để tin và sống như được dạy.
Dĩ nhiên nói như vậy vẫn là trên lý thuyết. Trong thực tế ta giữ đạo như thế nào? Nhất là trong hoàn cảnh nhiều khó khăn từ phía chống nghịch cho đến những cám dỗ trong đời?
Phao-lô dạy tiếp: Hãy nhờ Đức Thánh Linh ngự trong chúng ta mà giữ lấy điều phó thác tốt lành.
Câu này có hai điểm cần nói tới:
1. Đức Thánh Linh ngự trong chúng ta. Mỗi chúng ta khi tin Chúa, được tha tội và được Thánh Linh ngự vào cai quản tâm linh cho được bình an và sẵn sàng tiếp thu những lời dạy khác trong hành trình theo Chúa. Nhưng người rao truyền tin mừng còn được Thánh Linh bảo vệ và hướng dẫn những gì được học và khi trình bày cho người khác nghe và tin. Không có quyền năng Thánh Linh, không ai rao truyền tin mừng hiệu quả, mà cũng không ai tiếp thu được. Người phục vụ Chúa, dù trong cương vị nào, cần nhờ Thánh Linh để thu nhận kiến thức, nhờ Thánh Linh dạy bảo, hướng dẫn tư duy và trình bày vấn đề cho người khác. Ta nên nhớ rằng, không phải mình tin Chúa là cho chính mình được cứu, nhưng quan trọng là cho người khác được cứu nữa. Chính vì thế mà lúc nào ta cũng phải nhờ Thánh Linh hướng dẫn.
Nhờ Thánh Linh hướng dẫn, trên thực tế là bằng lòng nghe theo lời nhắc nhở, khuyên bảo, trách móc của Thánh Linh và bằng lòng sửa đổi.
2. Điều phó thác tốt lành. Trong câu này đó là sứ điệp tin mừng của Chúa Giê-xu mà ta nhận được. Ti-mô-thê được Phao-lô trao phó cho trách nhiệm truyền rao tin mừng. Trách vụ này rất khó, nhưng Phao-lô khuyên Ti-mô-thê là phải nhờ Thánh Linh thì mới có thể giữ chức vụ được. Nhiều người lãnh đạo con dân Chúa gặp trở ngại, muốn lui bước, trở về đời sống tín hữu bình thường hay bỏ Chúa. Nhưng lời khuyên của Phao-lô là phải nhờ Thánh Linh ngự trong ta mà giữ lấy điều đã được phó thác. Hãy hạ mình dưới tay quyền năng của Chúa, đến lúc thích hợp, Chúa sẽ cho chúng ta đứng lên.
Có lẽ bạn cho rằng những lời khuyên dạy trong hai câu này là dành cho người phục vụ Chúa mà thôi. Thật ra là cho tất cả mỗi chúng ta. Vì như đã nói ở trên, mỗi chúng ta là một nhân tố đưa người khác đến tin Chúa. Vì thế tất cả đều phải học Kinh Thánh, hiểu rõ Kinh Thánh, nói cho người khác biết về Chuá nhờ quyền năng của Thánh Linh.
Phần còn lại của chương 1 thứ Ti-mô-thê thứ hai, nói về hai nhóm người trong vùng hoạt động truyền giáo của Phao-lô.
A-si là vùng La-mã thống trị trong thế kỷ thứ nhất gồm: các tỉnh Mysia, Lydia, Caria, Phrygia và một số hải đảo. Nhiều người tin Chúa một thời gian rồi bỏ vì nhiều lý do. Có thể vì thấy Phao-lô bị tù hay các khó khăn họ gặp trong đời. Tin Chúa rồi bỏ cũng là chuyện bình thường, vì nhiều người tin Chúa nhưng cần có người hướng dẫn, chăn dắt bên mình luôn, khi vắng mặt những người lãnh đạo, có thể bỏ niềm tin. Nhưng những ai giữ tầm nhìn nơi Chúa, hết lòng tin Chúa và từng giây phút sống trung tín với Ngài, Chúa sẽ bảo vệ.
Hai người nêu tên trong câu 15 là Phy-ghen và Hẹt-mô-ghen đều không ai biết rõ, tuy nhiên có thể là hai người đứng đầu trong các anh em.
Câu 16 nêu lên tên Ô-nê-si-phô-rơ tương phản với những người lìa bỏ Phao-lô.
Phao-lô cầu Chúa thương xót những người trong gia đình Ô-nê-si-phô-rơ, có lẽ là muốn cho toàn gia đồng đạo và được Chúa thương dẫn dắt, cứu vớt. Vài đặc điểm về người tín hữu này là:
1. An ủi Phao-lô trong lúc ông bị tù và gặp khó khăn. Ông này chỉ là một tín hữu, nhưng Chúa dùng để nâng đỡ tinh thần Phao-lô trong những lúc bị sức ép của người đời làm cho khổ sở.
2. Không hổ thẹn vì Phao-lô ở tù. Thật ra người này chắc còn hãnh diện vì thấy người phục vụ Chúa chịu khổ vì Ngài.
3. Tận tình vì Phao-lô. Ông này rất quan tâm đến Phao-lô, nên tìm cho ra nơi Phao-lô bị giam giữ và đến thăm. Tính ân cần này rất cần trong Hội Thánh để những ai đang gặp khó khăn có sức mạnh t6am linh mà đứng vững.
4. Phục vụ Phao-lô nhiều phương diện. Ô-nê-si-phô-rơ là một người từng giúp Phao-lô trong nhiều lĩnh vực, chứng tỏ ông ta trung thành và hết lòng phục vụ. Tin Chúa và chứng tỏ đức tin qua hành động là điều mỗi chúng ta phải làm.
Bài học trong các âu cuối của chương 1 thư Ti-mô-thê thứ hai là:
Tin Chúa và sống đạo trung thành là hai việc khác nhau. Ta cần chứng nghiệm đức tin trong cuộc sống của mình đối với người khác và hoàn cảnh của mình sống.
Người phục vụ Chúa cần giữ đạo bằng cách sống hợp nhất với Chúa Giê-xu, hết lòng tin Chúa, yêu mến tha thiết và phục vụ chân thành.
Thánh Linh của Chúa sẽ giútp ta giữ vững không những niềm tin, nhưng cả nhiệm vụ được trao phó.