Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 5

Lắng Nghe Lời Chúa

Nê-hê-mi 8:1-8

“Phước cho kẻ đọc cùng những kẻ nghe lời tiên tri này, và giữ theo điều đã viết ra đây. Vì thì giờ đã gần rồi (Khải Thị 1:3).

Câu hỏi suy ngẫm: Tại sao người Ít-ra-ên muốn nghe đọc sách luật pháp? Lòng tôn kính Lời Chúa của họ đã thể hiện thế nào? Việc nghe và hiểu Lời Chúa đem lại những phước hạnh nào cho chúng ta? Bạn thực hiện việc lắng nghe và học hỏi Lời Chúa như thế nào?

Văn hào người Pháp, Victor Hugo, vào thế kỷ 19 đã từng nói: Nước Anh có hai loại sách: Kinh Thánh và sách của Shakespeare. Nước Anh đã tạo nên Shakespeare nhưng Kinh Thánh đã tạo nên nước Anh. Victor Hugo muốn nói đến quyền năng sáng tạo của Lời Chúa. Trong Khải Thị, Chúa đã hứa ban phước cho những người đọc và người nghe Lời Ngài.

Trong phân đoạn Kinh Thánh này việc xây dựng đền thờ đã hoàn tất và người Ít-ra-ên bắt đầu xây dựng gia đình cá nhân của họ. Vào tháng bảy, tức đầu năm mới của người Ít-ra-ên, dân chúng làm một việc rất phải lẽ: Tụ họp để nghe Lời Đức Chúa Trời. Họ tụ họp tại Cửa Nước, dọn mình tinh sạch, và mời E-xơ-ra là thầy thông giáo đến, đọc Lời Chúa. Tại đây dân chúng bày tỏ lòng tôn kính đối với Lời Chúa.

Lòng tôn kính Lời Chúa thể hiện qua sự tham dự đông đủ (8:1): Dân chúng nhóm họp đông đủ tại công trường để cùng nghe Lời Chúa trong ngày đầu năm. Khi chúng ta trung tín thờ phượng Chúa tại nhà thờ hay một điểm nhóm, nơi mà Lời Chúa được rao giảng, chúng ta bày tỏ lòng tôn kính Lời Chúa. Chúng ta muốn nói rằng nghe Lời Chúa là việc ưu tiên, những việc khác là thứ yếu.

Lòng tôn kính Lời Chúa thể hiện qua việc chú ý lắng nghe (8:3): Mỗi ngày họ nghe đọc Lời Chúa khoảng 6 tiếng đồng hồ, kéo dài suốt một tuần lễ. Đây là cơ hội Đức Chúa Trời truyền lại luật pháp của Ngài cho họ. Trong tinh thần hiệp một “như thể một người,” họ đứng dậy để bày tỏ lòng tôn kính khi nghe Lời Chúa. Khi chúng ta nghe đọc Lời Chúa trong nhà thờ, chúng ta cần chú ý lắng nghe, đừng để bị phân tâm bởi những vấn đề của đời sống, để bày tỏ lòng tôn kính Lời Chúa.

Lòng tôn kính Lời Chúa thể hiện qua việc khao khát tìm hiểu Lời Chúa (8:4-8). Khi Lời Chúa được đọc lên, họ bày tỏ thái độ tiếp nhận bằng cách giơ tay lên và nói “A-men” rồi cúi đầu sấp mặt xuống đất. Chẳng những lắng nghe và tiếp nhận, họ cũng khao khát muốn hiểu Lời Chúa nên cứ đứng để nghe giải nghĩa suốt trong nhiều tiếng đồng hồ. Nê-hê-mi đã có sẵn những giáo sư để giải thích Lời Chúa cho dân chúng hiểu.

Cần phải nghe và hiểu Lời Chúa. Trong Công Vụ 8:30-32 ghi lại việc chấp sự Phi-líp trên đường từ Giê-ru-sa-lem xuống thành Ga-xa, gặp một quan chức Ê-thi-ô-bi ngồi trên xe đang đọc sách Tiên tri Ê-sai. Phi-líp hỏi: Ông hiểu lời mình đọc đó chăng? Viên quan này trả lời: Nếu chẳng ai dạy cho tôi, thể nào tôi hiểu được? Nhân cơ hội đó, Phi-líp cắt nghĩa Lời Chúa rõ ràng để viên quan này hiểu được.

Trong các buổi thờ phượng của Hội Thánh, chúng ta được nghe giảng dạy Lời Chúa. Tuy nhiên, việc nghe giảng mỗi ngày Chúa Nhật không đủ. Chúng ta cần đọc và suy ngẫm Lời Chúa mỗi ngày để càng ngày càng thấm nhuần Lời Chúa. Chúng ta cũng cần tham gia các nhóm học Kinh Thánh, các lớp Trường Chúa Nhật để học biết Lời Chúa nhiều hơn. Lời Chúa là thức ăn nuôi đời sống tâm linh chúng ta. Lời Chúa cần được hiểu, thấm nhuần cũng như thức ăn cần được tiêu hóa để đời sống thuộc linh của chúng ta được lớn lên và mạnh mẽ.

Làm sao để Lời Chúa thấm nhuần trong đời sống của bạn? Cách nào bạn giúp người khác đến với Lời Chúa, khao khát Lời Chúa?

Xin Chúa giúp con giữ kỷ luật trong việc đọc, nghe và tìm hiểu Lời Chúa để nhờ đó đức tin của con ngày càng tăng trưởng.

(c) 2024 svtk.net