"Nhưng Chúa phán rằng: Ân suœng Ta đủ cho ngươi rồi, vì sức mạnh của Ta nên trọn vẹn trong sự yếu đuối. Vậy tôi sẽ rất vui lòng khoe mình về sự yếu đuối tôi, hầu cho sức mạnh của Đấng Christ ở trong tôi" (câu 9).
Câu hỏi suy ngẫm: "Người" trong câu 2 là ai? Sứ đồ Phao-lô nói về người đó với mục đích gì? Phao-lô cầu xin gì? Vì sao Đức Chúa Trời không nhậm lời cầu nguyện của Phao-lô? Bạn có thấy mục đích của Đức Chúa Trời khi Ngài không nhậm lời cầu nguyện của bạn?
"Người" ở đây chính là Sứ đồ Phao-lô. Ông sử dụng ngôi thứ ba để tránh khoe khoang. Ông muốn nói rằng "Anh chị em muốn nói về kinh nghiệm chăng? Tôi là người có nhiều kinh nghiệm, Tôi đã lên từng trời thứ ba và nghe thấy những điều không có phép kể lại cho anh chị em nghe" (câu 4, 5). Từng trời thứ ba là thiên đàng nơi Đức Chúa Trời ngự trị. Chắc chắn Phao-lô được ban cho sự khải thị của Đức Chúa Trời mà không ai khác có thể nghe và thấy như ông. Ông được chọn để bày tỏ cho mọi người thấy ân sủng lớn lao của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời chắc hẳn sẽ không bày tỏ cho Phao-lô những điều mầu nhiệm khác thường nếu ông không phải là sứ đồ được Ngài lựa chọn. Trong Ga-la-ti ông nói rằng lẽ thật mà ông giảng dạy đến trực tiếp từ Đức Chúa Trời, chứ ông không nhận từ một sứ đồ nào khác.
Chúng ta không biết rõ "giằm xóc" (câu 7) là gì. Có thể là di chứng đau mắt do lần bị mù một cách siêu nhiên khi gặp Chúa Giê-xu trên đường Đa-mách. Cũng có thể là một căn bịnh nhiệt đới mà ông nhiễm phải khi truyền giáo ở châu Á lâu lâu tái phát hành hạ ông. Dù là gì đi nữa thì "cái giằm" này làm ông khốn khổ và đã ba lần ông xin Đức Chúa Trời cất khỏi nhưng Ngài trả lời rằng "Ân suœng Ta đủ cho ngươi rồi, vì sức mạnh của Ta nên trọn vẹn trong sự yếu đuối" (câu 9).
Đức Chúa Trời ban sức mạnh để ông có thể chịu đựng cái giằm này và đây là một trong những cách Ngài dùng để ông thấy sự yếu đuối của mình mà không trở nên kiêu ngạo. Chúng ta học được rằng phước hạnh thuộc linh luôn quan trọng hơn phước hạnh thuộc thể. Phao-lô nghĩ ông sẽ trở nên tốt hơn nếu ông được giải phóng khỏi sự yếu đuối, nhưng sự thực thì ngược lại, vì sự yếu đuối sẽ trở nên sức mạnh khi có sự hiện diện của Chúa Giê-xu. Khi Đấng Cơ Đốc hành động thì sự yếu đuối và đau đớn trở thành chỗ để Đức Chúa Trời đổ đầy sức mạnh trên tôi con của Ngài và giúp cho họ học được bài học khiêm nhường đích thực.
Bạn kinh nghiệm "sức mạnh trong sự yếu đuối" chưa? Làm sao để có sức mạnh đó?
Lạy Chúa, xin dạy và giúp con khiêm nhường cũng như cho con nhìn thấy sự yếu đuối của mình để con không bao giờ khoe khoang, kiêu ngạo.
(c) 2024 svtk.net