“Vậy, ta càng phải lưu ý hơn nữa đến những điều đã nghe, để khỏi bị trôi giạt” (câu 1 BDM).
Câu hỏi suy ngẫm: Trôi giạt thuộc linh là gì? Nguyên nhân nào đưa đến trôi giạt? Bài học Kinh Thánh hôm nay dạy chúng ta phải làm gì để khỏi bị trôi giạt? Hậu quả của sự trôi giạt là gì?
Một con thuyền không neo chặt vào bến cảng nó sẽ trôi đi. Nếu chúng ta không neo trong Lời Chúa thì sẽ trôi khỏi mối liên hệ với Ngài. Con thuyền đứt neo có thể từ từ trôi giạt khỏi bến mà chủ nó không nhận biết. Cũng vậy tín hữu bị trôi giạt không thấy rõ mình đang xa Chúa. Sự sa sút thuộc linh thường xảy ra từ từ khiến chúng ta không thấy sự nghiêm trọng của sự suy sụp trong mối liên hệ với Chúa.
việc con tàu bị trôi giạt khi đang di chuyển vì máy tàu bị hỏng, người lái tàu không thể điều khiển con tàu tiến về mục tiêu. Sự trôi giạt thứ nhất là hình ảnh đời sống của tín hữu không ở trong Chúa, không neo chặt vào Lời của Ngài. Sự trôi giạt thứ hai là hình ảnh đời sống một người tin Chúa đánh mất sức sống của Chúa, thiếu sự quan tâm chăm sóc cho nhu cầu thuộc linh.
Sự trôi giạt thuộc linh thường xảy ra khi chúng ta sống ngoài ý muốn của Đức Chúa Trời. Những điều chúng ta lựa chọn hằng ngày có thể dẫn đến tình trạng: Thứ nhất, bỏ qua sự cầu nguyện, đọc Kinh Thánh, thờ phượng Chúa sẽ ảnh hưởng đến sự bước theo Chúa của chúng ta. Thứ hai, những mục tiêu của đời sống chúng ta không đi đôi với những nguyên tắc Kinh Thánh, chúng ta sẽ dễ dàng bị lôi cuốn bởi quyền thế, chủ nghĩa vật chất, sống vị kỷ, hay theo giá trị thế gian. Thứ ba, tiếp tục sống trong tội lỗi sẽ đẩy chúng ta xa khỏi Đức Chúa Trời. Thứ tư, lẫn lộn trong niềm tin khiến chúng ta ngã lòng, nghi ngờ, và rời xa Chúa.
Một số người tin Chúa bắt đầu đi với Chúa mạnh mẽ, nhưng rồi họ trôi dạt xa Chúa và mục đích của Ngài, vì họ không còn sức mạnh thuộc linh đẩy họ đi tới. Tác giả thư Hê-bơ-rơ cảnh báo chúng ta phải chú tâm đến Lời Chúa và đừng coi thường ân sủng lớn lao Chúa đã ban cho mình. Sự cứu rỗi xảy ra ở thời điểm một người xác nhận niềm tin của mình nơi Chúa Giê-xu, tuy nhiên nó không chỉ là quyết định một lần là xong. Thường xuyên cầu nguyện, đọc Kinh Thánh, thờ phượng, dâng hiến, chia sẻ niềm tin là những hoạt động giúp người tin Chúa tăng trưởng sức mạnh thuộc linh, giữ chúng ta không bị trôi giạt.
Nếu đọc Kinh Thánh ít hơn bạn thường đọc trước đây; bạn không cầu nguyện như bạn thường cầu nguyện; có thể bạn thường quỳ gối và dốc đổ lòng mình ra với Chúa, nhưng giờ đây không có thì giờ nữa. Và cuối ngày, bạn ngã xuống giường mệt đuối. Nếu sự việc thật đã xấu đi, có thể bạn đã không còn dâng phần mười hay đi nhà thờ nữa. Thế giới thuộc linh dường như không còn thực hữu đối với bạn nữa. Bạn không cảm thấy sự hiện diện của Chúa như bạn đã từng kinh nghiệm trước đây.
Nếu thấy mình có tâm trạng trên, bạn cần biết: Được cứu không chỉ liên hệ đến một thời điểm, nhưng là sự thánh hóa từng ngày. Khi chúng ta tiếp nhận Chúa, Thánh Linh ấn chứng chúng ta mãi mãi là con của Chúa, nhưng sự nên thánh không chỉ là xưng tội hay một lần ăn năn là xong. Nên thánh là một tiến trình, một kinh nghiệm thanh tẩy kéo dài cả cuộc đời chúng ta. Đó là lý do Sứ đồ Phao-lô nói, “Hãy lấy lòng kính sợ và run rẩy mà hành động để hoàn thành sự cứu rỗi mình” (Phi-líp 2:12).
Bạn đang đi thế nào trên linh trình của mình? Bạn cần làm gì để tiến bước? Có ai trôi giạt cần bạn giúp không? Bạn giúp cách nào?
Chúa ôi, xin giúp con luôn gắn bó với Ngài để con thuyền đời sống con tiếp tục được sức mạnh đi tới theo lộ trình Ngài đã chỉ định. Xin giúp con luôn làm những điều Ngài chỉ dạy để đời sống con không bị trôi giạt.
(c) 2024 svtk.net