1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:1-8
Sang chương 2, Phao-lô nhắc cho các tín hữu tại Tê-sa-lô-ni-ca về cách thức mà ông và các bạn đồng sự đã cư xử với họ. Nhất là lòng thương yêu và dịu dàng quý mến lẫn nhau. Phao-lô viết:
"1 Hỡi anh em, chính anh em biết rõ rằng chúng tôi đã đến nơi anh em, ấy chẳng phải là vô ích đâu;
2 nhưng sau khi bị đau đớn và sỉ nhục tại thành Phi-líp, như anh em đã biết, thì chúng tôi trông cậy Đức Chúa Trời, cứ rao truyền đạo Tin Lành của Đức Chúa Trời cách dạn dĩ giữa cơn đại chiến.
3 Vì sự giảng đạo của chúng tôi chẳng phải bởi sự sai lầm, hoặc ý không thanh sạch, cũng chẳng dùng điều gian dối.
4 Nhưng vì Đức Chúa Trời đã xét chúng tôi là xứng đáng giao cho việc giảng Tin Lành, nên chúng tôi cứ nói, không phải để đẹp lòng loài người, nhưng để đẹp lòng Đức Chúa Trời, là Đấng dò xét lòng chúng tôi.
5 Vả, anh em có biết, chúng tôi không hề dùng những lời dua nịnh, cũng không hề bởi lòng tư lợi mà làm, có Đức Chúa Trời chứng cho.
6 Dẫu rằng chúng tôi có thể bắt anh em tôn trọng chúng tôi, vì là sứ đồ của Đấng Christ, song cũng chẳng cầu vinh hiển đến từ loài người, hoặc từ nơi anh em, hoặc từ nơi kẻ khác.
7 Nhưng chúng tôi đã ăn ở nhu mì giữa anh em, như một người vú săn sóc chính con mình cách dịu dàng vậy.
8 Vậy, vì lòng rất yêu thương của chúng tôi đối với anh em, nên ước ao ban cho anh em, không những Tin Lành Đức Chúa Trời thôi đâu, song cả đến chính sự sống chúng tôi nữa, bởi anh em đã trở nên thiết nghĩa với chúng tôi là bao."
Mở đầu Phao-lô xác định rằng việc truyền giáo của các ông tại Tê-sa-lô-ni-ca có hiệu quả rất cao. Khi nào tin mừng được công bố thì người ta đáp ứng. Nỗ lực truyền bá tin mừng không bao giờ trở về luống công. Hằng trăm, hằng nghìn người đã tin Chúa và được cứu, đó là một phục hưng lớn trong vùng.
Trong phần Kinh Thánh này Phao-lô cho thấy mối thông công thân yêu trong một hội thánh, trong đó thái độ cư xử dịu dàng trìu mến đối với nhau được nâng cao.
Hiện diện
"Hỡi anh em, chính anh em biết rõ rằng chúng tôi đã đến nơi anh em, ấy chẳng phải là vô ích đâu; nhưng sau khi bị đau đớn và sỉ nhục tại thành Phi-líp, như anh em đã biết, thì chúng tôi trông cậy Đức Chúa Trời, cứ rao truyền đạo Tin Lành của Đức Chúa Trời cách dạn dĩ giữa cơn đại chiến. "
Đây là lời chứng về hiện diện của Chúa trong đời sống những người rao truyền lời Chúa. Sự bạo dạn của họ đến từ Chúa. Đối với Phao-lô Đức Chúa Trời không phải là một ý niệm mà ông chấp nhận trong trí, nhưng là một Hiện Diện mà ông kinh nghiệm. Phao-lô hành động trong hiện diện của Chúa.
Phao-lô xác định sứ điệp ông rao truyền là của Chúa. Đây không phải là triết lý của Phao-lô hay của một triết gia nào, nhưng là phúc âm, tức là tin mừng, tin lành của Chúa. Cũng xin mở ngoặc để thêm rằng, từ tin lành trong câu 2 không nên viết chữ hoa, vì không phải là tôn giáo Tin Lành được đề cập đến trong câu này.
Vì có hiện diện của Chúa nên những nhà truyền giáo này đã dạn dĩ làm việc. Thật ra đây không phải là không sợ áp lực, nhưng là rao truyền tin mừng tuôn chảy, không ngập ngừng hay đắn đo gì cả.
Một điểm khác được nêu lên ở đây là khi tin mừng được truyền rao, chắc chắn có chống đối và bài bác. Bản dịch Việt ngữ là "giữa cơn đại chiến" nguyên văn là nhiều kẻ thù vây quanh.
Nói chung, Phao-lô bảo rằng, vì có hiện diện của Chúa, ông và các bạn vẫn dạn dĩ giảng truyền tin mừng, dù rằng giữa bao chống đối và thù nghịch.
Tuyên đạo
"Vì sự giảng đạo của chúng tôi chẳng phải bởi sự sai lầm, hoặc ý không thanh sạch, cũng chẳng dùng điều gian dối." Câu 3. Giảng đạo, nguyên văn là từ parakaleo, tức là an ủi. Chữ này nghĩa đen là "gọi đến bên cạnh" Nghĩa là có người nào ở cạnh mình để giúp đỡ. Như thế việc giảng đạo của Phao-lô là an ủi và giúp đỡ người chưa biết Chúa tin nhận Ngài. Nhiều người nghĩ rằng giảng đạo là đứng trên bục giảng trình bầy giảng giải lời Chúa. Rất đúng, nhưng đó mới chỉ là hình thức giảng đạo. Giảng đạo thật sự là ngồi xuống cùng với một người, thông cảm mọi nỗi khó khăn của người ấy và giúp người ấy tìm ra giải pháp cho đời sống.
Việc giảng đạo của Phao-lô không cơ bản trên những điều sai lầm, những điều không thanh sạch, hay những điều gian dối. Ta đã đọc rất nhiều phân đoạn Kinh Thánh dạy về nội dung thương yêu, thánh khiết và cứu rỗi của tin mừng, nhưng đây là lần đầu tiên Phao-lô xác nhận rằng đạo Chúa tuyệt đối không có gì sai lầm, nghĩa là không có gì đưa người ta đến chỗ mê hoặc, mê tín hay làm những điều trái với luật lệ hoặc là truyền thống của dân tộc. Người truyền đạo Chúa không có những mưu đồ sai lầm phản dân hại nước, mà chỉ đưa người ta vào chân lý, vào đường ngay thẳng, lánh xa những mê tín dị đoan, thờ ma lạy quỷ.
Thứ hai, Đạo Chúa không đặt căn bản trên những điều không thanh sạch. Ngày xưa khi các môn đệ của Chúa tuân lời Chúa dạy, dự tiệc thánh, trong đó có rượu nho và thịt chiên, đã bị những phần tử xấu rêu rao là họ uống huyết và ăn thịt người. Phao-lô xác định không làm gì có chuyện ấy, vì đó là các hành vi bất khiết. Đạo Chúa dạy người sống thanh sạch trong lời nói, tư tưởng và hành động, không bao giờ thực hành những thói xấu, thờ cúng ma quỷ dị đoan, phản khoa học và phản vệ sinh. Như tục người chết không chịu chôn, để cho thối rữa trong nhà mồ, hay những thói tục dùng các thứ nước bùa ngải của tà linh. Đây là những điều ghê tởm phản với sự thánh khiết của đạo Chúa.
Thứ ba là, đạo Chúa không đặt cơ bản trên những gì gian dối. Phao-lô bảo rằng không dùng điều gian dối. Nghĩa là không mang tính cách lừa dối. Đạo Chúa dạy những điều chân thật và để cho mỗi người tự do lựa chọn, tin hay là không tin. Đạo Chúa không ép buộc ai bằng những mánh khoé hay là đánh lừa ai để phải vào đạo. Vì tin Chúa không phải là gia nhập vào một tôn giáo, mà là gặp chân thần và sống trong quyền năng của chân thần.
Ngày xưa cũng như hiện đại, vẫn có người rêu rao rằng trong đạo Chúa có những điều sai lầm, có những thói tục không đúng hoặc là dụ người vào đạo để rồi lợi dụng. Thật ra chẳng bao giờ đạo Chúa lại có các điểm quái gở như vậy. Nhưng ta cũng cần phân biệt rõ giữa đạo Chúa và người thực hành đạo Chúa. Nhiều khi người ta lầm đạo Chúa với người tín đồ. Ngưòi tín đồ có thể sống sai lạc hay làm điều tội lỗi, nhưng không ai có thể xúc phạm đến đạo Chúa bằng cách gán ép những điều mà đạo Chúa không bao giờ có.
Câu 4 ghi:
"Nhưng vì Đức Chúa Trời đã xét chúng tôi là xứng đáng giao cho việc giảng Tin Lành, nên chúng tôi cứ nói, không phải để đẹp lòng loài người, nhưng để đẹp lòng Đức Chúa Trời, là Đấng dò xét lòng chúng tôi."
Trong câu này có chữ "xét" ta cần nói đến. Đức Chúa Trời đã xét chúng tôi là xứng đáng. Đây là việc Chúa thử nghiệm và biết rõ ai là người đáng được giao phó công việc truyền giảng tin mừng. Chữ xét trong câu này có nghĩa là đã chuẩn thuận vì thấy có đủ điều kiện. Chúa không bao giờ giao cho ai công việc nào mà Ngài không thử và luyện.
Mặt khác, ta đừng bao giờ làm việc Chúa kiểu theo hứng cảm, mà phải tìm cho ra ý định của Chúa cho mình. Mọi người đều là nhân chứng của Chúa, nhưng không phải tất cả mọi người đều được Chúa sử dụng làm người rao giảng tin mừng. Chúa nhìn thấy trong tâm linh chúng ta, Ngài thử nghiệm lòng dạ chúng ta và Ngài biết mỗi chúng ta có thể làm gì cho Chúa. Loài người có thể nhìn thấy những việc chúng ta làm, nhưng chỉ có Chúa biết lý do nào chúng ta làm mà thôi. Tức là Chúa biết rõ mỗi động cơ thúc đẩy chúng ta, trong khi người chỉ thấy công tác; Chúa thấy thái độ, người chỉ thấy bề ngoài.
Câu 5 Phao-lô ghi thêm: " Vả, anh em có biết, chúng tôi không hề dùng những lời dua nịnh, cũng không hề bởi lòng tư lợi mà làm, có Đức Chúa Trời chứng cho."
Lời dua nịnh là dùng một lối nói để đạt đến điều mình mong muốn. Nghĩa là khen ngợi hay tâng bốc người khác với ý định chinh phục và thu lợi về cho mình. Người truyền đạo Chúa không dua nịnh, tâng bốc ai, vì biết rõ đó là các hành động giả trá, Chúa không bằng lòng.
"Cũng không hề bởi lòng tư lợi mà làm" Có ai truyền rao lời Chúa để kiếm tư lợi chăng? Chắc là có, nhưng người truyền đạo chân chính không bao giờ nghĩ đến tư lợi, mà chỉ lo cho lợi của danh Chúa, của nước Chúa. Nếu để ý về tư lợi, chắc chắn sẽ không thể là người Chúa có thể dùng. Tư lợi trong chức vụ truyền rao lời Chúa có khi chỉ là danh tiếng nữa.
"Có Đức Chúa Trời chứng cho." Chúa là đấng làm chứng trung tín nhất cho những người phục vụ Chúa chân chính. Chúa có mặt khi Phao-lô thực hiện công tác truyền giáo cũng như khi ông viết những hàng chữ này.
Phao-lô hoàn toàn sống trong hiện diện của Chúa, vì thế tư lợi không thể nghĩ tới.
Tình Thương
"Dẫu rằng chúng tôi có thể bắt anh em tôn trọng chúng tôi, vì là sứ đồ của Đấng Christ, song cũng chẳng cầu vinh hiển đến từ loài người, hoặc từ nơi anh em, hoặc từ nơi kẻ khác.
Nhưng chúng tôi đã ăn ở nhu mì giữa anh em, như một người vú săn sóc chính con mình cách dịu dàng vậy. Vậy, vì lòng rất yêu thương của chúng tôi đối với anh em, nên ước ao ban cho anh em, không những Tin Lành Đức Chúa Trời thôi đâu, song cả đến chính sự sống chúng tôi nữa, bởi anh em đã trở nên thiết nghĩa với chúng tôi là bao."
"Nhu mì" trong câu này có thể dịch là "sơ sinh". Nghĩa là các nhà truyền giáo đối xử với người Tê-sa-lô-ni-ca dịu dàng như cái dịu dàng của một em bé. Họ tiếp xúc với những người này trong dịu dàng và thương yêu như người mẹ săn sóc con lúc ấu thơ. Người vú săn sóc một trẻ thơ thì lúc nào cũng nhẹ nhàng và thương yêu như con ruột của mình.
"Vì lòng rất yêu thương của chúng tôi đối với anh em" Từ được dùng trong câu này trong nguyên văn là omeiromenoi, không phải là thương yêu thường, nhưng là tin tưởng, thương mến, quan tâm và thương xót. Nghĩa là hết lòng trông mong cho người mình thương yêu được những điều tốt lành nhất.
"nên ước ao ban cho anh em, không những Tin Lành Đức Chúa Trời thôi đâu, song cả đến chính sự sống chúng tôi nữa, bởi anh em đã trở nên thiết nghĩa với chúng tôi là bao."
Phao-lô không những chỉ muốn cho người ta biết đạo Chúa, nhưng còn đem hết tâm lực phục vụ. Nghĩa là coi những người nghe tin mừng rất là quan trọng.
Chữ "thiết nghĩa" trong câu "bởi anh em đã trở nên thiết nghĩa với chúng tôi là bao" là chữ agape, loại tình thương của Chúa. Đây là mối tương giao của những người đã cùng đầu phục Chúa, tôn Chúa làm vua trong đời mình và cùng xây dựng nước Chúa. Không có tình bạn nào quý hóa hơn.
Bài học trong khúc Kinh Thánh này là chung cho tất cả mọi người. Mối tương giao thiết nghĩa trong Chúa cần phải xây dựng củng cố để tất cả mọi anh chị em trong Chúa đều gần gũi, thân yêu và cùng tiến lên trên con đường phục vụ Chúa và đồng bào, đồng loại.
Chúng ta kính yêu Chúa vì Chúa đã yêu chúng ta trước. Chúng ta thương yêu nhau cũng vì tình yêu Chúa đã đối với mỗi chúng ta.
Chúng ta có các cá tính và tính khí khác nhau. Có người cao tuổi, người trẻ tuổi. Người học thức cao, người tầm thường. Người giàu, người khác nghèo. Làm sao chúng ta có thể hòa hợp và thương yêu được nếu chúng ta không kinh nghiệm tình yêu của Chúa và sống trong hiện diện của Ngài?