1 Tê-sa-lô-ni-ca 1:5-7
5 Vả, đạo Tin Lành chúng tôi đã rao truyền cho anh em, không những bằng lời nói thôi, lại cũng bằng quyền phép, Đức Thánh Linh và sức mạnh của sự tin quyết nữa. Vì anh em biết rõ cách chúng tôi ở giữa anh em và lòng yêu thương đối với anh em là thể nào.
6 . Anh em cũng đã bắt chước tôi và bắt chước Chúa, lấy sự vui vẻ của Đức Thánh Linh mà tiếp nhận đạo giữa lúc nhiều sự khốn khó,
7 đến nỗi anh em trở nên gương tốt cho hết thảy tín đồ ở xứ Ma-xê-đoan và xứ A-chai.
Phao-lô đã bày tỏ tin tưởng chắc chắn về mối tương giao của người tín đồ Tê-sa-lô-ni-ca đối với Chúa Cứu thế Giê-xu. Trong phần Kinh Thánh này ông cho họ biết tại sao ông lại có cảm nghĩ như vậy. Phao-lô bảo, "Vả, đạo Tin Lành chúng tôi đã rao truyền cho anh em, không những bằng lời nói thôi, lại cũng bằng quyền phép, Đức Thánh Linh và sức mạnh của sự tin quyết nữa. Vì anh em biết rõ cách chúng tôi ở giữa anh em và lòng yêu thương đối với anh em là thể nào. Anh em cũng đã bắt chước tôi và bắt chước Chúa, lấy sự vui vẻ của Đức Thánh Linh mà tiếp nhận đạo giữa lúc nhiều sự khốn khó, đến nỗi anh em trở nên gương tốt cho hết thảy tín đồ ở xứ Ma-xê-đoan và xứ A-chai." Bằng chứng trong đời sống của những tín hữu này và đáp ứng của họ đối với Phúc Âm hay Tin Lành chứng tỏ họ là thành viên của những người được Chúa lựa chọn.
Việc trình bày Phúc Âm hay Tin Lành
Trước khi phân tích phần Kinh Thánh này, chúng tôi xin giải thích rõ từ "đạo Tin Lành" được dùng trong câu 5. Đây không phải là tôn giáo Tin Lành, vì vậy không viết hoa, cũng không có chữ đạo. Trong nguyên văn, đây là tin mừng cứu chuộc nhân loại của Chúa Cứu Thế mà ta gọi là tin lành, tin mừng hay phúc âm. Ta có thể đọc lại phần đầu của câu 5 là, "Vả, tin lành hay tin mừng chúng tôi đã rao truyền cho anh em, không những bằng lời nói thôi". Phao-lô muốn nói rằng tin mừng không phải chỉ là lý thuyết hay một thứ đạo tuyên truyền cho người ta nghe và tin vào lời người trình bầy, nhưng "lại cũng bằng quyền phép ". Từ "quyền phép" trong nguyên văn Hi-lạp là dunamis. Đây là chữ miêu tả sức mạnh làm nổ tung, tác động trên nhiều vật chất chung quanh. Tuy nhiên "quyền phép" trong câu này không phải là sức mạnh phá diệt, nhưng là xây dựng. Tin mừng cứu chuộc của Chúa Giê-xu có sức mạnh xây dựng và ban phúc lành.
Nhưng không phải loại sức mạnh vật lý hay do con người sáng chế ra, mà là sức mạnh của Thánh Linh. Đó là cuộc vận hành của Thần Linh Chúa, không phải do sức người. Khi ta trình bầy tin mừng, ta trông mong Thánh Linh của Chúa hành động cách nào để không thể giải thích bằng cách khác được. Sự việc xảy ra không thể giải thích được, nếâu không nói là Chúa hành động.
Phao-lô thêm, và sức mạnh của sự tin quyết nữa." Ý của Phao-lô trong câu này là, "Khi tôi giảng truyền tin mừng của Chúa cho anh em, tôi tin quyết rằng Chúa có mặt ở đó. Và khi anh em được cứu, tôi tin chắc rằng anh em thuộc về Chúa thực sự." Khi Phao-lô rao truyền sứ điệp của Chúa, ông hết lòng tin rằng Chúa làm việc trong lòng người nghe, và Chúa đem đến sự cứu chuộc và giải cứu họ.
Phao-lô tiếp, "Vì anh em biết rõ cách chúng tôi ở giữa anh em và lòng yêu thương đối với anh em là thể nào." Câu này có thể diễn ý cho rõ hơn là, "Anh em biết rõ chính đời sống chúng tôi là bằng chứng sứ điệp của chúng tôi có thật hay không." Trong suốt lá thư này, Phao-lô nhắc nhiều đến gương sáng của người rao truyền lời Chúa. Nếu ai muốn giảng truyền lời Chúa hay chia sẻ tin mừng cứu rỗi một cách có hiệu năng, thì người ấy phải có những quả trái trong đời sống chính mình minh chứng như thế.
Thời xưa có những triết gia đi đây đi đó dụ dỗ lừa đảo người để kiếm sống. Họ làm các việc ấy với mục đích thu lợi. Phao-lô nói rằng ông không đến với họ theo kiểu đó, không vì danh tiếng cá nhân mà đến, nhưng vì họ. Phao-lô không đến để kiếm lợi cho mình, nhưng cho những người tại Tê-sa-lô-ni-ca qua công tác truyền bá tin mừng.
Nếu muốn cho lời chứng của mình được người ta tin nhận, thì lời chứng ấy phải thể hiện bằng chính đời sống của mình.Trong tâm hồn, cuộc đời và sứ điệp của chúng ta phải có bằng chứng rằng Đức Chúa Trời đã thực hiện một việc đổi mới và đáng cho người ta biết. Nhiều người ngày nay đời sống là một cuộc thất bại và không đem lại một quả trái nào cho Chúa, không thể cho người ta thấy bằng chứng nào về tương giao của mình với Chúa Giê-xu, nhưng vẫn cứ thích đi làm chứng hay nói về đạo cho người khác. Những việc làm như thế chắc chắn là vô ích.
Diễn Tiến Của Tin Mừng
Khi một người đã được Chúa cứu, người ấy sẽ ra sao tiếp theo đó? Chúa sẽ làm gì cho người ấy sau khi người tin Chúa? Có phải Chúa chỉ chú trọng đến việc cứu chúng ta ra khỏi tội mà thôi chăng? Nhiều khi các lãnh đạo, các người đứng lên giảng truyền lời Chúa cho người ta cái ấn tượng là quan tâm hàng đầu của Chúa là sao cho người ta được cứu.
Đến với Chúa Giê-xu, tin nhận Ngài mới chỉ là bước đầu. Vì lúc ấy người tin được tái sinh và bắt đầu một cuộc sống mới. Như một trẻ sơ sinh, người ấy cần được nuôi dưỡng và lớn lên, trưởng thành về phương diện tâm linh.
Phao-lô viết, "Anh em cũng đã bắt chước tôi và bắt chước Chúa" Bắt chước là một cách học. Trong đời mỗi khi ta học một tài năng nào thì không những ta chỉ biết lý thuyết, nhưng còn theo đúng cách thức mà thực hành nữa. Khi ta tin nhận Chúa, ta bắt đầu một tiến trình bắt chước, nghĩa là học cách nói năng, cư xử và nhất là cách sống trong Chúa, trong niềm tin.
Phao-lô nói rằng các tín hữu bắt chước ông và các bạn ông. Lý do là người tin Chúa không thấy Chúa ngay, nhưng thấy những nhân chứng của Chúa, và nhìn vào nhân chứng mà sống.
Mặt khác, ta là người tin Chúa, muốn làm nhân chứng cho Ngài, cũng cần ghi nhớ rằng người nghe ta mà tin Chúa, sẽ nhìn vào đời sống ta mà bắt chước. Nếu ta không có gì tốt, thánh khiết cho người ấy bắt chước, thì dù người ấy có tin, cũng sẽ bỏ cuộc. Cũng như người học một ngành nghề trong lý thuyết mà không biết bắt chước ông thầy để áp dụng trong thực tế.
Nhưng bắt chước người chưa đủ, vì người bao giờ cũng bất toàn. Nhiều người vì chiêm ngưỡng một người mà tin Chúa, đến khi người ấy nhận ra người mà mình tin tưởng có những sơ hở hay thất bại trong tính tình hoặc trong cách cư xử, đã bỏ niềm tin. Ta nên nhớ, thánh tính chỉ có thể đến từ Chúa. Ta bắt chước người trong bước đầu, nhưng sau đó phải học về Chúa cho thâm sâu để bắt chước Chúa. Bắt chước Chúa trong gương hi sinh, thương yêu, trong nếp sống thánh khiết, chân thật. Đây cũng là một bước tiến trong đời theo Chúa.
Phao-lô viết tiếp theo, "lấy sự vui vẻ của Đức Thánh Linh mà tiếp nhận đạo giữa lúc nhiều sự khốn khó," Đây là thái độ của người tiếp nhận tin mừng cứu chuộc của Chúa. Tiếp nhân đạo như món quà quý với lòng khát khao và được thỏa mãn. Nhưng hoàn cảnh tiếp nhận không đơn giản, vì những người này đang sống giữa nhiều sự "khốn khó". Làm sao có thể tiếp nhận đạo Chúa một cách phấn khởi trong khi đang gặp nhiều áp lực và chịu khổ sở? Câu này còn có thêm "Sự vui vẻ của Thánh Linh" Niềm vui từ nơi Thánh Linh ban không phải là nụ cười trong chốc lát, nhưng là an bình sâu kín trong tâm linh. An bình vì biết rằng khốn khó chỉ là tạm, nhưng Chúa thuộc về ta và ta thuộc về Chúa mãi mãi.
Dĩ nhiên là không ai vui trong cảnh khốn khó và nhiều áp lực được, nhưng chính trong các cảnh này, nếu ta nhìn lên Chúa và thấy Chúa là nơi an nghỉ cho tâm hồn mình, thì ta sẽ an tâm và trao tất cả cho Chúa. Đây là cách tiếp nhận Chúa hữu hiệu hơn cả, vì lúc đó Chúa trở thành lẽ sống cho ta. Ý thức được như thế, ta sẽ thấy ánh sáng loé lên trong đời mình và khốn khó trở thành cơ hội.
Nhưng khốn khó của người Tê-sa-lô-ni-ca hồi ấy là gì? Phao-lô không nói rõ, nhưng qua lịch sử ta biết rằng khi tin nhận Chúa, các tín hữu phải từ bỏ tôn giáo và thói tục thờ cúng của họ. Nhiều người bị mất các quyền lợi trong cộng đồng tôn giáo, và bị xã hội cũng như gia đình chỉ trích, phê bình và gây nhiều khó khăn, có khi còn bị vu cáo, tù tội về những việc họ chẳng hề làm. Chắc chắn không phải chỉ hai nghìn năm trước người tin Chúa mới chịu khốn khó như thế, nhưng ngay hiện tại, một số thính giả của Đài Nguồn Sống cũng đang kinh nghiệm các sức ép tương tự. Ngoài quyền năng của Thánh Linh chúng ta không thể nào sống với các khó khăn của mình trong niềm an tĩnh được.
Khuôn Mẫu của Tin Mừng
Phao-lô viết tiếp: "đến nỗi anh em trở nên gương tốt cho hết thảy tín đồ ở xứ Ma-xê-đoan và xứ A-chai." Gương tức là khuôn mẫu. Trong nguyên văn, tupon nghĩa là dấu của búa đập trên gỗ hoặc đồng, về sau mang nghĩa dấu ấn, và sau cùng là khuôn mẫu.
"Anh em trở thành khuôn mẫu" trong nguyên văn là một khuôn mẫu. Như thế mỗi người tin Chúa bắt chước Phao-lô và bắt chước Chúa. Nhưng họp chung lại làm hội thánh, họ trở thành một khuôn mẫu cho tất cả những người đã tin Chúa tại Hi-lạp. Hội thánh là một cộng đoàn làm khuôn mẫu cho xã hội. Hội thánh phải có tình thương, tha thứ và hòa hợp, vì nếu không, làm sao gọi là hội của các người thánh được ?
Thánh Linh cuả Đức Chúa Trời ở trong chúng ta và khiến chúng ta trở thành khuôn mẫu. Chúng ta đối đãi với nhau và với nhu cầu của nhau theo một kiểu duy nhất. Nếu thế chúng ta làm gương cho người khác noi theo.
Chúng ta không có quyền lựa chọn đối diện với hoàn cảnh khó khăn hay áp lực, nhưng nếu quyền năng của Chúa thể hiện trong cuộc đời chúng ta, chúng ta bắt chước Chúa Giê-xu, chúng ta sẽ sống trong mọi hoàn cảnh với niêm an tĩnh. Chúng ta sống được như thế la øtạo gương mẫu cho mọi người chung quanh mình.
Nên nhớ rằng, mỗi chúng ta là nhân chứng của Chúa, có nghĩa là một khuôn mẫu cho nhiều người bắt chước. Chúng ta có sống như thế hay không?