1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:17-20
"17 Hỡi anh em, về phần chúng tôi, đã xa cách anh em ít lâu nay, thân tuy cách nhưng lòng không cách, chúng tôi đã nôn nả biết bao, tìm phương để thỏa lòng ao ước, lại thấy mặt anh em.
18 Vì vậy, đã hai lần, chúng tôi, nhứt là tôi, Phao-lô, muốn đi đến cùng anh em; nhưng quỉ Sa-tan đã ngăn trở chúng tôi.
19 Vì sự trông cậy, vui mừng và mão triều thiên vinh hiển của chúng tôi là gì, há chằng phải là anh em cũng được đứng trước mặt Đức Chúa Jêsus chúng ta trong khi Ngài đến sao?
20 Phải, anh em thật là sự vinh hiển và vui mừng của chúng tôi vậy."
Sứ đồ Phao-lô viết thư Tê-sa-lô-ni-ca xác nhận tình thương của ông đối với các tín hữu và đảm bảo với họ là lúc nào ông cũng sẵn sàng giúp đỡ và khuyến giục họ. Tuy nhiên chính Sa-tan đã can thiệp vào và gieo mối nghi ngờ về động cơ thúc đầy Phao-lô làm các công tác tại Tê-sa-lô-ni-ca. Chúa đang làm việc, nhưng bỗng nhiên có người đặt vấn đề động cơ thúc đẩy và gieo rắc nghi ngờ giữa các anh em. Điều này đã xẩy ra tại Tê-sa-lô-ni-ca, và trong nhiều năm vẫn không thay đổi.
Tình thương yêu chan chứa
Đọc những câu trong lá thư này chúng ta thấy ngay tình thương sâu đậm của Phao-lô đối với các tín hữu tại Tê-sa-lô-ni-ca. Ông mở đầu bằng cách gọi họ là "Anh em thân yêu", một cách gọi thương mến. Đây là lối xưng hô của những người anh em trong Chúa, thương yêu nhau và lo lắng cho nhau. Trong Kinh Thánh thì đây là cách xưng hô của những người cùng niềm tin nơi Chúa mà thôi. Trong Việt ngữ ta thường thêm anh chị em thân yêu, vì như thế đầy đủ hơn. Những người tin Chúa đều là anh em chị em với nhau và sống trong tình thương của Chúa.
"Đã xa cách anh em ít lâu nay" Trong nguyên văn câu này chỉ là một chữ và có nghĩa là bị bất ngờ xé rời ra khỏi người ruột thịt trong một thời gian. Câu này nói ra trong ý nghĩ buồn bã cô đơn. Chúng ta hiểu thân tình của Phao-lô như thế nào đối với người Tê-sa-lô-ni-ca, vì dù chỉ xa cách một thời gian mà ông cho là mất mát khá nhiều.
Phao-lô tiếp "thân tuy cách nhưng lòng không cách." Người ta bảo "xa mặt cách lòng", nhưng Phao-lô bảo: "thân cách nhưng lòng không cách" Nghĩa là anh chị em vẫn ở trong tâm hồn chúng tôi dù cho không gặp gỡ nhau.
Phao-lô viết "Chúng tôi đã nôn nả biết bao, tìm phương để thỏa lòng ao ước lại thấy mặt anh em." Câu này chứng tỏ Phao-lô không xã giao, nhưng thực sự nóng nẩy tìm cách gặp gỡ các bạn của ông.
Sự can thiệp của Sa-tan
"Nhưng quỷ Sa-tan đã ngăn trở chúng tôi" sự can thiệp của Sa-tan bao giờ cũng gây trở ngại cho công việc của Chúa. Chữ "ngăn trở" trong câu này nguyên ngữ là "cắt đứt", dùng trong trường hợp cắt đứt một trục lộ, ngăn không cho ai đi qua, gây trở ngại cho người nào không đến được nơi muốn đến.
Sa-tan làm cách nào ngăn trở chúng ta? Đôi khi bằng bệnh tật. Phao-lô có thân hình gầy yếu và dễ mắc tật bệnh. Hoặc là Sa-tan gây rắc rối trong các hội thánh mà Phao-lô đang phục vụ. Chính vì các nan đề do ma quỷ gây ra mà Phao-lô không được tự do đến với họ. Mặt khác, cũng có thể là Phao-lô nói đến tình hình tại Tê-sa-lô-ni-ca không cho phép ông trở lại vì các đám đông dân chúng và chính quyền đã từng xua đuổi và trục xuất Phao-lô cũng như các bạn ông ra khỏi nơi ấy.
Chúng ta không biết rõ ma quỷ đã ngăn trở họ như thế nào, nhưng chắc chắn là ma quỷ luôn luôn ngăn cản người của Chúa trong các công việc. Nó thường ném ra những vật cản để ta không sao đạt đến mục đích. Ta cũng nên nhớ, ma quỷ là kẻ luôn phá đổ, gây nản chí, tạo khó khăn và thất vọng trong lòng người phục vụ Chúa. Đây là thực sự mà chúng ta phải nhận ra để xin Chúa cứu giúp và giải tỏa.
Ta cần nhớ một điều, ma quỷ có thể gây trở ngại, nhưng Chúa không ngạc nhiên, và các chương trình của Chúa không sức mạnh nào ngăn cản được. Ta thử tưởng tượng khi Chúa bị đóng đinh hành hình trên thập giá thì phong trào nước Trời của Chúa Giê-xu coi như rã tan, các môn đệ của Ngài trốn vào một nơi chờ đợi tai họa đến với họ. Lúc ấy chắc chắn Sa-tan reo mừng, tưởng chừng nó đã thắng lớn, nhưng ngay sự việc Chúa bị hành hình cũng nằm trong chương trình thiên hựu của Chúa. Bàn tay của Chúa vẫn điều khiển các mục tiêu kín giấu của Ngài cho đến thành công mặc dù những vật cản do ma quỷ dựng nên khá gay go. Cuối cùng Chúa vẫn toàn thắng.
Chiến trận đã thắng. Sa-tan là kẻ chiến bại, vì khi Chúa Giê-xu sống lại từ cõi chết, Ngài đã đóng ấn lên số phận của Sa-tan. Chúa hoàn toàn làm chủ.
Điều ta đáng chú ý là Sa-tan quan tâm rất nhiều đến ba nhà truyền giáo này. Nó dường như không lo cho lắm về ông hoàng Nero hay những con người "quan trọng" khác trong lúc đó. Tuy nhiên nó tấn công ba nhà truyền giáo tầm thường này. Ta nên nhớ rằng, kẻ thù đáng sợ nhất, tệ hại nhất của Sa-tan chính là những người truyền rao tin mừng về ơn cứu chuộc của Chúa Giê-xu. Nó không muốn tin mừng về sự tha thứ và ơn cứu độ được loan truyền trong một thế giới đang dẫy chết này.
Nó không quan tâm đến một nhóm người nào gọi là Hội-thánh nếu nhóm người đó không đặt nặng vấn đề giảng truyền tin mừng. Nhưng khi thấy ai đứng ra truyền rao về chân lý muôn đời của Chúa, Sa-tan sẽ bắt tay làm việc ngay. Thực ra, nếu không có những cơn bão do Sa-tan gây ra chúng ta đáng lo ngại, vì nếu Sa-tan không làm gì cả có thể vì chúng ta không phục vụ Chúa tận tuỵ.
Sa-tan không khôn ngoan gì đâu, nó chỉ quỷ quyệt mà thôi. Nhưng cuối cùng nó cũng vẫn chạy đâm đầu vào chân tường. Trường hợp ông Gióp là một điển hình. Một con người thánh thiện về đủ mặt, một công dân gương mẫu, một người mà ai cũng phải bảo: "Người thánh phải như ông Gióp mới là xứng đáng". Thế nhưng Gióp đã chịu đủ loại bất công, đủ cách hiểu lầm. Dù không làm gì nên tội, Gióp mất hết cả tài sản và gia đình, nghĩa là con cái chết hết, và gia súc bị cướp mất cả. Đã thế, mấy người bạn không an ủi thì chớ, còn buông lời lên án kết tội. Nghĩa là tất cả những gìđau khổ nhất cho con người, đã xẩy ra cho thân phận của Gióp. Sa-tan tưởng chừng đã thắng Gióp, thắng cả Chúa nữa, nhưng không phải vậy. Câu chuyện Gióp đã giúp chúng ta thấy sự thật về Chúa và về mưu độc của Sa-tan. Nhưng qua mọi thử thách, Chúa vẫn đưa lại đắc thắng cho con dân trung tín của Ngài.
Sa-tan tưởng chừng nó làm cạn năng lực của Hội Thánh. Nhưng Chúa vẫn thực hiện các mục đích của Ngài qua chúng ta. Chúa vẫn cầm quyền và mọi mục tiêu của Chúa đều thực hiện không sai trật.
Câu hỏi đặt ra là: "Làm sao chúng ta biết được hoàn cảnh nào là do Sa-tan đưa đến và hoàn cảnh nào do Chúa đưa đến?" Trong Công vụ các Sứ đồ có hai lần Phao-lô nói đến việc Thánh Linh của Chúa ngăn cản ông hành động. Làm thế nào biết được việc ngăn cản là do Sa-tan hay là do Thánh Linh ?
Trước tiên ta cần định cho rõ tính chất của việc ngăn cản đó. Nếu việc ngăn cản đi ngược lại với mục đích của Chúa dành cho cuộc đời chúng ta, nếu việc ngăn cản đó làm, chúng ta không còn thánh khiết và hữu dụng nữa, nếu việc ngăn cản đó làm chúng ta không trưởng thành và tăng trưởng, thì chúng ta phải xác nhận là do Sa-tan gây ra.
Thứ hai, nếu việc ngăn cản nào làm thỏa mãn con người thể chất và ham muốn của chúng ta, thì đó là do Sa-tan. Nếu việc ngăn cản làm thỏa mãn cá tính, làm chúng ta kiêu căng hơn, đáp ứng đòi hỏi của con người xác thịt, thì phải do Sa-tan.
Nhưng nếuj sự cản trở là một cái gì ngược lại với bản tính xác thịt, thì có thể Chúa đã giảm đi những gì dư thừa trong cuộc đời chúng ta, đẽo gọt các bờ thô nhám cho chúng ta thích ứng với đền thờ mà Ngài đang xây dựng.
Ta cũng có thể phân biệt cản trở là từ Sa-tan hay do Chúa qua thời gian mà cản trở đến với chúng ta. Nhiều lần khi ta đang cầu nguyện hay đọc Kinh Thánh bỗng nhữn g ý nghĩ tham dục, nhơ bẩn đến với tâm trí ta. Chắn đó là cản ngăn do ma quỷ đưa ra. Sa-tan tấn công ngay vào sự tập trung tư tưởng và mục đích của chúng ta.
Ngôi cuả Chúa Cứu Thế
"Vì sự trông cậy, vui mừng và mão triều thiên vinh hiển của chúng tôi là gì, chẳng phải là anh em cũng được đứng trước mặt Đức Chúa Jêsus chúng ta trong khi Ngài đến sao?
20 Phải, anh em thật là sự vinh hiển và vui mừng của chúng tôi vậy."
Nguyên văn câu này có thể dịch là: "Anh em không đứng trước mặt Chúa Giê-xu hay hiện diện khi Ngài tái lâm sao?"
Chúng ta cần nhắc lại uy quyền của Chúa chúng ta đối với Sa-tan. Chiến thắng thuộc về chúng ta trong Chúa Giê-xu. Sa-tan là kẻ giả mạo,và lừa dối. Khi Môi-se ném cây gậy xuống đất, gậy biến ra rắn. Các phù thuỷ Ai-cập, nhờ bù phép cũng làm ra rắn bằng gậy của họ, nhưng con rắn của Môi-se nuốt các con rắn của họ.
Sa-tan không bao giờ giữ lời hứa. Chính vì vậy mà thế gian tuyệt vọng. Thế gian đầy dẫy những phương cách đáp ứng lòng tham và nhục dục, nhưng không bao giờ tạo thỏa mãn. Nhưng Chúa Giê-xu đã hứa với uy quyền của Ngài. Phao-lô day: "Vì sự trông cậy, vui mừng và mão triều thiên vinh hiển của chúng tôi là gì, chẳng phải là anh em cũng được đứng trước mặt Đức Chúa Jêsus chúng ta trong khi Ngài đến sao?" Một trong những niềm vui nhất của người tin Chúa là thấy được đời sống của những người đã đến với Chúa do mình hướng dẫn. Vinh quang của người thầy là học trò. Vinh quang của mỗi người truyền rao lời Chúa là những người tin nhận. Khi chúng ta đứng trước ngôi Chúa, mão triều thiên vinh hiển của chúng ta là những cuộc đời mà chúng ta đã đụng chạm tới cho Chúa.
Trong nguyên ngữ Hi-lạp có hai từ dành cho mão miện. Một là mão triều, tức là vương miện của vua, thứ hai là mũ hay vòng hoa trên đầu của người chiến thắng. Những người tin Chúa sẽ là mão miện đắc thắng của những ai truyền rao phúc âm cho họ.
Như thế, dù xa cách, dù bị Sa-tan cản ngăn không tương giao với nhau được, nhưng một ngày kia mọi người sẽ đứng trước ngôi vinh quang của Chúa trong niềm hân hoan và hãnh diện.
Thưa quý thính giả, chúng ta cũng vậy. Chúng tôi và quý vị vì hoàn cảnh, không gặp nhau, cũng không biết đến cả tên nhau nữa, nhưng chúng ta là anh em chị em thân yêu trong Chúa. Chúng ta hãy sát cánh phục vụ Chúa cứu đồng bào, vì ngày Chúa gần đến và thời gian chúng ta sống không còn bao lâu nữa. Hãy làm công việc Chúa dư dật luôn, vì công khó của chúng ta trong Chúa không bao giờ vô ích đâu.