"Vì biết rằng đức tin anh chị em có bị thử nghiệm mới sinh ra kiên nhẫn, kiên nhẫn có hoàn tất công việc thì anh chị em mới trưởng thành, toàn vẹn, không thiếu sót gì" (câu 3-4).
Câu hỏi suy ngẫm: Theo Gia-cơ, Đức Chúa Trời có mục đích gì cho những hoạn nạn của chúng ta? Sự hiểu biết mục đích của Chúa giúp ích thế nào khi chúng ta phải đương đầu với những nan đề của đời sống? Bạn có kinh nghiệm sự trưởng thành qua hoạn nạn chưa? Như thế nào?
Theo Gia-cơ, chịu đựng những thử thách sinh ra một số đức tính trong đời sống người chịu thử thách. Trước hết, chúng ta trở nên kiên nhẫn để trở nên người "trưởng thành" về phương diện thuộc linh. Thứ hai, chúng ta trở nên "toàn vẹn," phát triển đầy đủ trong kinh nghiệm theo Chúa của mình. Thứ ba, chúng ta "không thiếu sót gì," có nghĩa là Đức Chúa Trời sẽ chu cấp mọi nhu cầu để chúng ta luôn vâng phục trong đời sống đức tin.
Cùng quan điểm đó Sứ đồ Phi-e-rơ nói về niềm vui của người Cơ Đốc chịu khổ khi biết mục đích sự đau khổ của mình trong thư I Phi-e-rơ 1:6-9: "Hãy vui mừng về việc này, mặc dù hiện nay anh chị em phải đau buồn vì bị thử thách nhiều bề trong ít lâu. Mục đích là để chứng tỏ đức tin anh chị em quý hơn vàng, là vật có thể bị hủy diệt được thử trong lửa, để nhờ đó anh chị em được ngợi khen, vinh quang và tôn trọng khi Chúa Cứu Thế Giê-xu hiện đến. Anh chị em yêu kính Ngài, mặc dù không thấy Ngài, anh chị em tin Ngài dù hiện tại không thấy Ngài, nên anh chị em được tràn đầy niềm vui khôn tả và vinh quang rực rỡ, vì anh chị em nhận được mục đích đức tin là sự cứu rỗi linh hồn anh chị em" (BDM).
Một Cơ Đốc nhân không phải là Cơ Đốc nhân trừ khi đức tin của người đó được trắc nghiệm và minh chứng. Chúng ta không thích bị trắc nghiệm, dù ở trường học. Trắc nghiệm là một ý tưởng hoàn toàn tiêu cực trong đầu óc chúng ta.
Chữ "thử thách" trong phân đoạn Kinh Thánh này không chỉ nói về những thử thách bên ngoài, như mất việc, hay một người thân trong gia đình qua đời, nhưng cũng nói về những thử thách nội tâm. Những nan đề có thể bắt đầu ở bên ngoài, nhưng không lâu sau sẽ vào nội tâm và đó là điều làm cho chúng trở nên một thử thách.
Sứ đồ Phao-lô nói về lợi ích của mọi kinh nghiệm của người tin theo Chúa: " Vả, chúng ta biết rằng mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời, tức là cho kẻ được gọi theo ý muốn Ngài đã định" (Rô-ma 8:28). Như thế, chúng ta biết rằng những thử thách có mục đích đổi khác thái độ của chúng ta đối với nghịch cảnh mà chúng ta trải qua. Đức Chúa Trời không bỏ chúng ta dù chúng ta "cảm thấy" thế nào, Ngài sẽ làm thành mục đích của Ngài cho cuộc đời chúng ta.
Khi đối diện với hoạn nạn, bạn nhìn sự việc đó với cái nhìn tích cực thế nào? Cái nhìn tích cực đó giúp ích gì cho đời sống bạn? Giúp gì cho những người thân đang sống quanh bạn?
Cám ơn Chúa là Đấng "hiệp lại mọi sự làm ích lợi cho người tin kính Chúa," xin giúp con biết Ngài có mục đích tốt đẹp cho những nan đề con đối diện để con luôn có thái độ vui mừng trong hoàn cảnh này.
(c) 2024 svtk.net