"Thưa anh chị em, khi gặp những thử thách khác nhau, anh chị em hãy xem tất cả là điều vui mừng" (câu 2).
Câu hỏi suy ngẫm: Trong câu 2 có mạng lệnh nào? Tại sao và làm thế nào để chúng ta có thể "xem tất cả những khó khăn thử thách khác nhau là điều vui mừng"? Hãy nhớ lại một khó khăn gần đây nhất bạn phải đối phó. Bạn nghĩ thế nào về khó khăn đó? Bạn phản ứng thế nào? Tức giận? Thất vọng? Suy sụp tinh thần?
Thái độ đối với sự hoạn nạn sẽ quyết định kết quả kinh nghiệm khổ đau của chúng ta. Khi đối diện với một nan đề trong đời sống, bạn có thể hỏi "Tại sao?" "Tại sao con tin Chúa mà Ngài lại để con phải chịu những khó khăn này?" hay "Chúa cho phép khó khăn này xảy ra cho con vì mục đích gì?" Hay bạn trở nên cay đắng và đổ lỗi cho Đức Chúa Trời?
"Thưa anh chị em, khi gặp những thử thách khác nhau, anh chị em hãy xem tất cả là điều vui mừng" (câu 2). Chữ "hãy xem" hay "kể như" trong câu 2 có nghĩa là "tính" hay "đánh giá." Ở đây Gia-cơ đang nói về thái độ phải có đối với những thử thách trong đời sống nếu chúng ta muốn hưởng những lợi ích của kinh nghiệm này. Xem tất cả khó khăn thử thách là điều vui mừng đó là đáp ứng tích cực của người khôn ngoan, và có hiểu biết trước nghịch cảnh.
Gia-cơ không nói những khó khăn thử thách là niềm vui cho chúng ta, nhưng ông nói người tin Chúa nên coi nó như một niềm vui. Gia-cơ không nói người tin Chúa nên vui về những thử thách của mình, nhưng vui trong những sự thử thách đó. Ông kêu gọi chúng ta không nên chịu đựng khổ đau cách tiêu cực, nhưng hãy học từ kinh nghiệm này Chúa dạy mình điều gì.
Trong quyển "Where Is God When It Hurts?" Philip Yancey viết, "...‘vui mừng trong hoạn nạn’ không có nghĩa là người tin Chúa phải làm mặt vui về sự đau khổ của mình khi trong lòng họ cảm thấy muốn khóc. Quan điểm đó bóp méo sự chân thật và sự thể hiện chân thật cảm xúc của mình. Cơ Đốc giáo không lừa dối. Chân lý Kinh Thánh rọi vào kết quả cuối cùng. Đức Chúa Trời sử dụng sự đau khổ chúng ta trải qua để mang đến một kết quả tốt đẹp cho đời sống chúng ta. Tuy nhiên, trước khi đem lại kết quả đó, Ngài cần chúng ta cam kết tin cậy nơi Ngài, và tiến trình của sự cam kết này được xem như là vui mừng."
Điều này có thể minh họa qua hình ảnh một sinh viên phải thức khuya, dậy sớm, khó nhọc nhiều năm ở đại học. Thái độ của một sinh viên hiểu biết là coi những khó khăn này như là điều vui mừng vì anh biết được kết quả sau những thử thách này là gì.
Gia-cơ bảo chúng ta hãy kể thưœ thách là một niềm vui và hãy để cho cách suy nghĩ này điều khiển tâm trí và hành động cuœa chúng ta. Coi thử thách là điều vui mừng làm biến đổi tâm trí chúng ta và lèo lái cái nhìn của chúng ta về mọi nan đề chúng ta đối diện. Đây không chỉ là một mạng lịnh cho người tin Chúa làm theo, nhưng là một hành động chúng ta lựa chọn, vì không ai có thể làm điều đó cho chúng ta. Vui trong những nan đề không phải là một đề nghị, nhưng là một mạng lịnh đòi hỏi chúng ta đáp ứng với sự hiểu biết. Thái độ của chúng ta trong sự hoạn nạn, thử thách sẽ quyết định kết quả của kinh nghiệm này.
Bạn thường có thái độ nào trong hoạn nạn, thưœ thách? Làm sao để bạn "coi" thưœ thách, hoạn nạn là điều vui mừng?
Xin Chúa giúp con hiểu biết kết quả tốt đẹp Chúa sẽ ban cho sau những kinh nghiệm khó khăn để con luôn có thái độ lạc quan, vui mừng trong mọi thử thách.
(c) 2024 svtk.net