1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:13-16
13 Bởi vậy, chúng tôi tạ ơn Đức Chúa Trời không thôi về sự anh em tiếp nhận lời của Đức Chúa Trời mà chúng tôi đã truyền cho, không coi như lời của loài người, bèn coi như lời của Đức Chúa Trời, vì thật là lời Đức Chúa Trời, cũng hành động trong anh em có lòng tin.
14 Hỡi anh em, anh em thật đã trở nên người bắt chước các hội thánh của Đức Chúa Trời tại xứ Giu-đê, là các Hội thánh trong Đức Chúa Jêsus Christ: anh em đã chịu khổ bởi người Giu-đa,
15 là người đã giết Đức Chúa Jêsus và các Đấng tiên tri, đã bắt bớ chúng tôi; làm trái ý Đức Chúa Trời và thù nghịch với mọi người nữa,
16 ngăn trở chúng tôi giảng dạy dân ngoại cho được cứu, lại hằng đầy dẫy cái lượng tội lỗi mình. Nhưng cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời sau hết đã đến trên họ.
Tiếp Nhận Chân Lý
Trong nguyên văn, câu 13 có hai từ tiếp nhận, mặc dù trong bản Kinh Thánh tiếng Việt của chúng ta chỉ có một. Từ tiếp nhận thứ nhất, chỉ có nghĩa là nghe", nghĩa là đón nhận thông tin. Từ thứ hai, mặc dù không dịch trong tiếng Việt, nhưng có hàm nghĩa, có thể dịch là đón nhận, nhận với niềm sung sướng và vui thích. Nghĩa là nghe Lời Chúa bằng tai và đáp ứng bằng tâm hồn.
Đó chính là cách người ta tiếp nhận Tin Mừng. Thoạt đầu Tin Mừng đến với chúng ta một cách khách quan, như là một mạc khải khách quan về Chúa Giê-xu. Nhưng Lời Chúa không bao giờ thay đổi đời sống chúng ta cho đến khi nào trở thành chủ quan, nghĩa là cá nhân ta tiếp nhận với cả tâm hồn mình.
Vì thế nên cách tiếp nhận Lời Chúa rất là quan trọng. Cuộc đổi thay tâm linh không phải chỉ là chấp nhận trong tư tưởng một số nguyên tắc nào đó là đúng. Đổi thay tâm linh là bằng lòng để chủ quyền của Chúa Giê-xu quản trị tâm hồn mình.
Phao-lô gọi sứ điệp của Đức Chúa Trời là "Lời Đức Chúa Trời" và "không phải lời loài người". Văn hóa Hi-lạp đã sản sinh ra những triết gia và tư tưởng gia siêu hạng của lịch sử nhân loại và trong thời gian mà Lời Chúa được rao truyền, Phao-lô rất dễ sáp nhập vào hàng ngũ các triết gia nổi danh thời đó. Nhưng Phao-lô đã loại bỏ tư tưởng này và chọn thông tin về khôn ngoan của Thượng Đế.
"vì thật là lời Đức Chúa Trời, cũng hành động trong anh em có lòng tin."
Hành động đây mang tính chất hoạt động siêu hình, nhưng không phải lúc nào cũng áp dụng cho Chúa được. Vì Sa tan cũng hành động, nhưng tại đây Phao-lô có ý nói rằng "Đó là lời siêu việt của Chúa hành động trong anh em. Chính Chúa làm việc đó."
Nhiều người hỏi rằng: "Làm sao tôi có thể trở thành người mà tôi phải trở thành?" Nếu chúng ta nghe Lời Chúa bằng tai và ký thác tâm hồn và đời sống vào lời ấy, Chúa sẽ hành động áp dụng lời Ngài qua chúng ta. Chúng ta nhiều lần chán nản vì cố gắng làm điều đúng, điều tốt mà cứ thất bại. Lý do có thể là vì chứ học bí quyết để cho Lời Chúa hành động qua chúng ta.
Trong câu này chó chữ "tin". Tin đây là trong hiện tại chứ không phải quá khứ, và có nghĩa là đang hết lòng tin. Một đời sống ký thác với Chúa luôn luôn tin cậy và áp dụng đức tin vào đời. Như thế tiếp nhận chân lý, Lời Chúa là một kinh nghiệm liên tục.
Kết Quả của Lời Chúa
Khi ta tiếp nhận Lời Chúa thì có gì xẩy ra? Không phải khi ta tin Chúa, được cứu thì tất cả mọi việc đều nhất thiết diễn tiến thuận lợi êm xuôi cả đâu. Mọi sự sẽ không xẩy ra như chúng ta mong muốn, và cũng không phải là rồi chúng ta sẽ không bao giờ gặp khó khăn gì.
Phao-lô viết: "Hỡi anh em, anh em thật đã trở nên người bắt chước các hội thánh của Đức Chúa Trời tại xứ Giu-đê, là các Hội thánh trong Đức Chúa Jêsus Christ: anh em đã chịu khổ bởi người Giu-đa,"
Kết quả của việc tiếp nhận Lời Chúa trong đời sống người tin Chúa tại Tê-sa-lô-ni-ca không phải là an bình, nhưng là khó khăn. Những người sống gần họ, có thể ngay những người trong gia đình bắt đầu làm khó dễ. Họ gặp chống đối ở mọi ngã quanh của cuộcđời.
Cuộc bách hại, làm khó dễ luôn luôn đến với người tin Chúa. Luôn luôn có sự chống nghịch khi Lời Chúa hành động trong ta. Phao-lô đã chân thành và giản dị nói rằng: "Các anh em sẽ đi con đường mà những người thánh khác đã đi. Anh em đã được cứu và cũng đã chịu bách hại."
Bách hại, chống đối có thể xuất hiện dưới hình thức chê cười. Người ta sẽ trêu ghẹo hay chế diễu chúng ta. Những người khác loại bỏ và xa cách chúng ta. Áp lực có thể tạo ra dưới hình thức bắt người tin Chúa làm những việc nặng nhọc hơn và đòi hỏi những chuyện vô lý hơn. Nghĩa là chống đối, bách hại trong nhiều hình thức sẽ xẩy ra.
Cuộc bách hại chống đối tín hữu Tê-sa-lô-ni-ca đến từ phía người theo đạo Do-thái lẫn những người ngoại giáo. "anh em đã chịu khổ bởi người Giu-đa," Nghĩa là bị chính đồng bào mình chống đối. Điều này nhắc ta nhớ rằng, cuộc chống đối gây khó dễ đến từ những người bên trong hội thánh cũng như bên ngoài. Đôi khi chống đối mạnh nhất khi Lời Chúa hành động trong ta lại đến từ những người tự xưng là đã có kinh nghiệm với Chúa.
Tuy nhiên khi họ cùng chia sẻ cuộc chống đối bách hại, họ cũng cùng có một Đấng Yên Ủi. "anh em thật đã trở nên người bắt chước các hội thánh của Đức Chúa Trời tại xứ Giu-đê, là các Hội thánh trong Đức Chúa Jêsus Christ."
Chúng ta ở trong Chúa Cứu Thế. Chúng ta sống, hành động và hiện hữu trong Chúa. Khi chúng ta bị bách hại là Chúa bị bách hại. Chúng ta không chống cự với xác thịt và máu huyết, nhưng chống cự với các chủ quyền và quyền phép từ ma quỷ. Cuộc bách hại nào, chống đối nào cũng tượng trưng cho sự xung khắc giữa Chúa và ma quỷ.
Nổi Loạn Chống Lại Lời Chúa
Ta nên lưu ý cuộc chống nghịch Lời Chúa trong các câu 15 và 16.
người Giu-đa,
là người đã giết Đức Chúa Jêsus và các Đấng tiên tri, đã bắt bớ chúng tôi; làm trái ý Đức Chúa Trời và thù nghịch với mọi người nữa, ngăn trở chúng tôi giảng dạy dân ngoại cho được cứu, lại hằng đầy dẫy cái lượng tội lỗi mình. Nhưng cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời sau hết đã đến trên họ.
Phao-lô liệt kê tại đây tội lỗi của người Do-thái và các hậu quả. Họ không kiên nhẫn với ai cả, họ đã ném đá các tiên tri sứ giả của Chúa, đã giết chết Chúa Giê-xu. "Chúa" là tên ở trên trời và "Giê-xu" là tên ở dưới đất của Chúa. Người Do-thái đã giết Trời-Người là Chúa Giê-xu. Rồi họ bách hại và chống đối người tin Chúa. Những người ấy nghĩ rằng họ bách hại chúng ta, giết Chúa Giê-xu, ném đá các tiên tri sứ giả của Chúa, nhưng thật sự khi làm các việc này, họ đang trực tiếp chống lại Chúa.
Phao-lô tiếp: "làm trái ý Đức Chúa Trời và thù nghịch với mọi người nữa," Khi người nào không ưa thích Chúa, chống lại Chúa, thì người ấy cũng trở thành kẻ thù của loài người. Khi chúng ta sống không vừa lòng Chúa, thì chúng ta cũng không thuận thảo với người nào cả.
Những người ấy đã cấm Phao-lô và các bạn giảng truyền tin mừng cho người không phải là Do-thái, vì không muốn cho những người ấy được Chúa cứu vớt. Người Do-thái tin rằng họ là dân Chúa, đúng như thế. Nhưng họ cho rằng làm tuyển dân của Chúa là một đặc ân hơn là một trách nhiệm. Họ không bao giờ nghĩ rằng Chúa chọn họ để phục vụ cho Ngài, không phải để họ khoe khoang. Họ không được chọn để làm đầu mọi người, nhưng họ được lựa chọn để thành một dụng cụ của Chúa dùng tiếp cận với thế giới. Chúa muốn dùng Do-thái để cứu mọi người khác trên trần gian, nhưng họ không muốn như thế. Họ không muốn ai biết đến Chúa và được cứu vớt, đó là một tội nặng.
Họ tiếp tục phạm tội cho đến khi: "lại hằng đầy dẫy cái lượng tội lỗi mình. Nhưng cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời sau hết đã đến trên họ."
Đó là cách người xưa chống đối đạo Chúa. Ngày nay cũng có hai cách con người chống đối Chúa.
Cách thứ nhất là chống lại những gì Chúa đang thực hiện. Có những người quyết tâm chống lại bất cứ điều gì Chúa muốn hoàn thành. Họ chống lãnh đạo của Hội Thánh. Bất cứ khi nào có một mục tiêu tâm linh đặt ra, hay một hướng tâm linh nào vạch ra thì họ hoàn toàn tiêu cực. Họ luôn trông chờ những gì làm cho họ vui thích. Chúng ta cũng vậy, nhiều khi chúng ta chống lại Chúa bằng cách gây khó cho Chúa thực hiện những điều mà Ngài muốn thực hiện cho dân Ngài.
Cách Chúa hành động trong ta nhiều khi giống như bác sĩ giải phẫu. Lời Chúa truyền qua cả những khước từ mong manh của ta. Xé bỏ những mặt nạ giả hình mà ta thường mang lên để trốn tránh kẻ khác. Chúng ta chống nghịch lời Chúa khi không để cho Chúa tự do hành động theo ý Ngài trong đời ta và trong đời sống người khác, mặc dù thường khi rất khó chịu. Khi ta chống lại những gì Chúa làm cho người của Chúa là thực sự chống lại Chúa.
Cách thứ hai mà chúng ta chống nghịch lại lời Chúa là ngăn cản việc giảng truyền Lời Chúa. Không chịu đi nhà thờ là một cách chống việc giảng truyền lời Chúa, vì lúc ấy ta không nghe lời Chúa. Nhiều khi đi nhà thờ mà không chịu nghe giảng, cũng là cách chống lời Chúa. Không chịu dâng tiền bác và tài năng hỗ trợ Hội-thánh cũng là ngăn cản việc truyền giảng lời Chúa.
Dĩ nhiên, không ai là người tin Chúa mà lại chống lời Chúa, nhưng nhiều khi chúng ta hành động mà không hay. Xin Chúa giúp chúng ta nghe được Lời Chúa hôm nay và tiếp nhận vào tâm hồn chúng ta.