"Lại, trong các chi thể, khi có một cái nào chịu đau đớn, thì các cái khác đều cùng chịu; và khi một cái nào được tôn trọng, thì các cái khác đều cùng vui mừng" (I Cô-rinh-tô 12: 26).
Câu hỏi suy ngẫm: Là chi thể trong thân, tại sao Cơ Đốc nhân nhận công việc, chức phận khác nhau? Điều đó có ích lợi gì cho nhau? Cho Hội Thánh? Tại sao sự hiệp một trong thân Đấng Cơ Đốc đem lại an ninh trong mối thông công?
Một mục sư ghé thăm một tín hữu đã lâu ngày không đi thờ phượng Chúa và không sinh hoạt với Hội Thánh. Mặc dù ông mục sư chỉ hỏi thăm sức khỏe và hoàn cảnh gia đình, nhưng vị tín hữu này cảm thấy áy náy và tự đưa ra hết lý do này đến lý do khác giải thích cho việc vắng mặt lâu ngày của mình. Nói xong, vị tín hữu nhìn ông mục sư chờ đợi vì nghĩ rằng mình sắp sửa nghe một bài "thuyết giảng." Nhưng ông mục sư ngồi yên, không nói gì. Một chốc, vị mục sư đưa cây kẹp than gắp một cục than đang cháy đỏ hồng trong lò sưởi để ra bên ngoài. Hơi ngạc nhiên vì thái độ yên lặng khó hiểu của ông mục sư, người tín hữu dõi mắt nhìn theo cục than một cách tò mò. Cục than được gắp ra tiếp tục cháy đỏ hồng, một lúc sau từ từ lụi tàn và cuối cùng thì tắt ngấm. Sau một hồi trầm ngâm suy nghĩ, vị tín hữu thở dài và nói với ông mục sư: "Mục sư ơi, cám ơn ông đã đến đây hôm nay. Tôi hiểu ý ông rồi... bắt đầu từ Chúa Nhật này tôi sẽ đi nhà thờ thờ phượng Chúa."
Hầu hết từ ngữ "Hội Thánh" trong Kinh Thánh đều được dùng để chỉ một Hội Thánh địa phương hữu hình, trừ một số ít trường hợp ngoại lệ đặc biệt được dùng để chỉ tập hợp toàn thể tín hữu xuyên suốt lịch sử. Do đó, tin nhận Chúa còn có nghĩa trở thành thuộc viên của một Hội Thánh địa phương. Dĩ nhiên, tư cách thuộc viên của một Hội Thánh địa phương không bảo đảm chúng ta là một Cơ Đốc nhân thật, nhưng là Cơ Đốc nhân chân chính chúng ta phải gắn chặt với một Hội Thánh địa phương, và mối thông công trong chi thể này đem đến sự yêu thương, tôn trọng, sự cảm thông, nâng đỡ, hỗ trợ, an ủi, khích lệ... (I Cô-rinh-tô 12:26), nghĩa là chúng ta được an ninh trong mối thông công này. Sự gắn bó với Hội Thánh trong một mối thông công mật thiết đem đến cho Cơ Đốc nhân những ích lợi lớn và cũng tạo cho họ có nhiều cơ hội để phục vụ Chúa.
Trước hết, sự gắn bó trong mối thông công với Hội Thánh xác nhận chúng ta là Cơ Đốc nhân thật và thực sự thuộc về thân thể Đấng Cơ Đốc.
Thứ hai, khi gắn bó trong mối thông công với Hội Thánh, ta sẽ thoát khỏi chỗ cô lập và sống vị kỷ, xoay quanh cái tôi. Hội Thánh là trường học dạy về nếp sống Cơ Đốc đẹp lòng Chúa và là nơi để Cơ Đốc nhân thực hành tình yêu không vị kỷ, cảm thông, và những mỹ đức khác của một Cơ Đốc nhân chân chính.
Thứ ba, mối thông công mật thiết với Hội Thánh giúp Cơ Đốc nhân tăng trưởng thuộc linh. Nếu chúng ta "tham dự" một Hội Thánh địa phương chỉ như một khán giả thì sẽ không bao giờ trưởng thành thuộc linh (ví dụ như đi dự các chương trình thờ phượng Chúa). Chỉ khi nào chúng ta có một mối thông công mật thiết với các tín hữu trong Hội Thánh và dự phần tích cực vào sinh hoạt của Hội Thánh thì mới thực sự nhận được sự trưởng thành thuộc linh. Kinh Thánh chép: "Ấy nhờ Ngài mà cả thân thể ràng buộc vững bền bởi những cái lắt léo, khiến các phần giao thông với nhau, tùy lượng sức mạnh của từng phần, làm cho thân thể lớn lên, và tự gây dựng trong sự yêu thương" (Ê-phê-sô 4:16). Hơn năm mươi lần Kinh Thánh Tân Ước dùng những nhóm từ ngữ "cùng nhau," "lẫn nhau" hay "cho nhau" để cổ vũ các Cơ Đốc nhân nâng đỡ, khích lệ nhau trên con đường trưởng thành thuộc linh. Mệnh lệnh cho con cái Chúa là phải yêu thương nhau, cầu nguyện cho nhau, khích lệ lẫn nhau, khuyên bảo nhau, phục vụ lẫn nhau, dạy dỗ nhau, chấp nhận nhau, tôn trọng lẫn nhau, mang gánh nặng cho nhau, tha thứ nhau, và nhiều công việc hỗ tương khác nữa. Khi con cái Chúa biết "nhận" và "cho" lẫn nhau trong một mối thông công mật thiết, tất cả đều sẽ được gây dựng và cùng nhau trưởng thành trong Chúa.
Một lợi ích thiết thực nữa là chúng ta sẽ được nâng đỡ để khỏi thối lui trong đức tin hay sa ngã. Không ai trong chúng ta không bị cám dỗ. Khi đứng một mình, chúng ta rất dễ đầu hàng những cám dỗ, sa ngã, và phạm tội. Nhưng nếu bên cạnh chúng ta có những người chăn bầy hướng dẫn hay có các anh chị em khác để nhắc nhở và nâng đỡ thì chúng ta có thêm sức để vượt qua những cám dỗ đó. Khi có một anh chị em nào đang ở trong tình trạng chao đảo thuộc linh thì chúng ta có trách nhiệm là nhắc nhở, kêu gọi, khích lệ, cổ vũ để đưa họ trở về trong mối thông công. Kinh Thánh chép: "Hỡi anh chị em, trong vòng anh chị em nếu có ai lầm lạc cách xa lẽ thật mà có người khác làm cho nó trở lại, thì phải biết rằng kẻ làm cho người có tội trở lại, bỏ đường lầm lạc, ấy là cứu linh hồn người khỏi sự chết..." (Gia-cơ 5:19-20).
Bạn đã được một tín hữu khác giúp thế nào trong lúc ngã lòng hay bị cám dỗ? Bạn có dịp giúp anh chị em nào trong Hội Thánh chưa? Giúp thế nào?
Lạy Chúa, xin cho con luôn được ở trong mối thông công mật thiết với các anh chị em cùng niềm tin khác để con được khích lệ, nâng đỡ trong đức tin cũng như xin sử dụng con theo ý Ngài để con có thể khích lệ, nâng đỡ đời sống đức tin của những người khác.
(c) 2024 svtk.net