"Vả, như thân là một, mà có nhiều chi thể, và như các chi thể của thân dù có nhiều cũng chỉ hiệp thành một thân mà thôi, Đấng Cơ Đốc khác nào như vậy" (câu 12).
Câu hỏi suy ngẫm: Mối thông công trong Hội Thánh được Thánh Kinh mô tả thế nào? Vì sao Cơ Đốc nhân cần phải gắn bó với Hội Thánh? Bạn gắn bó với Hội Thánh địa phương thế nào?
Leo núi là một môn thể thao rất nguy hiểm. Những vận động viên tham dự phải được huấn luyện thật cẩn thận và phải tuân theo những kỷ luật nghiêm nhặt trong khi leo núi để bảo đảm sự an toàn của họ. Một trong những kỷ luật khi một đoàn leo núi bắt đầu là phải dùng một sợi dây dài thật chắc chắn để buộc chặt với nhau thành một đoàn dài. Mục đích của việc này là để tương trợ lẫn nhau khi có sự nguy hiểm xảy ra. Nếu một người bị trợt chân ngã xuống thì anh ta sẽ không rơi xuống vực sâu mà được cả đoàn giữ lại nhờ sợi dây buộc cho đến khi anh tìm được chỗ để bám vào và tiếp tục trèo lên. Về phương diện thuộc linh, quan hệ giữa Cơ Đốc nhân và Hội Thánh cũng giống vậy. Tất cả con cái Chúa trong Hội Thánh cũng được kết hợp với nhau nhờ mối thông công mật thiết. Mối thông công này chẳng những giúp cho cả Hội Thánh cùng tiến lên mà còn có tác dụng nâng đỡ và phục hồi khi có một thành viên bị "té ngã." Nhờ sợi dây thông công mà người này được Hội Thánh giữ vững trong sự an toàn cho đến khi tìm lại được chỗ đứng và tiếp tục tiến lên.
Theo Chúa hay tin nhận Chúa có nghĩa là trở thành một chi thể của thân thể Đấng Cơ Đốc tức là Hội Thánh và gắn bó với những anh chị em tín hữu khác như là chi thể của nhau: "chúng ta là nhiều người mà hiệp nên một thân trong Đấng Cơ Đốc, và hết thảy chúng ta đều là các phần chi thể của nhau" (Rô-ma 12:5). Hội Thánh chính là thân thể Chúa, là một thực thể mầu nhiệm do chính Chúa dựng nên, cho dù Hội Thánh vẫn còn có những khuyết điểm hay nhược điểm. Đối với chính Chúa Giê-xu, Hội Thánh quan trọng đến nỗi Ngài đã chết trên thập giá cho Hội Thánh: "Đấng Cơ Đốc đã yêu Hội Thánh, phó chính mình vì Hội Thánh" (Ê-phê-sô 5:25b). Cho nên khi cam kết rằng mình thuộc về Chúa, chúng ta cũng phải quí trọng thân thể của Ngài như Ngài đã quý trọng, và do đó Cơ Đốc nhân không thể xem thường tư cách thuộc viên của mình trong Hội Thánh địa phương. Là thuộc viên của Hội Thánh địa phương là một phước hạnh Chúa ban cho chúng ta và tại đó chúng ta cũng biết mình cần đến nhau.
Chi thể trong một thân thể chỉ có thể tồn tại, khỏe mạnh, phát triển, và làm tròn chức năng của mình khi được gắn liền với thân thể. Cũng một cách như vậy, Cơ Đốc nhân cũng phải được gắn liền với thân thể của Chúa qua Hội Thánh địa phương để đời sống tin kính của họ tồn tại, khỏe mạnh, phát triển, và cuộc sống của họ làm trọn mục đích tốt đẹp mà Đức Chúa Trời đã dành cho cuộc sống của họ. Họ chỉ có thể khám phá ý nghĩa đích thực của cuộc sống Cơ Đốc nhân trong môi trường của Hội Thánh. Dù nhiều chi thể chúng ta chỉ có một thân (câu 12), do đó chúng cần tôn trọng nhau, cần cảm thông nhau. Nếu mọi thuộc viên trong Hội Thánh đều ý thức được giá trị của tư cách thuộc viên và hết lòng sống đúng vai trò của mình trong việc xây dựng thân thể Đấng Cơ Đốc, chắc chắn Hội Thánh đó sẽ kinh nghiệm được tình yêu và ân sủng của Chúa một cách dư dật trên đời sống của cả Hội Thánh và từng cá nhân tín hữu.
Để gây dựng thân thể của Đấng Cơ Đốc, bạn cùng anh chị em trong Hội Thánh cần đối xử với nhau thế nào? Mối tương giao đó giúp bạn gắn bó với anh chị em trong Hội Thánh ra sao?
Chúa ôi, xin giúp con tích cực xây dựng mối liên hệ với anh chị em trong Hội Thánh để cùng phát triển vương quốc của Ngài.
(c) 2024 svtk.net