"Còn như tôi, tôi hẳn chẳng khoe mình, trừ ra khoe về thập tự giá của Đức Chúa Giê-xu Christ chúng ta" (Ga-la-ti 6:14).
Câu hỏi suy ngẫm: Biểu tượng niềm tin của người Cơ Đốc là cây thập tự. Bạn nghĩ gì về cây thập tự trong ánh sáng của sự Phục Sinh?
Ngày nay mọi người tin Chúa trên khắp thế giới chỉ công bố một sứ điệp, đó là CHÚA ĐÃ SỐNG LẠI!
Cơ Đốc giáo là tôn giáo duy nhất thờ một Đức Chúa Trời hằng sống, một Chúa Giê-xu là Đấng đã chết nhưng đã sống lại. Người ta không thể tìm được xương, tóc của Ngài.
Thống đốc Phi-lát cho phép Giô-sép, một nghị viên Tòa Công Luận ở A-ri-ma-thê, đem xác Chúa xuống để chôn: "Khi đã đem xác Ngài xuống khỏi cây thập tự, người lấy vải liệm mà bọc, rồi chôn trong huyệt đã đục nơi hòn đá, là huyệt chưa chôn ai hết" (Lu-ca 23:50-53). Cây thập tự của Chúa đã trở thành một cây thập tự trống, vì Ngài đã chết, xác Ngài đã được đem xuống khỏi cây thập tự, được tẩm liệm và chôn trong mộ đá.
Dấu chỉ của sự phục sinh là cây thập tự trống. Thập tự giá vốn là biểu tượng của thất bại và nhục nhã, đã trở thành biểu tượng của chiến thắng và vinh quang. Sứ đồ Phao-lô nói, "Còn như tôi, tôi hẳn chẳng khoe mình, trừ ra khoe về thập tự giá của Đức Chúa Giê-xu Christ chúng ta" (Ga-la-ti 6:14). Biểu tượng về sự phục sinh của cây thập tự trống mang những hình ảnh đầy ý nghĩa:
Cây thập tự trống là hình ảnh về sinh tế. Phương cách thông thường trong thời Cựu Ước là giết một con vật để chuộc tội thay cho mình. Qua sự chết của con vật, người dâng sinh tế được tha tội và được hòa giải với Đức Chúa Trời. Kinh Thánh cho biết Chúa Giê-xu đã chết như một sinh tế để chuộc tội chúng ta: "Vì Chúa Cứu Thế đã chết cho tội lỗi một lần đầy đủ cả, Đấng công chính thay cho người không công chính, để đem anh chị em đến với Đức Chúa Trời, Ngài đã chịu chết phần thân thể nhưng làm cho sống phần linh hồn" (I Phi-e-rơ 3:18 BDM).
Cây thập tự trống là hình ảnh về sự tha tội vì đó là nơi Chúa đã chết thay con người. "Mọi người đều đã phạm tội, hụt mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời." Theo quy luật của Đức Chúa Trời, "tiền công của tội lỗi là sự chết," và "linh hồn nào phạm tội thì linh hồn đó phải chết." Nhờ sự chết của Chúa Giê-xu trên thập tự giá chúng ta được tha thứ, được thanh tẩy mọi tội lỗi và thoát khỏi hình phạt đời đời trong địa ngục: "Cho nên hiện nay chẳng còn có sự đoán phạt nào cho những ai ở trong Chúa Cứu Thế Giê-xu" (Rô-ma 8:1).
Cây thập tự trống là hình ảnh về sự cứu vớt. Chúa Cứu Thế Giê-xu là Đấng duy nhất có quyền cứu rỗi con người: "Chẳng có sự cứu rỗi trong Đấng nào khác; vì ở dưới trời, chẳng có danh nào khác ban cho loài người, để chúng ta phải nhờ đó mà được cứu" (Công Vụ 4:12).
Cây thập tự trống là hình ảnh của chiến thắng. Sự chết của Chúa dưới mắt mọi người và môn đệ Ngài lúc đó là hình ảnh của thất bại, kết thúc mọi hy vọng (Lu-ca 24:18-21). Nhưng Chúa đã sống lại, Ngài phá tan xiềng xích của sự chết, tội lỗi và ma quỷ trói buộc con người. Phao-lô reo lên một cách đắc thắng, "Cái nọc của sự chết là tội lỗi, sức mạnh của tội lỗi là luật pháp. Nhưng tạ ơn Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta sự đắc thắng, nhờ Chúa chúng ta là Chúa Cứu Thế Giê-xu" (I Cô-rinh-tô 15:56-57).
Cây thập tự trống là hình ảnh về đời sống người tin theo Chúa cần phải noi dấu chân Ngài. Kinh Thánh nói, "Nhưng Đức Chúa Trời đã tỏ tình yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là tội nhân thì Chúa Cứu Thế đã chết thay cho chúng ta" (Rô-ma 5:8). Sự bày tỏ tình yêu này khiến chúng ta ăn năn tội của mình và quay về thờ phượng Ngài. Con Đức Chúa Trời đã mang thể xác con người để dạy chúng ta bằng lời nói lẫn việc làm để làm gương cho chúng ta. Chúa kêu gọi các môn đệ hãy theo gương Ngài: "Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ chính mình, hằng ngày vác thập tự giá mình và theo Ta" (Lu-ca 9:23). Sứ đồ Phi-e-rơ cũng nói, "Chúa Cứu Thế cũng đã chịu khổ cho anh chị em, lưu lại cho anh chị em một gương, để anh chị em noi dấu chân Ngài" (I Phi-e-rơ 2:21).
Cây thập tự trống có là niềm vinh hạnh về sự đắc thắng cho bạn không? Tại sao? Bạn bày tỏ niềm vinh hạnh đó với ai?
Chúa ơi, xin giúp con luôn nghĩ đến thập tự giá của Ngài để luôn yêu mến và phục vụ Ngài theo gương hy sinh của Ngài.
(c) 2024 svtk.net