1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:9,10
9 Hỡi anh em, anh em còn nhớ công lao, khó nhọc của chúng tôi; ấy là trong khi chúng tôi giảng Tin Lành cho anh em, lại cũng làm việc cả ngày lẫn đêm, để cho khỏi lụy đến một người nào trong anh em hết.
10 Anh em làm chứng, Đức Chúa Trời cũng làm chứng rằng cách ăn ở của chúng tôi đối với anh em có lòng tin, thật là thánh sạch, công bình, không chỗ trách được.
Các câu Kinh Thánh này nhắc lại mấy chủ đề được nhấn mạnh trong suốt Kinh Tân-ước, đó là thông công trong Hội-thánh, thương yêu nhau và hợp nhất trong mục đích và tinh thần như cách xứng đáng cho các thánh đồ.
Mối Liên Kết
Từ "anh em" là một từ mang nhiều ý nghĩa đối với các tín hữu Chúa Giê-xu trong thế kỷ thứ nhất. Họ là một nhóm người bị hiểu lầm nhiều nhất, bị hành hạ nhiều nhất và bị bách hại mạnh nhất. Họ thuộc về đủ tầng lớp trong xã hội. Nhưng họ đến với nhau trong nhà thờ, và cùng thờ phượng. Mặc dù bị phê bình và chỉ trích, bên trong hội thánh anh em cùng nhau chia sẻ một chính nghĩa. Trong Hội-thánh đầu tiên có nhiều chủ nô cũng như những người nô lệ, nhưng họ cùng đến với nhau để tôn thờ Chúa, họ trở thành anh em trong Chúa. Những người này nối kết tâm hồn và đời sống vối nhau trong một mục đích và một tình thương. Không có mối liên kết nào bền chặt hơn.
Sứ đồ Phao-lô đã dài dòng vạch rõ rằng ông và các bạn đồng sự làm việc ngày đêm để tự túc và cung cấp nhu cầu cho chính họ. Những người cùng làm lao động chung hay theo đuổi cùng một lý tưởng có mối liên kết trong việc làm của họ. Họ cùng làm việc trong cùng điêu kiện, trong lao động khổ cực, tạo nên một sợi giây ràng buộc trong hợp nhất.
Nhưng còn sợi giây ràng buộc về tầm linh nữa, vì họ đã cùng từ bóng tối bước sang vùng ánh sáng, từ vùng chết sang vùng sống. Họ cùng chia sẽ kinh nghiệm được tha tội. Mối liên kết này ràng buộc những tâm hồn với nhau. Ngaỳ nay nhiều khi người ta bận rộn trong việc chống đối các nhóm Tin Lành khác nhau đến nỗi quên hẳn kẻ thù chung của mình là kẻ nào. Chúng ta sợ những nhóm Tin Lành khác đông và mạnh hơn nhóm mình đến nỗi mất hẳn hiểu biết đâu là mối liên kết thiêng liêng trong Chúa. Hội-thánh đầu tiên làm cho thế giới ngạc nhiên, không phải vì họ nhiều tài năng hơn chúng ta bây giờ, cũng không phải họ học thức cao hơn hay là được trang bị và chuẩn bị tốt hơn, nhưng họ làm rung chuyển thế giới vì họ chưa học phương cách ganh đua tranh cạnh nhau.
Trong Hội-thánh đầu tiên người ta chuyên chú vào công việc xây dựng Hội-thánh. Một số người bán đi tất cả những gì sở hữu để người khác có lương thực mà sống. Nhiều người bằng lòng bỏ sinh mạng hơn là phải từ bỏ lòng tin. Họ đã tạo ảnh hưởng trong thế giới mạnh đến nỗi ngày nay người ta còn cảm nhận được.
Gánh Nặng
"lại cũng làm việc cả ngày lẫn đêm, để cho khỏi lụy đến một người nào trong anh em hết."
Nguyên văn câu này là: "Ngày và đêm chúng tôi làm việc cực nhọc, đổ mồ hôi kiếm cho đủ sống để cho việc chi tiêu của chúng tôi không trở thành một gánh nặng cho bất cứ ai ở đó."
Một số người tố cáo Phao-lô, Si-la và Ti-mô-thê là đến Tê-sa-lô-ni-ca để xây cơ đồ riêng, vì thế nên Phao-lô mới viết những hàng trên đây để thanh minh.
Những lời này nhắc chúng ta rằng dù chúng ta phục vụ Chúa trong chức năng nào, Chúa vẫn mong chúng ta làm với nhiệt tâm và hết lòng. Trong nước Chúa không có chỗ cho tính lười biếng. Phao-lô làm việc cho đến kiệt sức vì không muốn làm gánh nặng cho các anh em tại Tê-sa-lô-ni-ca.
Có người bảo rằng, nếu theo lời Phao-lô thì chắc Hội-thánh không cần trả lương cho người chăn nữa, mỗi người phải tự kiếm sống để khỏi gặp khó khăn về tài chính. Không phải như vậy. Thật ra Phao-lô cũng có nhận trợ cấp về tài chính. Trong 1 Cô-rinh-tô 9:4-12 Phao-lô cho biết là người phục vụ Chúa có quyền nhận thù lao bằng tài chính theo nhu cầu của họ. Một lần khác, Phao-lô bảo rằng ông nhận trợ cấp từ Hội-thánh Phi-líp.
Các tín hữu tại Tê-sa-lô-ni-ca lúc đó là những con đỏ trong Chúa và sống ngay trong môi trường ngoại giáo, đã quen với cảnh nhưng đạo sĩ, những triết gia du thuyết khắp nơi để kiếm sống hết vùng này đến vùng khác. Phao-lô không muốn nhận trợ cấp từ những tân tín hữu, vì có thể bị hiểu lầm. Ôngï muốn chứng tỏ thiện chí muốn làm việc của ông và các bạn để tự túc.
Đây là một chứng minh về một quy luật mà Phao-lô cho rằng áp dụng rất đúng cho đời sống của ông: "Mọi việc tôi có phép làm, nhưng chẳng phải mọi sự đều có ích." 1 Cô-rinh-tô 6:12). Vì nhu cầu của tin mừng mà nhiều việc chúng ta tránh dù rằng các việc ấy coi như được phép.
Sứ đồ Phao-lô tự coi mình như mắc nợ tất cả mọi người và ông có một trách nhiệm đối với tất cả. Ông từng viết: "tôi đã trở nên mọi cách cho mọi người, để cứu chuộc được một vài người không cứ cách nào." 1 Cô-rinh-tô 9:22. Trong hoàn cảnh của Tê-sa-lô-ni-ca ông không thể đòi hỏi người ta cung ứng cho mình điều gì, và đã quyết sống tự túc để khỏi tạo gánh nặng cho họ.
Phao-lô đã chịu khó lao động để giảng truyền tin mừng của Đức Chúa Trời. "Giảng" trong nguyên ngữ của Kinh Thánh là "Công bố" như là rao báo thông tin. Tức là truyền lại những gì mình đã được thông báo. Ta nên cẩn thận trong công tác giảng truyền tin mừng. Vì phải truyền lại lời của Chúa chứ không phải những ý tưởng hay đẹp của người hay của chính mình. Chúa kêu gọi chúng ta để loan truyền sứ điệp của Ngài. Chúng ta nên loan truyền trung thực và chính xác để người nghe được biết và tin nhận Chúa.
Bài học hôm nay dường như dành cho người lãnh đạo, nhưng cũng cho tất cả mọi người. Chúng ta tin nhận Chúa là đã trở thành người loan truyền tin mừng, vì thế đừng ai quên món nợ và nhiệm vụ cao quý của mình. Mỗi người phải là một nhân chứng cho Chúa, có như thế nước Chúa mới nhanh chóng mở rộng và ngày Chúa trở lại sẽ mau đến.
Thái Độ
"10 Anh em làm chứng, Đức Chúa Trời cũng làm chứng rằng cách ăn ở của chúng tôi đối với anh em có lòng tin, thật là thánh sạch, công bình, không chỗ trách được."
Phao-lô dường như nói rằng: "Có những người phao tin rằng chúng tôi không có lòng ngay thật khi truyền giảng tin mừng cho anh em, họ bảo rằng chúng tôi lợi dụng anh em để trục lợi. Tuy nhiên chính anh em thấy rõ là chúng tôi dốc đổ linh hồn vì anh em."
Thái độ đối với nhau rất là quan trọng Phao-lô từng dạy: "Hãy ở với nhau cách nhơn từ, đầy dẫy lòng thương xót, tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Đấng Christ vậy." Ê-phê-sô 4:32. Khi nào chúng ta đối đãi như thế với nhau thì mối thân tình trong Chúa sẽ mạnh mẽ và tin mừng được phổ truyền rộng hơn.
Tin và sống là điều mà mỗi người phải thực hiện. Nếu chúng ta không thực hành điều mình tin là thực sự chưa tin. Nhiều người ngày nay nói một đàng làm một nẻo.
Nhân vì việc đánh giá của con người có nhiều khuyết điểm, Phao-lô nói đến nhân chứng là Chúa. Ông nói rằng Chúa cũng làm chứng về hành vi của các ông trong việc cư xử với người Tê-sa-lô-ni-ca. Vì Đức Chúa Trời chẳng đánh giá như loài người. Ngài không nhìn bề ngoài mà nhìn thẳng vào lòng.
Khi Sa-mu-ên đến Bết-lê-hem để xức dầu phong vương cho một trong các con trai của Giê-se (1 Sa-mu-ên 16:1-13), ông bảo Giê-se cho từng người con đi ngang trước mặt. Người con đầu lòng là Ê-li-áp vừa cao lớn lại vừa đẹp trai. Sa-mu-ên nghĩ thầm, chắcđây là người Chúa chọn. Nhưng Chúa bảo ông: "Đừng phán xét theo gương mặt hay chiều cao, không phải người này đâu. Loài người đánh giá bề ngoài, nhưng ta xem xét tư tưởng và ý định trong lòng." Việc cư xử và thái độ của ta người ta nhìn thấy nhưng Chúa mới là Đấng phán xét và đánh giá đúng. Chúa biết vì lý do nào chúng ta hành động trong mỗi trường hợp.
Phao-lô mô tả thái độ của ông và các bạn đối với người Tê-sa-lô-ni-ca là "thánh sạch, công bình, không chỗ trách được" Câu này có thể dịch lại là: "thánh sạch, công chính và không có lỗi lầm nào".
"Thánh sạch" là biệt riêng ra cho Chúa. Những người này hành động không phải tự mình hay cho mình, nhưng đã được mua bằng một giá cao, nên làm việc là vì Chúa và cho Chúa.
"Công chính" là ngay thật và chân chính. Hàm ý là theo đúng tiêu chuẩn luật lệ của Chúa. Nói khác đi là sống đúng theo ý muốn của Chúa, mạng lệnh và giáo huấn của Ngài.
"Không có lỗi lầm" theo bản cũ dịch là "Không chỗ trách được" Nghĩa là không có gì đáng đem ra phê bình chỉ trích là sai lầm cả. Cuộc sống của họ như cuốn sách mở ra.
Chúng ta nên nhớ rằng đời sống chúng ta quan hệ đến nhau rất nhiều. Chúng ta phải sống sao cho danh Chúa được tôn cao. Khi nào chúng ta sống như thế, Chúa sẽ bắt đầu làm việc mới lạ. Khi nào chúng ta sống như thế thì những cánh cửa trong trần gian sẽ tung mở cho Hội-thánh Chúa bước vào. Nan đề hiện nay trong nhiều Hội-thánh là người đời nhìn vào thấy nhiều thói xấu, phê bình chỉ trích nhau, thái độ không tử tế và thiếu cam kết sống thương yêu hòa hợp. Người trong Chúa sống không khác gì người đời và một mặt có vẻ kỉnh kiềng thiêng liêng trong các nghi lễ, nhưng bên ngoài lại sống không đạo đức chút nào.
Chúng ta cần sống biệt riêng ra cho Chúa, theo đúng nguyên tắc của Ngài và không có gì đáng cho người đời chê trách.