1 Tê-sa-lô-ni-ca 1:1-4
1. Phao-lô, Sin-vanh và Ti-mô-thê gởi cho Hội-thánh ở thành Tê-sa-lô-ni-ca, Hội trong Đức Chúa Trời, là Cha, và trong Đức Chúa Jêsus Christ, Chúa chúng ta: nguyền xin ân điển và sự bình an ban cho anh em!
2 . Chúng tôi hằng vì anh em tạ ơn Đức Chúa Trời, thường nhắc đến anh em trong khi cầu nguyện;
3 vì trước mặt Đức Chúa Trời, là Cha, chúng tôi nhớ mãi về công việc của đức tin anh em, công lao của lòng yêu thương anh em, sự bền đổ về sự trông cậy của anh em trong Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta;
4 hỡi anh em được Đức Chúa Trời yêu dấu, chúng tôi biết anh em là kẻ được lựa chọn.
Lá thư thứ nhất gởi cho tín hữu tại Tê-sa-lô-ni-ca có lẽ là thư tín đầu tiên của Phao-lô, dù có người cho rằng thư gửi cho Ga-la-ti viết trước. Dù sao lá thư này cũng trong số các thư tín đầu tiên Phao-lô gởi ra cho các cộng đoàn dân Chúa trong thế kỷ thứ nhất. Quan trọng hơn cả đây là một mặc khải có giá trị của Chúa cho dân Ngài.
Chúng ta cần một số tư liệu cơ bản để có thể hiểu và chiêm nghiệm những gì lá thư này mặc khải. Trong Công Vụ Các Sứ Đồ chương 6 có ghi việc Chúa đưa dẫn Phao-lô đến thành Trô-ách. Tại đó ông thấy một dị tượng, trong đó một người đứng trên đất Ma-xê-đoan kêu lên rằng, "Xin mời ông hãy sang đây, giúp chúng tôi với!" Chúa đã phán bảo Phao-lô trong giấc mơ này, và vị sứ đồ ấy đã vâng lời, rời Trô-ách sang Ma-xê-đoan.
Phao-lô đến thành Phi-líp là nơi mà chức vụ của ông theo con mắt loài người là không thành công lắm. Đúng ra, ông và Si-la bị bắt, bị đánh đập và bị giam vào tù. Trong khi họ còn bị xiềng chân thì một trận động đất lớn xẩy ra. Xiềng xích rời ra cả, họ có thể trốn thóat dễ dàng, nhưng họ không làm như thế và việc từ chối rời nhà tù đã khiến cho người cai tù xin được giải cứu. Phao-lô tuyên bố: Hãy tin Chúa Giê-xu thì anh và cả nhà sẽ được cứu."(Công Vụ 16:31). Sau cuộc tin Chúa của người cai tù thành Phi-líp, Phao-lô và Si-la vội vã ra khỏi thành này.
Hai ông đi ngang qua vùng A-pô-lô-nia và Am-phi-pô-lit, nhưng Kinh Thánh không nói gì về việc các ông truyền giảng Phúc Âm tại hai nơi ấy. Sau đó hai ông đến thành Tê-sa-lô-ni-ca, là một trong cac thành phố quan trọng nhất tại Ma-xê-đoan. Chạy dọc thành phố này là con đường Ê-nha-ti, một trục giao thông quan trọng thời đó, nối liền đông tây. Tê-sa-lô-ni-ca trở thành một trong những thành phố ý nghĩa nhất cho công cuộc phổ truyền Phúc âm. Nếu một hội thánh được thành lập tại đó, sứ điệp có thể tung rải sang miền đông hay miền tây, đến tận La-mã nữa. Sự việc đã xẩy ra đúng như vậy.
Tại Tê-sa-lô-ni-ca sứ đồ Phao-lô kinh nghiệm vừa thành công lại vừa cuộc chống đối dữ dội.. Theo thông lệ, ông lên nhà hội Do thái giáo và thuyết trình về Chúa Giê-xu liên tiếp trong ba ngày Sa-bát. Có người cho rằng đó là toàn thời gian ông ở lại tại vùng này. Cũng có thể là lâu hơn, nhưng lâu lắm là vài tháng mà thôi.
Dù sao chăng nữa thì Phao-lô bị chống đối mạnh tại Tê-sa-lô-ni-ca. Người ta bố ráp nhà Gia-sôn để tìm Phao-lô và Si-la nhưng hai ông đã đi khỏi đó. Như vậy là Phao-lô đã truyền giảng Phúc âm trong một thành phố có ý nghĩa nhất thuộc xứ Ma-xê-đoan chỉ trong mọt thời gian ngắn. Ông tiếp tục đi A-thên và rồi Cô-rinh.
Ông đã bị người ta đuổi ra trong cả ba thành phố viếng thăm, những người chống đối vẫn chưa tha, còn theo chân ông để cổ võ chống đối trong các thành phố khác. Tại A-thên ông không bị đuổi ra khỏi thành phố, chỉ bị châm biếm. Nhưng như thế còn tệ hơn bị công khai chống đối.
Khi ở Cô-rinh, ông chán nản và nhiều ưu tư. Ông không rõ những người tại Tê-sa-lô-ni-ca có còn đứng vững không. Báo cáo cho biết rằng các anh em tại Tê-sa-lô-ni-ca rất vững vàng, họ quý mến ông và lo lắng cho ông. Họ mong ông sớm trở lại cùng họ, vì họ thật sự đang phải đối đầu với bách hại và chống đối. Báo cáo ấy làm cho Phao-lô rất vui mừng.
Nhưng tại Tê-sa-lô-ni-ca cũng có những nan đề nữa. Thứ nhất là nhưng người này lẫn lộn về giáo lý tái lâm của Chúa Giê-xu. Một số người cho rằng việc tái lâm gần tới, nên họ không cần phải làm việc gì cả nữa. Họ nhất định bỏ việc, để cho người khác nuôi ăn cho đến khi Chúa tái lâm và đưa họ vào vinh quang với Chúa. Vì thế nên mới có câu, "Kẻ nào không làm việc thì không nên ăn." ( 2Tê-sa-lô-ni-ca 3:10).
Trong hội thánh Tê-sa-lô-ni-ca lại cũng có những người nghĩ rằng, những người đã chết là mất dịp đón Chúa tái lâm. Họ hỏi: "Như vậy số phận của những người đã chết rồi thì sao? Liệu rằng họ có bị mất dịp vào nước Chúa hay chăng?" Vì thế nên ta có thể hiểu tại sao Phao-lô viết: "Vả, nầy là điều chúng tôi nhờ lời Chúa mà rao bảo cho anh em: chúng ta là kẻ sống, còn ở lại cho đến kỳ Chúa đến, thì không lên trước những người đã ngủ rồi.
Vì sẽ có tiếng kêu lớn và tiếng của thiên sứ lớn cùng tiếng kèn của Đức Chúa Trời, thì chính mình Chúa ở trên trời giáng xuống; bấy giờ những kẻ chết trong Đấng Christ, sẽ sống lại trước hết."
Tại Tê-sa-lô-ni-ca lại còn có những người nói xấu Phao-lô, bảo rằng ông là kẻ vô tình không quan tâm gì đến ai cả. Chính vì thế mà trong các lá thư gởi cho họ, Phao-lô thường nói đến tình thương, đến quan tâm của ông đối với họ. Lại vì có nhiều chia rẽ trong hội thánh, nên Phao-lô lại phải khuyên họ phải hợp nhất trong hội thánh.
Một nan đề khác của Tê-sa-lô-ni-ca là nhiều người tin Chúa nhưng có thể bị sa sút, trở lại sống trong lối sống vô luân của dân ngoại giáo. Đây là những tân tín hữu và khi gặp các ngườilãnh đạo trong HT không mấy khôn khéo. Phao-lô phải khuyên họ là nên tôn trọng những người hướng dẫn tâm linh của họ.
Lá thư Tê-sa-lô-ni-ca thứ nhất là lá thư vui. Lá thư đầy thương yêu gởi cho một nhóm người mới tin nhận Chúa, khuyến khích họ sống trung tín giữa những bách hại và chống đối. Đây là những điều mặc khải của Chúa cho sứ đồ của Ngài để truyền lại cho những người mới tin Chúa.
Qua bốn câu đầu tiên của lá thư này chúng ta thấy mẫu viết thư thời đó là xác nhận rõ ai là người viết thư, và ai là người nhận thư. Sau đó là lời chào hỏi và lời chúc. Thông thường lời chào hỏi này còn có những ước ao là Chúa sẽ đoái thương đến người nhận thư.
Đây là lá thư theo đúng tiêu chuẩn của Phao-lô. Trước tiên ông xác nhận ông và hai người bạn. Sin-vanh còn gọi là Si-la theo cách gọi của người nói tiếng Hi-lạp, theo Lu-ca trong Công Vụ các Sứ Đồ. Người thứ hai cùng viết thư với Phao-lô là Ti-mô-thê, là người ông hay đề cập đến trong các thư của ông.
Chỗ Đứng của Hội Thánh
Phao-lô viết thư này cho HT tại Tê-sa-lô-ni-ca. Trong tiếng Hi-lạp, từ dùng cho HT là ekklesia, có nghĩa là "những người được kêu gọi để làm một công việc nào đó." Sứ đồ Phi-e-rơ giải thích rõ: "Nhưng anh em là dòng giống được lựa chọn, là chức thầy tế lễ nhà vua, là dân thánh là dân thuộc về Đức Chúa Trời, hầu cho anh em rao giảng nhơn đức của Đấng đã gọi anh em ra khỏi nơi tối tăm, đến nơi sáng láng lạ lùng của Ngài;" (1 Phi-e-rơ 2:9). Như thế Hội Thánh gồm những người tin Chúa đã được gọi từ chỗ đầy tội lỗi đến chỗ thánh khiết, đến chính bản chất của Chúa. Chúng ta là những người được gọi ra.
Phao-lô xác nhận, "Hội thánh ở trong Đức Chúa Trời là Cha, và trong Chúa Cứu Thế Giê-xu, Chúa chúng ta." (1:1). Chỗ đứng hay địa vị của hội thánh là trong Đức Chúa Trời và Chúa Giê-xu. Đây không phải chỉ là một nhóm người tin Chúa, nhưng một nhóm người sống, sinh hoạt và có bản chất trong Chúa. Chúa là hơi thở của hội thánh. Chúa hiện diện trong đời sống của hội thánh.
Phao-lô gọi Chúa Giê-xu là Chúa Cứu Thế Giê-xu, Chúa chúng ta. Từ Chúa này trong nguyên văn Hi-lạp tương đương với Giê-hô-va của Cựu Ước. Nghĩa là Phao-lô gọi Chúa Giê-xu là Đức Chúa Trời.
Phao-lô cũng gọi Chúa là Giê-xu, đây là tên trong nhân loại của Chúa và mang nghĩa Người giải thoát. Ngài được đặt tên là Giê-xu vì đó là Đấng cứu dân mình ra khỏi tội.
Danh hiệu Christ hay Cứu Thế, trong nguyên văn là Messiah, nghĩ là đấng đứng trung gian giữa Đức Chúa Trời và loài người. Đấng mà Đức Chúa Trời đã hứa là sẽ đến chính là Chúa Cứu Thế Giê-xu. Đây là lời chào hỏi đơn giản, nhưng ta đừng bỏ qua ý nghĩa thần học và chân lý. Ta đừng quên rằng Đấng giải cứu chúng ta chính là Đức Chúa Trời, Ngài chính là Chúa Giê-xu, cũng đừng quên Ngài là Chúa Cứu Thế.
"nguyền xin ân điển và sự bình an ban cho anh em!" Ân điển hay ân sủng của Chúa đem đến sự tha thứ, niềm vui và sự sung sướng vui thỏa cho tâm hồn người. Ân sủng luôn luôn có bình an kèm theo. Khi nào ta có ân sủng của Chúa, thì ta cũng hưởng bình an của Ngài. Từ bình an đây không phải chỉ có nghĩa là không còn tranh chấp hay rối loạn. Nhưng đối với người tin Chúa trong thế kỷ thứ nhất, bình an là có linh hồn thịnh vượng, có tâm hồn lành lặn và vẹn toàn. Nghĩa là thịnh vượng về mọi mặt, sung sướng và thỏa mãn. Đây là khi ân sủng của Chúa tuôn đổ trên chúng ta.
Lời cầu nguyện
"Chúng tôi hằng vì anh em tạ ơn Đức Chúa Trời, thường nhắc đến anh em trong khi cầu nguyện; vì trước mặt Đức Chúa Trời, là Cha, chúng tôi nhớ mãi về công việc của đức tin anh em, công lao của lòng yêu thương anh em, sự bền đỗ về sự trông cậy của anh em trong Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta;" (1:2,3).
Sứ đồ Phao-lô cầu nguyện mỗi ngày cho các thánh đồ tại Tê-sa-lô-ni-ca. Đây là một cam kết với Chúa mỗi ngày. Ông cảm tạ Chúa về những gì Chúa đã làm cho đời sống những người tin Ngài.
Từ "tạ ơn" đến từ nguyên gốc Hi-lạp là eucharisto, nghĩa là ân sủng. Và ở đây có nghĩa là cảm tạ. Phao-lô nói rằng nhóm của ông cảm tạ Chúa mỗi ngày để những kết quả do từ ân sủng Chúa thể hiện trên đời sống người tín hữu Tê-sa-lô-ni-ca. Người ta nghĩ rằng Phao-lô đã cầu nguyện cho từng tín hữu một. Đây là cách cầu nguyện thực tế, cụ thể chứ khôngphải chỉ tổng quát.
"Chúng tôi thường nhắc đến anh em trong khi cầu nguyện." Nghĩa là họ cầu nguyện thường xuyên và tiếp tục.
Hoạt Động Của Hội Thánh
"vì trước mặt Đức Chúa Trời, là Cha, chúng tôi nhớ mãi về công việc của đức tin anh em, công lao của lòng yêu thương anh em, sự bền đổ về sự trông cậy của anh em trong Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta;" (1:3).
"Công việc của đức tin" tức những điều Chúa thực hiện trên đời sống người tin Chúa vì đức tin. Đây là công việc do đức tin nẩy sinh ra, do mối tiếp cận của chúng ta với Chúa. Đây là công việc của ân sủng Chúa.
"Công lao của lòng yêu thương" chính là sự trải rộng công việc của đức tin. Từ "công lao" mang ý nghĩa là lao động hết sức, đến kiệt lực. Trong khi đó lòng yêu thương nguyên văn là agape, là một từ dùng trong đạo Chúa, thế giới vô đạo không dùng. Người tin Chúa, dưới sự lãnh đạo của Thánh Linh, dùng tình thương agape, tức là tình thương của Chúa, áp dụng vào hội thánh. Nhưng công lao của tình thương mang ý nghĩa đem hết tâm lực thương yêu bằng hành động, không quản đến sức lực của mình. Đây là nghĩa cử không phụ thuộc vào lời khen ngợi, nhưng do tình thương thật. Chúa đã thương yêu họ, nên họ cũng thương yêu không chán nản và mệt mỏi.
"Sự bền đỗ về sự trông cậy" nghĩa là kiên nhẫn trong hi vọng. Đây là thái độ kiên trì tập trung vào những điều cực kỳ quan trọng đã đặt làm ưu tiên. Nói khác đi, nỗ lực vào những việc có giá trị thật và làm với hi vọng tràn trề. Khi Alexander đại Đế khởi đầu chiến dịch chinh phục thế giới, ông ta cho bạn bè tất cả tài sản. Có người bảo: "Bệ hạ cho đi tất cả những gì mình sở hữu rồi." Đại Đế đáp, "Không, ta còn giữ lại hi vọng đấy chứ !!" Nếu người tin Chúa có loại hi vọng như thế, thì có thể chịu đựng nổi mọi trở lực, vì chúng ta đang tiến bước về phía rạng đông của vinh quang Chúa chứ không phải tiến về phía tăm tối của những thất bại của con người.
Sở hữu của Hội Thánh
"hỡi anh em được Đức Chúa Trời yêu dấu, chúng tôi biết anh em là kẻ được lựa chọn." (1:4).
Phao-lô dùng chữ biết ở đây, để xác nhận rằng tín hữu Tê-sa-lô-ni-ca là những người tín đồ thật của Chúa. Không những tự họ biết họ được cứu, nhưng người khác cũng biết nữa. Người tin Chúa có những đức tính của Chúa mà không ai phủ nhận được.
Phao-lô còn nói, họ được Đức Chúa Trời yêu dấu. Đây là đặc ân của Chúa mà người tin Ngài cần được nhắc nhở. Tin Chúa là vào một tình thương huyền nhiệm mà người tín đồ thật chắc chắn kinh nghiệm.
"Anh em" khi gọi các tín hữu là anh em, Phao-lô thật sự yêu mến họ như anh chị em trong gia đình. Trong hai lá thư này ông dùng đến 21 lần, hỡi anh em, hay là anh em yêu quý. Trong Chúa không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, tất cả đều là anh em chị em cả.
Sở hữu của hội thánh là tình huynh đệ giữa những người đã nhận ân sủng của Chúa. Đây là những người đã được Chúa kêu gọi và lựa chọn.
Lựa chọn trong câu này chỉ có nghĩa là Cứu Rỗi hoàn toàn trong tay Chúa. Ta không thể nào có cứu rỗi nếu Chúa không hoạch định và Thánh Linh của Ngài vận dụng trong tâm trí người tin. Ai cũng có thể đến với Chúa, nhưng Chúa biết ai là người đáp ứng tiếng gọi của Ngài. Chúa lúc nào cũng chờ đợi để những ai hưởng ứng thì Ngài ra tay cứu vớt. Mỗi người có nhiệm vụ nghe, và đáp ứng tiếng gọi của Chúa.