2 Ti-mô-thê 2:1-2
1 Vậy, hỡi con, hãy cậy ân điển trong Đức Chúa Jêsus Christ mà làm cho mình mạnh mẽ. 2 Những điều con đã nghe nơi ta ở trước mặt nhiều người chứng, hãy giao phó cho mấy người trung thành, cũng có tài dạy dỗ kẻ khác.
Đây là những lời khuyên dành cho cá nhân Ti-mô-thê, nhà truyền đạo trẻ tuổi trong thế kỷ thứ nhất, nhưng cũng hữu ích cho mỗi chúng ta khi đọc những lời này.
Phao-lô gọi Ti-mô-thê là con, như cha ruột nói chuyện với đứa con trai quản trị cơ nghiệp của cha để lại hay nối nghiệp cha.
Phao-lô trong hai lá thư gửi cho Ti-mô-thê có nhắc đến sức khỏe của Ti-mô-thê vài lần. Một lần nói rõ là cơ quan tiêu hóa của Ti-mô-thê không được tốt. Lần khác khuyên Ti-mô-thê đừng nhút nhát, trong câu này bảo Ti-mô-thê là phải làm cho mình được mạnh lên, mặc dù mạnh ở đây không nhất thiết là về thể chất.
Làm cho mình mạnh mẽ trong tâm hồn và tinh thần. Đây là điều ai cũng cần. Vì thân xác cần bồi dưỡng cho có sức khỏe, thì tâm hồn và tinh thần cũng cần những thức ăn chuyên biệt làm cho khang kiện.
Người tin Chúa được dạy là phải đọc Kinh Thánh, cầu nguyện và suy niệm về Chúa hằng ngày, đó cũng là cách bồi dưỡng tâm linh. Dĩ nhiên không phải là việc đọc kinh hay xem lễ, nhưng là thực sự để thì giờ nghĩ về Chúa, về mình và những người cần đến Chúa để giải quyết các nan đề trong đời sống. Cầu nguyện và cầu thay là những việc nên làm thường ngày.
Tuy nhiên ở đây Phao-lô dạy Ti-mô-thê là cậy nhờ ân điển trong Chúa Giê-xu mà làm cho mình mạnh mẻ Ân điển đây là ân huệ tha thứ, là tình thương của Chúa, đức nhân từ thương xót của Ngài, nhưng còn là năng lực, sức mạnh của Chúa nữa.
Làm thế nào nhờ ân điển của Chúa được? Đây là lúc giờ tĩnh tâm trở thành quan trọng. Ta thường bận rộn quá nhiều công việc, đến nỗi có khi chẳng còn thì giờ cầu nguyện với Chúa nữa. Thế rồi ta lâm bệnh hay mất việc. Lúc ấy mới thấy có thì giờ cầu nguyện. Chính vì thế mà đời sống tâm linh ta sa sút. Một người không chịu tập thể dục, khi đột xuất phải dùng đến sức mạnh, sẽ không chịu nổi hay sẽ bị mệt mỏi nhanh chóng. Nhưng nếu mỗi ngày ta luyện tập thân thể, đi bộ hay làm việc gì đó thường xuyên. Tay chân sẽ mạnh mẽ dẻo dai và sẵn sàng ứng phó cho mọi hoàn cảnh.
Người tin Chúa cũng vậy. Đời tâm linh khi bị bỏ bê, không bồi dưỡng, sẽ yếu nhược không thể nào ứng phó với hoàn cảnh, dù cho trở lực không mấy nặng nề.
Nhờ cậy ân điển Chúa còn có nghĩa là không nhờ cậy sức của mình. Tức là không tự phụ, tự mãn, nhưng lúc nào cũng khiêm nhường hạ mình và xin Chúa hướng dẫn. Lý do là ta không thể nào biết trước mọi khó khăn trong đời.
Ân điển Chúa không những là sức mạnh, nhưng còn là khôn ngoan, sáng suốt, nhận định và quyết định nữa. Cậy nhờ ân điển Chúa thì sẽ có tâm hồn an tịnh, có thể suy xét, cân nhắc, phán đoán chính xác và quyết định đúng. Nhờ thế, khi hành động sẽ không bị sai lạc.
Tại đây Phao-lô không nói là cậy nhờ ân điển của Chúa Giê-xu để được an tâm hay an tĩnh. Nhưng để được mạnh mẽ. Hàm ý là nhờ ân điển Chúa để hành động. Hành động đây có thể là làm việc, tổ chức, giảng truyền Phúc Âm hay thăm viếng khuyên dạy hoặc nói về Chúa cho người chưa biết.
Người muốn làm công việc của Chúa, thì phải nhờ ân điển Chúa mà làm, nếu không sẽ thất bại. Chúa Giê-xu từng nói rằng: Vì ngoài ta các con chẳng làm chi được
Chúng ta hãy tập sống trong Chúa và trong ân điển của Ngài để có sức mạnh vào đời sống và ứng xử theo Chúa hướng dẫn.
Câu thứ hai ghi: Những điều con đã nghe nơi ta ở trước mặt nhiều người chứng, hãy giao phó cho mấy người trung thành, cũng có tài dạy dỗ kẻ khác.
Điều Phao-lô muốn Ti-mô-thê cậy nhờ ân điển của Chúa Giê-xu mà làm là giao phó trách nhiệm dạy đạo Chúa cho những người có khả năng.
Trước đó Phao-lô nói về những điều Ti-mô-thê đã nghe nơi Phao-lô trước mặt nhiều người chứng. Đây là những lẽ đạo căn bản về Chúa Giê-xu và công cuộc cứu chuộc nhân loại của Ngài.
Đạo Chúa bắt đầu ở việc nghe. Ti-mô-thê đã được nghe Phao-lô nói cặn kẽ về đạo Chúa và sau đó tin nhận Ngài. Nhân chứng trong việc Ti-mô-thê nghe lời Chúa có thể là những người có mặt khi Phao-lô truyền chức chăn bầy cho Ti-mô-thê. Nghĩa là Ti-mô-thê nghe sứ điệp rõ ràng và bằng lòng làm người truyền rao sứ điệp ấy cho người chưa nghe.
Mệnh lệnh Phao-lô truyền cho Ti-mô-thê là trao phó sứ điệp về tin mừng cứu rỗi của Chúa Giê-xu cho một số người khác. Đây không phải là việc phổ biến tin mừng, nhưng là việc truyền chức rao giảng lời Chúa.
Phao-lô vạch ra vài đức tính cơ bản của những người truyền đạo là:
1. Trung thành. Trung thành là làm đúng những gì đã hứa làm, không bỏ cuộc và làm cho đến cuối cùng. Chúa không ưa dùng những người hay thay đổi, nhưng luôn luôn dùng những người trung tín và trung thành với niềm tin và nhiệm vụ.
2. Đặc điểm thứ hai của người truyền đạo là có tài dạy kẻ khác. Truyền đạo khác với làm chứng đạo. Truyền đạo phải biết phương pháp trình bày vấn đề, phải quan tâm nhiều về thính giả hay đối tượng của mình. Truyền đạo cần thần đạo học và kiến thức đầy đủ về Kinh Thánh, nhưng cũng cần thật sự sống đạo và rất am tường về những gì chưá đựng trong xứ điệp. Trong khi ấy, người làm việc chứng đạo chỉ cần nói cho người khác biết kinh nghiệm gặp Chúa của mình. Không cần giảng một bài đầy đủ, nhưng chỉ là nói chuyện, đối thoại và để cho đối tượng có dịp căn vặn, hỏi han.
Đây là những điều Phao-lô căn dặn Ti-mô-thê trong việc chọn người truyền đạo.
Dĩ nhiên, nhưng ai chưa học tính trung thành, không có tài dạy và trình bày vấn đề một cách minh bạch, không nên nhận công việc truyền đạo.
Tóm lại, bài học trong hai câu chúng ta phân tích hôm nay
1. Mỗi người tin Chúa cần sung sức để sống cho Chúa trong trần gian này chứ không phải chỉ tin Chúa và chờ đợi ngày gặp mặt Chúa mà thôi. Muốn được khang kiện trong tâm linh để đối diện với mọi khó khăn trong đời người và đứng vững trong niềm tin, ta phải hoàn toàn nhờ vào sức toàn năng của Chúa tức là ân điển của Ngài. Muốn vậy, ta phải dành nhiều thì giờ gặp gỡ, chiêm nghiệm Chúa và học hỏi từ nơi Ngài, sau đó cầu nguyện và trao đổi cùng Chúa. Cầu nguyện là phương cách cho ta tiếp xúc với Chúa và được tiếp sức từ quyền năng Ngài.
2. Ta nên phân biệt rõ công việc của người làm chứng đạo và người truyền đạo. Một đằng nói cho người khác biết những gì Chúa đã thực hiện trong việc thay đổi đời mình. Đằng kia đứng lên giảng giải Kinh Thánh với các kiến thức về thần học. Người muốn làm truyền đạo, phải trung thành và có tài huấn luyện và đào tạo.