1 Tê-sa-lô-ni-ca 3:6-10
6 Nhưng Ti-mô-thê ở nơi anh em mới trở về đây, có thuật cho chúng tôi tin tốt về đức tin cùng lòng yêu thương của anh em. Người lại nói rằng anh em thường tưởng nhớ chúng tôi, và ao ước gặp chúng tôi, cũng như chính chúng tôi ước ao gặp anh em vậy.
7 Hỡi anh em, như vậy thì ở giữa mọi sự gian nan khốn khó của chúng tôi, anh em đã lấy đức tin mình mà làm một cớ yên ủi cho chúng tôi đó.
8 Vì hiện nay chúng tôi sống, là tại anh em đứng vững trong Chúa.
9 Chúng tôi làm thể nào đặng đủ tạ ơn Đức Chúa Trời về anh em, vì chúng tôi bởi cớ anh em được đầy lòng vui vẻ ở trước mặt Đức Chúa Trời chúng tôi?
10 Đêm ngày chúng tôi cố sức nài xin Ngài cho phép chúng tôi lại gặp anh em, và gia thêm cho đức tin anh em điều chi còn kém.
Các câu Kinh Thánh trên đây trình bầy một tình thân yêu và tương giao giữa Sứ đồ Phao-lô và các tín hữu tại Tê-sa-lô-ni-ca. Thân tình trong Chúa là một lợi khí trong công việc truyền bá Phúc Âm. Trở ngại lớn nhất trong việc chinh phục tâm hồn người cho Chúa Cứu Thế không phải là chủ thuyết vô thần, nhưng là thiếu hợp nhất, thân tình và thương yêu trong Hội-thánh.
Một Hội-thánh muốn với tay ra ngoài để đưa người về với Chúa chắc chắn không thể nào thiết thân tình, thương yêu và cảm thông. Khi ta có các điều này, sẽ không lo là không có người tin Chúa. Nếu chúng ta thương yêu nhau, nếu có một mối thân tình kết chặt mọi người tin Chúa lại với nhau trong các mục đích vì Chúa thì mọi cánh cửa sẽ tung mở cho người bước vào tin Chúa. Các câu Kinh Thánh này chứa đựng nhiều điều ta có thể học được.
Phao-lô bắt đầu bằng cảm nghĩ của ông :
6 Nhưng Ti-mô-thê ở nơi anh em mới trở về đây, có thuật cho chúng tôi tin tốt về đức tin cùng lòng yêu thương của anh em. Người lại nói rằng anh em thường tưởng nhớ chúng tôi, và ao ước gặp chúng tôi, cũng như chính chúng tôi ước ao gặp anh em vậy.
7 Hỡi anh em, như vậy thì ở giữa mọi sự gian nan khốn khó của chúng tôi, anh em đã lấy đức tin mình mà làm một cớ yên ủi cho chúng tôi đó.
Phao-lô đã gởi Ti-mô-thê đến Tê-sa-lô-ni-ca như một người đại diện của ông, và khi Ti-mô-thê trở về thuật lại mọi việc, Phao-lô đã vội vàng viết thư này như chuyện khẩn cấp phải làm, chứng tỏ lòng thương yêu quý mến của ông với các tín hữu tại Tê-sa-lô-ni-ca cao quý dường nào.
Ti-mô-thê cho Phao-lô biết về đức tin và lòng thương yêu của người Tê-sa-lô-ni-ca, và Phao-lô gọi là tin tốt. Người tin Chúa rất muốn biết tin về nhau, nhưng không phải tin về làm ăn, về con cái, về các điều lợi lộc trong trần gian này, nhưng quan trọng hơn cả là đức tin và lòng thương yêu. Tất nhiên đây không phải là lý thuyết. Vì trên lý thuyết, không ai biết nổi đức tin và lòng yêu thương ra thế nào. Đây là những hành vi hay việc làm của người tin Chúa mà người khác thấy được. Nghĩa là đức tin có tăng trưởng, tức là biết Chúa sâu nhiệm hơn để có thế phát triển một tình thương đối với nhau và với người chưa biết Chúa quanh mình. Đức tin có thể đo bằng việc dành thời giờ học Lời Chúa và Cầu Nguyện, còn tình thương có thể thấy ngay trong cách mọi người đối đãi với nhau.
Phao-lô tiếp: "Người lại nói rằng anh em thường tưởng nhớ chúng tôi, và ao ước gặp chúng tôi, cũng như chính chúng tôi ước ao gặp anh em vậy." Tình thương trong Chúa được chứng tỏ trong việc nhớ đến nhau và mong ước gặp gỡ nhau. Người tin Chúa mong được gặp nhau để chia ơn sẻ phước cho nhau và nâng đỡ đức tin cho nhau. Người tin Chúa sống cô đơn rất dễ bị sa ngã và bỏ Chúa, vì vậy mỗi chúng ta cần liên kêt với nhau để cùng tiến lên trong niềm tin nơi Chúa.
Phao-lô tiếp: " Hỡi anh em, như vậy thì ở giữa mọi sự gian nan khốn khó của chúng tôi, anh em đã lấy đức tin mình mà làm một cớ yên ủi cho chúng tôi đó." Phao-lô cho thấy rằng các anh em tại Tê-sa-lô-ni-ca thật sự có đóng góp vào việc an ủi cho Phao-lô và bạn ông trong hoàn cảnh khó khăn họ gặp. Những gian nan khốn khó mà Phao-lô nói ở đây có thể là tại Tê-sa-lô-ni-ca cũng như ngay tại Hi-lạp là nơi ông đang sống. Dù tại Tê-sa-lô-ni-ca không ai có thể làm gì cho Phao-lô, họ đã cầu nguyện và hết lòng tin Chúa. Đó là niềm an ủi cho Phao-lô.
Mục đích của Phao-lô
Ông viết: "Vì hiện nay chúng tôi sống, là tại anh em đứng vững trong Chúa." Trong thư gửi cho các tín hữu tại Philíp, Phao-lô nói rằng: "Đối với tôi, sống là Chúa Cứu Thế." Tại đây ông nói ông chỉ muốn sống để thấy các tín hữu Tê-sa-lô-ni-ca đứng vững trong Chúa. Tại đây ta hiểu ý nghĩa sống là Chúa Cứu Thế của Phao-lô là gì. Sống cho Chúa là phục vụ Ngài, là làm đủ cách để nhiều người biết Chúa và tin Ngài. Sống cho Chúa là làm cho những người cùng niềm tin được xây dựng và lo tưởng đến những anh em chị em của mình như ruột thịt. Sống cho Chúa là sống cho nhau. Chúng ta thương yêu nhau vì Chúa đã yêu chúng ta trước.
Đứng vững trong Chúa là một ao ước của người truyền giáo cũng như của mỗi tín hữu cho riêng mình và người cùng tin Chúa như mình. Đứng vững trong Chúa có nghĩa là đức tin tăng trưởng và tình thương chan hòa. Đã đứng vững thì đời sống an bình, vui vẻ và đầy hi vọng.
Có người đưa ra một câu hỏi thách thức như sau:
Nếu tất cả mọi người trong Hội-thánh đều như tôi thì Hội-thánh sẽ ra thế nào?
Câu hỏi thách thức này có thể thêm vào các chữ như: cầu nguyện, đọc Kinh Thánh, chăm sóc người khác, chứng đạo v.v. Thí dụ như:
Nếu tất cả mọi người trong Hội-thánh đều cầu nguyện như tôi thì Hội-thánh sẽ ra thế nào?
Mỗi người cần đặt câu hỏi này cho mình và thay đổi lối sống của mình đối với Chúa và người khác.
Ca ngợi và cảm tạ
" Chúng tôi làm thể nào đặng đủ tạ ơn Đức Chúa Trời về anh em, vì chúng tôi bởi cớ anh em được đầy lòng vui vẻ ở trước mặt Đức Chúa Trời chúng tôi?"
Phao-lô dường như nói với Chúa rằng: "Chúa ơi, con không bao giờ có thể cảm tạ Chúa cho đủ về những điều Chúa đang thực hiện. Chúa đã cho chúng con những người để làm chứng cho họ và họ đã tiếp nhận Ngài, họ đang tăng trưởng và thành nhân trong đức tin. Lòng con xiết bao xúc động và mừng vui."
Cảm tạ bao giờ cũng căn cứ vào những gì Chúa cung ứng chứ không phải từ loài người. Phao-lô công nhận công việc tại Tê-sa-lô-ni-ca là công việc Chúa làm chứ không phải loài người. Người không có khả năng làm việc tâm linh. Ca ngợi Chúa về việc Ngài đã thực hiện chứ không phải những gì người làm được.
Ca ngợi là cảm tạ. Khi nào chúng ta bằng lòng giao thác mình cho Chúa để cứu với thế gian trầm luân thì niềm vui chắc chắn sẽ chan hòa. Chúng ta tiếp tục cảm tạ Chúa mãi mãi.
Có người sẽ bảo: "Ông không hiểu nan đề của tôi." Không sao, cứ cảm tạ Chúa đi, vì có nhiều sự việc chúng ta không bao giờ hiểu. Những điều gây tổn thương. Nhưng chúng ta vẫn có thể cầu xin Chúa: "Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa, dù rằng con không hiểu, dù rằng cơn đau ghê gớm và áp lực rất mạnh. Cảm tạ Chúa vì con đã có lời Chúa hứa trong Kinh Thánh rằng mọi việc hợp lại đem ích lợi cho người yêu Chúa. Con tin rằng mọi việc Chúa đưa đến rồi ra sẽ tạo lợi ích cho con." Nếu chúng ta không cảm tạ Chúa có nghĩa là chúng ta tố cáo Chúa cho phép hòan cảnh xảy ra mà Chúa không chế ngự được. Hãy cảm tạ Chúa về mọi việc Chúa đưa đến cho mình.
Cầu nguyện
" Đêm ngày chúng tôi cố sức nài xin Ngài cho phép chúng tôi lại gặp anh em, và gia thêm cho đức tin anh em điều chi còn kém."
Trong câu này Phao-lô xin hai điều, thứ nhất là xin cho được gặp mặt các anh em tại Tê-sa-lô-ni-ca, đó là để thỏa lòng mong ước, nhất là khi hoàn cảnh không thuận lợi. Thứ hai là xin Chúa cho ông có thể giúp cho đứctin người Tê-sa-lô-ni-ca được thêm mạnh nếu có chỗ nào còn kém sút. Người Tê-sa-lô-ni-ca được khen về đức tin và tình thương, tuy nhiên chắc chắn vẫn chưa đồng đều, và còn nhiều điều họ chưa thấu đáo. Chẳng hạn như việc Chúa tái lâm.
Gia thêm trong câu này nghĩa là khâu lại với nhau, hoàn thành, làm cho hoàn hảo. Phao-lô muốn bổ sung những gì còn thiếu trong niềm tin của anh em. Ông cầu xin Chúa soi dẫn và tạo cơ hội cho ông làm việc này. Lá thơ mà chúng ta đang đọc chính là việc Phao-lô đã làm.
Phao-lô có gánh nặng cầu nguyện cho họ và tìm phương giúp họ.
Đây là gương sáng về quan tâm và phục vụ anh em chị em trong Chúa. Chúng ta cần cầu nguyện cho mọi người trong Hội-thánh để nếu ai còn có điều nào chưa vững trong niềm tin thì có phương cách giúp họ và làm cho họ được cùng với mình tiến bước với Chúa.